PV hẹn gặp anh Hiếu tại chính quán ăn nhỏ mà anh vừa mở trên đường Trường Sa (Q.3, TP.HCM). Tóc cạo sát, mặc quần jean phối cùng chiếc áo thun rộng phóng khoáng, anh Hiếu cười mở đầu câu chuyện: “Đúng tháng 8 của 10 năm trước, tôi nhận giải hướng dẫn viên (HDV) du lịch giỏi toàn quốc. Nay đúng là một dịp đặc biệt để nhắc về nghề”.

Anh Hiếu có 20 năm trong nghề, xuất thân là HDV du lịch nội địa, sau đó chuyển sang đi cả quốc tế và công tác ở nhiều công ty du lịch lớn nhỏ khác nhau. Năm 2018, anh ra làm HDV tự do, thường dẫn tour inbound (đi trong nước), outbound (đi nước ngoài) và sắp xếp để có nhiều thời gian hơn cho gia đình.

Với kiến thức nghề vững cùng kinh nghiệm xử lý tình huống linh hoạt, anh được nhiều công ty “chọn mặt gửi vàng” dẫn các tour dài ngày, có những tour xuyên Việt kéo dài tới 25 ngày.

Đầu tháng 3.2020, anh thuê mặt bằng đắc địa bên bờ kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè mở một quán ăn nhỏ. Mục đích ban đầu chỉ là mở làm công việc phụ để anh em hướng dẫn có nơi hàn huyên, chia sẻ.

Lỡ phóng lao theo lao, sau giãn cách xã hội, tour chưa có lại, anh tiếp tục đầu tư cho quán ăn của mình và được nhiều anh em trong ngành du lịch ủng hộ. “Tôi lấy rau củ quả sạch, cua, cá, tôm của chính những bạn HDV bán để về chế biến bán lại cho khách, dù giá cao hơn đôi chút nhưng đây xem như tương trợ đồng nghiệp. 3 tháng đầu tôi bù lỗ cho quán vì dịch, vừa khởi sắc được tí xíu, cuối tháng 7 cảnh này lại tái diễn”, anh Hiếu nói.

Theo lời anh Hiếu, HDV du lịch là một công việc tuyệt vời, được đi đây đó, được tận mắt thấy cảnh quan thiên nhiên nổi tiếng trên thế giới. Tùy năng lực của mỗi người, ai chứng minh được giá trị năng lực càng tốt thì công ty sẵn sàng trả giá cao để HDV đi tour. Tuy nhiên, nghề này dễ chịu sự tác động từ các yếu tố chính trị, thiên tai, dịch bệnh, khủng bố.

Anh dẫn chứng, năm 2001 xảy ra vụ khổng bố 11.9 ở Mỹ làm phần đông du khách hủy tour đi nước ngoài; năm 2003 dịch SARS khiến nhiều HDV mất việc trong vài tháng; năm 2004 sự kiện sóng thần ở Phuket (Thái Lan) trong khi đây là điểm đến “hot” với khách Việt. Vậy nhưng chưa lần nào, HDV phải nghỉ lâu và mất việc lâu như dịch Covid-19 lần này.

Anh Hiếu cho biết, thời điểm này năm trước là cao điểm của tour outbound và nội địa. Nhiều HDV đi tour Nha Trang, Đà Lạt quay đầu liên tiếp. Còn HDV outbound mùa này đang mà mùa sale, shopping, sau đó nữa là đưa khách đi châu Âu ngắm mùa thu lá vàng, đêm trắng,…

Vậy nhưng năm nay thì ngược lại, HDV thường lên Facebook chia sẻ chuyện nhớ nghề. Kể về nghề mới, người thì khởi nghiệp thành công, người chật vật…

Anh Hiếu tâm sự: “Thời gian dịch ổn lại, tháng 5,6,7, tôi có được gọi đi một số tour trong nước, nhưng dịch ổn thì quán ăn cũng có khách, tôi còn làm giảng viên cho 4 trường về du lịch thu nhập cũng ổn nên nhường cho người khác”.

