Xe tự bốc cháy: Nghi án xăng pha

09/06/2016 09:05 GMT+7

Nhiều chuyên gia khi được hỏi đều lo ngại tình trạng xe tự bốc cháy như hiện nay có thể nguyên nhân từ chất lượng nhiên liệu.

Thực tế, việc để xảy ra cháy xe hàng loạt có nhiều nguyên nhân. Nguyên nhân phổ biến nhất là do xe cũ, lâu không bảo hành tu dưỡng, dẫn đến các ron làm bằng cao su cũ, bị rò rỉ nhiên liệu thời gian dài, khi gặp chập mạch các hệ thống dây điện dễ bị phát nổ.
Tiềm ẩn ethanol pha quá liều
Tuy nhiên, PGS-TS Nguyễn Lê Ninh, chuyên gia năng lượng, nhận xét: Nguyên nhân chập mạch để dẫn đến phát nổ dữ dội phải có tác động khác là từ nhiên liệu, đặc biệt nhiên liệu bị pha chế các hoạt chất khác.
Gần đây, chúng ta xài xăng pha E5 là xăng A92 pha ethanol. Nếu rò rỉ, ethanol vẫn có khả năng làm nhũn, mềm, hỏng ron cao su như thường, bởi nó là một dung môi. Lượng ethanol pha quá liều, trong khi điều kiện kỹ thuật của động cơ không đảm bảo, khả năng không an toàn cho phương tiện vận tải vẫn xảy ra rất cao.
Cũng về vấn đề này, PGS-TS Huỳnh Quyền, Giám đốc Trung tâm lọc hóa dầu (Đại học Bách khoa TP.HCM) tuy cho rằng chưa thể kết luận nguyên nhân nhưng ông thiên về lý do đến từ kỹ thuật cao hơn là từ nhiên liệu. Ông Quyền cũng khuyến cáo các chủ xe khách nên chủ động đưa xe đi bảo trì thường xuyên hơn. Cả hai vị PGS-TS đều đồng ý đã đến lúc các cơ quan chức năng phối hợp các nhà khoa học cùng ngồi lại rà soát kỹ bộ tiêu chuẩn của xe tham gia giao thông.
Kiểm tra chặt chẽ
TS Đào Quốc Tùy, Trưởng bộ môn công nghệ hữu cơ - hóa dầu (Đại học Bách khoa Hà Nội), cho biết cách đây nhiều năm, tại TP.HCM đã từng xảy ra tình trạng ô tô, xe máy hỏng hóc hệ thống dẫn xăng. Cơ quan chức năng phát hiện ra 10.000 tấn xăng bị pha với acetone tiêu chuẩn lên đến 10%. “Năm 2012, khi xảy ra hàng loạt các vụ cháy, chúng tôi cũng đã đặt nghi vấn cháy nổ liên quan đến chất lượng xăng dầu. Quả thật, sau đó, cơ quan chức năng làm mạnh, kiểm tra chặt, cháy nổ xe giảm hẳn”, TS Tùy nói.
Theo TS Tùy, về mặt lý thuyết, các quy định, quy chuẩn cũng như chế tài của VN rất chặt chẽ. Tuy nhiên, trong quá trình thực thi, các đơn vị kinh doanh có tuân thủ và áp dụng đúng không đó mới là vấn đề.
“Gần đây nhất, cơ quan chức năng phát hiện 9.000 lít xăng máy bay tuồn ra thị trường. Không có gì đảm bảo tất cả xăng dầu đang bán trên thị trường đều đúng quy chuẩn. Vì lợi nhuận, vì lòng tham có thể các chủ cây xăng đã pha thêm phụ gia vào nhiên liệu. Nếu pha nhiều có thể dẫn đến tình trạng hỏng hóc động cơ, ăn mòn các chi tiết máy, cao su... gặp các điều kiện như thời tiết, động cơ quá tải... dễ phát sinh ra cháy nổ”, TS Tùy nói.
Tương tự, PGS-TS Hoa Hữu Thu, nguyên Trưởng bộ môn hóa học dầu mỏ - Trường đại học Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội), cho biết xăng được sản xuất trong nhà máy khi bán ra thị trường đều phải đạt 15 - 16 tiêu chuẩn kỹ thuật khắt khe như: thành phần chưng cất, thành phần lưu huỳnh, áp suất hơi, điểm chớp cháy, nhiệt độ sôi, nhiệt lượng…
“Một khi nhà phân phối pha chế xăng kém chất lượng nhằm mục đích gian lận thương mại thì người tiêu dùng không thể nhận biết được. Chỉ khi đưa nhiên liệu vào phòng thí nghiệm phân tích mới có thể phát hiện ra. Về mặt an toàn, không nên dùng xăng pha chế bởi xăng dùng không đúng quy cách sẽ dẫn tới hiện tượng nổ sớm hoặc nổ không đúng kỳ, gây nguy hiểm cho người sử dụng phương tiện và những người đang lưu thông trên đường”, PGS-TS Hoa Hữu Thu bày tỏ.
Theo ông Thu, cơ quan chức năng cần kiểm tra chặt chẽ xăng dầu đang bán trên thị trường, đặc biệt là phải kiểm soát, ngăn chặn các vụ ăn cắp xăng dầu bán ra thị trường.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.