Chuyển đổi số để 'cứu' du lịch Việt

29/11/2020 08:16 GMT+7

Hội nghị toàn quốc về du lịch năm 2020 đã đề xuất hàng loạt giải pháp để “cứu” ngành du lịch Việt sau 1 năm chịu nhiều tổn thất vì dịch Covid-19 , trong đó có đặt vấn đề về chuyển đổi số.

Sáng 28.11, Hội nghị toàn quốc về du lịch (DL) năm 2020 với chủ đề “Liên kết, hành động và phát triển” do Bộ VH-TT-DL phối hợp UBND tỉnh Quảng Nam, Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân và các bên liên quan tổ chức tại Khu nghỉ dưỡng Nam Hội An (Quảng Nam). Phó thủ tướng Vũ Đức Đam dự và phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Tổn thất “chưa từng có”

Hội nghị có sự tham gia của hơn 400 đại biểu là lãnh đạo Chính phủ, đại diện bộ, ban, ngành địa phương và doanh nghiệp. Hàng loạt giải pháp được đề xuất để cùng nhau “cứu” ngành DL sau 1 năm chịu ảnh hưởng “chưa từng có” vì dịch Covid-19. Trong khuôn khổ sự kiện, có lễ ký kết hợp tác liên kết, phát triển DL giữa Hà Nội, TP.HCM và 5 tỉnh, thành thuộc vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

Du lịch Việt Nam thiệt hại khoảng 23 tỉ USD vì Covid-19

Ông Nguyễn Văn Hùng, Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL, cho biết lượng khách quốc tế cả năm 2020 ước chỉ đạt 3,7 triệu lượt, giảm 80%; khách nội địa đến hết tháng 11 ước đạt 49 triệu lượt, giảm 37,6% so với cùng kỳ năm 2019. Khoảng 40 - 60% lao động bị mất việc làm hoặc cắt giảm ngày công; khoảng 95% doanh nghiệp lữ hành quốc tế đã ngừng hoạt động; nhiều khách sạn phải đóng cửa, công suất sử dụng phòng có thời điểm chỉ đạt từ 10 - 15%; tổng thu DL cả nước thiệt hại lên tới 530.000 tỉ đồng (tương đương 23 tỉ USD).
Ông Nguyễn Văn Hùng, Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL, cho biết đại dịch Covid-19 đã có tác động đến DL toàn cầu. Việt Nam chủ động có những biện pháp để ứng phó với dịch, nhưng ngành DL vẫn không tránh khỏi tổn thất nặng nề.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Công ty Vietravel, cũng cho rằng cần có nhiều nhóm chính sách hỗ trợ doanh nghiệp DL sau dịch Covid-19 như về thuế, ngân hàng; phí, lệ phí; kích cầu thị trường trong nước. Bên cạnh đó, để tái cơ cấu ngành DL Việt Nam, ông Kỳ đề xuất một số giải pháp như: đổi mới nhận thức, tư duy về định hướng phát triển DL; cơ cấu lại ngành DL bảo đảm phát triển theo đúng định hướng ngành kinh tế tổng hợp; hoàn thiện thể chế, chính sách; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực DL…
Ông Vũ Thế Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội DL Việt Nam, cho rằng đối với DL nội địa, Chính phủ cần phải có chính sách mạnh mẽ, rõ ràng; không nên để tình trạng tự phát. Các ban ngành liên quan cần xem khách DL nội địa là đối tượng nghiên cứu, phân luồng từng đối tượng và thiết lập các sản phẩm DL tương ứng. Đặc biệt là cần nâng cao chuyển đổi số trong DL, chú trọng liên kết.

Chuyển đổi số là “yếu tố sống còn”

Tại hội nghị, ông Nguyễn Thanh Bình, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế, nêu quan điểm: Việc chuyển đổi số, hay nói cách khác là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, trong phát triển DL là một trong những yếu tố sống còn, bắt buộc chính quyền điểm đến, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ DL phải tập trung thực hiện. “Mặc dù đã triển khai khá nhiều ứng dụng cho DL thông minh, nhất là công nghệ số tại các điểm tham quan, tuy nhiên thực tế cho thấy việc ứng dụng công nghệ gắn với DL thông minh ở Thừa Thiên-Huế vẫn đang còn nhiều hạn chế, chưa kết nối chuỗi hệ thống. Hạ tầng, thiết bị hỗ trợ còn chưa đồng bộ; cơ sở dữ liệu, đặc biệt là dữ liệu lớn (big data) trong ngành DL vẫn thiếu, các ứng dụng thiết yếu chưa được đưa vào vận hành, thực hiện”, ông Bình chia sẻ.
Ông Bình cũng đề xuất T.Ư hỗ trợ, số hóa dữ liệu ngành DL và kết nối với dữ liệu các ngành khác. Bên cạnh đó, cần có các chương trình đào tạo phù hợp để xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành DL, nâng cao trình độ đội ngũ nhân lực về công nghệ thông tin và phát triển DL thông minh cũng như tăng cường hợp tác quốc tế.
Còn theo ông Lê Thanh Liêm, Phó chủ tịch thường trực UBND TP.HCM, cần đẩy mạnh xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực cả trong và ngoài nước đầu tư phát triển DL; phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế quốc gia và yếu tố tự nhiên, yếu tố văn hóa dân tộc, thế mạnh đặc trưng của các vùng, miền trong cả nước.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng để phục hồi, phát triển DL cần hướng đến chất lượng, không chỉ phân khúc cao cấp mà phân khúc nào cũng đều phải chất lượng. Đồng thời, tái cơ cấu ngành DL, chủ động phân khúc khách, nguồn khách, tập trung khách DL nội địa. Người Việt phải được trải nghiệm DL cao cấp mà trước chỉ dành cho khách nước ngoài. Bên cạnh đó, cần kéo dài thời gian lưu trú, kích thích chi tiêu nhiều hơn tại Việt Nam và mang đến sự an toàn trong DL.
Về vấn đề chuyển đổi số, Phó thủ tướng đánh giá Việt Nam có những bước tiến đáng mừng về vấn đề này. “Điều quan trọng là cần giữ an toàn như hiện tại, chưa vội mở các đường bay quốc tế đón khách nước ngoài, chú trọng phát triển du lịch nội địa. Vì việc phát triển những cái sẵn có để phục vụ cho khách du lịch trong nước sẽ tốt hơn nhiều so với việc mở cửa với những rủi ro khó lường”, Phó thủ tướng khẳng định.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.