Tôi hỏi: “Nghỉ lâu vậy anh có đủ sống và nhớ nghề?”, anh đáp: “Dù quán ăn và đi dạy tổng thu nhập không bằng đi làm HDV nhưng tôi vẫn ổn vì trước đó đi làm cũng tích cóp được. Còn đi dạy cho sinh viên, tôi thuyết minh giống như đang dẫn khách, lại được truyền lửa cho những người cùng đam mê, đó cũng là điều thú vị”.

Trong đợt giãn cách, anh Hiếu cùng với các mạnh thường quân đã mở 4 đợt tặng quà cho những người làm dịch vụ - du lịch bị ảnh hưởng. Hơn nữa, chứng kiến nhiều đồng nghiệp chật vật xoay xở tiền nhà trọ, tìm công việc tạm bợ, anh cùng bạn bè của mình lập ra quỹ hỗ trợ HDV.

“Quỹ này cho mỗi HDV được vay 5 triệu không tiền lãi trong vòng 3 tháng thì đáo hạn. Vừa qua hết 3 tháng cũng có vài bạn ổn định, đến trả lại tiền, nhưng cũng có những bạn chưa ổn thì xin gia hạn tiếp. Chúng tôi cũng đồng ý ngay, mong là với số vốn ít ỏi đó, các bạn có thể vượt qua được mùa dịch này”, anh Hiếu tâm sự.

Rồi anh kể tiếp, trong số những HDV vay hỗ trợ, mỗi người đều có các câu chuyện riêng. Người thì vợ chồng vừa chia tay cần tiền cấp dưỡng cho con, người thì mở quán cháo cầm cự qua dịch, người thì mẹ ốm,…

Là một trong những nhóm ngành bị ảnh hưởng vì dịch Covid-19, nhưng nhiều thành viên trong Chi hội HDV du lịch TP.HCM không xin được trợ cấp trong gói hỗ trợ 62.000 tỉ của Chính phủ. Anh Hiếu giải thích, HDV du lịch tự do không có BHXH, không có được hợp đồng để đi nộp xin hỗ trợ.

Anh ví công việc của mình cũng từa tựa như thợ hồ, nay công trình này mai đi nơi khác, HDV thì xong tour về quyết toán là xong. Để chứng minh có hợp đồng thì không chứng minh được, mà hợp đồng đã quyết toán lại không có giá trị.

Anh Hiếu phân tích: “Thiệt hại ở đây là HDV tự do bị hủy tour thì các đơn vị chỉ gọi báo chứ họ không có bằng chứng pháp lý để nộp chứng minh. Chưa kể, phần đông HDV ở địa phương lên đây, bổ sung giấy tờ gì để nhận thì phải chạy về quê, tiền hỗ trợ nếu mà nhận được chắc không đủ để bù tiền xe về quê. Tôi thấy ai cũng kêu làm không được nên tôi cũng đi làm thử, mà lại nhận được. Có lẽ cũng tùy từng nơi giải quyết”.

Theo anh Hiếu, khi được học các tài liệu về HDV, lúc nào cũng đề cập đến chuyện nếu không làm HDV nữa thì có thể làm gì. Nhưng hầu như ai làm HDV cũng vẫn muốn bám trụ với nghề, nên chuyện chuyển đổi nghề ít ai tính trước.

“Có nghề nào được vậy đâu, được đi đây đi đó được tận mắt nhìn thấy, được sờ, được nói chuyện, thậm chí khách của mình là giáo viên, bác sĩ, công nhân, tất cả các nghề nên khi ta thấy mình thích hợp với nghề nào đó thì dễ chuyển sang nghề khác. Nếu anh em nào nắm bắt được điều này và chuẩn bị nguồn kinh phí thì sẽ không quá khó khăn trong mùa dịch này”, anh chia sẻ.

Cuối cuộc trò chuyện, anh trầm tư nói, dịch Covid-19 đã làm thay đổi nhiều thứ, làm HDV nhận ra được các bài học trong cuộc sống về chuyện tích cóp lo cho tương lai cũng như những rủi ro có thể gặp phải. Hơn hết, các câu chuyện đồng nghiệp tương trợ lẫn nhau, cộng đồng chung tay hỗ trợ sẽ làm chúng ta có cái nhìn bao dung, chia sẻ hơn…

Báo Thanh Niên
13.08.2020

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.