Đi lễ chùa Bà khấn vái thực tế 'Đừng gặp virus Corona' giữa mùa dịch

09/02/2020 17:02 GMT+7

Là ngôi chùa tổ chức lễ hội văn hóa lớn nhất khu vực Đông Nam Bộ, năm nay, chùa Bà Thiên Hậu, Bình Dương đang chào đón hàng trăm ngàn lượt khách thập phương đổ về chiêm bái, lễ phật cùng những lời khấn vái…siêu thực tế.

 

“Cầu trời đừng gặp con virus Corona”

Theo thông lệ hằng năm, ngày rằm tháng Giêng là thời điểm thích hợp để cầu an lành cho cả năm. Người dân cũng từ đó mà đổ về các cơ sở đền chùa đông hơn ngày thường gấp bội.
“Ngày Rằm năm nào cũng vậy, gia đình mình chạy xe máy từ Vũng Tàu lên Bình Dương để cúng Bà, cầu bình an, gia đạo êm ấm. Năm nay dù biết đang có dịch nhưng không đi thì tâm mình không an, cảm giác cái Tết không trọn vẹn”, chị Đào Minh Nguyệt (28 tuổi) vui vẻ chia sẻ.
Lễ phật mùa dịch Corona…nên khấn vái cũng phải khác

Người dân thành tâm cúng bái, mưu cầu bình an, tránh xa dịch bệnh, tai ương

Là nét văn hóa tín ngưỡng độc đáo người Việt ta, chiêm bái lễ Phật vào những ngày đặc biệt trong năm sẽ đi kèm cùng lời khấn cầu bình an, gia đạo êm ấm, tiền tài phát đạt. Tuy nhiên, từ khóa Corona lại bất ngờ xuất hiện trong lời khấn của hầu hết người dân tại đây khi được hỏi “Cầu gì cho năm mới?”
“Mình sợ gì thì cần trời Phật tránh xa cái đó. Bây giờ dịch bệnh, phải cầu trời đừng gặp con virus Corona để còn có sức khỏe làm ăn, nuôi gia đình. Mình theo Phật, đặt niềm tin vào cái mình theo đuổi nhưng cũng phải theo dõi tin tức thời sự, đọc báo để biết cách đeo khẩu trang, rửa tay đúng cách. Cầu khấn là một chuyện, nhưng vẫn phải ứng xử khoa học để phòng bệnh”, chú Hoàng Văn Sự (65 tuổi) bộc bạch.

Theo người dân, khấn vái bây giờ phải thực tế, thức thời. Dù đặt niềm tin vào trời Phật nhưng vẫn không quên theo dõi tin tức thời sự hằng ngày

Du khách giảm mạnh, ban Quản lí chùa lại vui mừng

Nhằm chủ động đối phó với dịch bệnh và hạn chế tối đa lượng du khách đổ về quá tải như mọi năm, ban tổ chức Lễ hội chùa Bà Thiên Hậu đã quyết định ngưng lễ rước kiệu Bà vào ngày Rằm tháng Giêng theo thông lệ. Đây là lần đầu tiên đơn vị này cắt bỏ lễ hội lớn nhất ở khu vực Đông Nam Bộ.
Trước tình hình du khách giảm mạnh, ông Trần Vĩnh Anh, phó Thường trực ban Trị sự Chùa bà Thiên Hậu vẫn hồ hởi chia sẻ: “Chúng tôi vui mừng khi các nỗ lực tuyên truyền giải pháp bảo vệ người dân khỏi virus Corona đã có thể thay đổi tích cực thói quen nơi công cộng của họ.
Tại thời điểm nhạy cảm này, người dân đã hiểu được cách bảo vệ bản thân, trách nhiệm xã hội khi tham gia chiêm bái, lễ Phật tại các địa điểm văn hóa tâm linh nổi tiếng là rất tốt. Ngoài ra, cá nhân tôi cho rằng những giá trị văn hóa nào đã là thói quen, tập tục thì rất khó thay đổi, vì vậy, chúng ta cần đối mặt với bệnh dịch trên tinh thần khoa học, văn minh và tôn trọng”.
Lễ phật mùa dịch Corona…nên khấn vái cũng phải khác

Ông Trần Vĩnh An, Phó Thường trực Ban Trị Sự (Chùa Bà Thiên Hậu, Bình Dương) hồ hởi chia sẻ dấu hiệu thay đổi đáng mừng trong thói quen ứng xử ở các địa điểm văn hóa tín ngưỡng của người dân giữa tình hình dịch bệnh do virus Corona gây ra hoành hành

Cũng theo chia sẻ của ông An, lượng du khách đổ về chùa Bà Thiên Hậu, tính đến thời điểm hiện tại đã giảm hơn 80% so với năm 2019, khi con số thống kê chỉ đang chạm mốc 200.000 lượt người.
Lễ phật mùa dịch Corona…nên khấn vái cũng phải khác

Chen lấn, xô đẩy kinh hoàng tại các địa điểm văn hóa tín ngưỡng vào dịp Rằm tháng Giêng dần vắng bóng bởi lượng du khách giảm mạnh trong mùa dịch bệnh

Duy trì văn hóa tín ngưỡng, không quên trách nhiệm xã hội bên mình

Với đặc điểm lây lan mạnh qua cơ chế tiếp xúc trực tiếp từ người sang người bằng dịch cơ thể, các dấu hiệu ho, hắt hơi hay bắt tay có thể khiến cá nhân người tiếp xúc bị nhiễm chủng virus mới này.
Việc người dân tiếp tục tham gia các hoạt động văn hóa tín ngưỡng sẽ gia tăng nguy cơ tiếp xúc hoặc lây lan mầm bệnh đến cộng đồng trong thời gian cơ thể đang ủ bệnh và chưa được phát hiện.
Do đó đến thời điểm này, mọi hành động thờ ơ, vô trách nhiệm với cộng đồng, không tuân thủ các giải pháp phòng chống dịch cúm nCoV vô hình trung sẽ trở thành hiểm họa khó lường và khó kiểm soát cho cộng động và xã hội tại các địa điểm tập trung đông người.

Ngoài mang theo các lễ vật cúng bái như mọi năm, chiếc khẩu trang trở thành vật bất ly thân của người dân khi tham gia lễ hội văn hóa giữa mùa dịch bệnh virus Corona (nCoV)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.