Hai năm sau ngày cầm tờ giấy “khai sinh” Bamboo Airways, ông Quyết gặp lại tôi vào một buổi chiều tại khu vực Bamboo Lounge (FLC Sầm Sơn) cổ điển, sang trọng.

Trên đường tới nơi hẹn, tôi bất chợt nghĩ về hậu quả của “đại dịch” đến ngành hàng không toàn cầu. Những ông lớn hàng không thế giới như Emirates (Dubai) gặp khủng hoảng, Virgin Atlantic (Mỹ) nộp đơn phá sản…, vậy một “Tre Việt” vẫn còn đang trong giai đoạn tăng tốc thì sao? 

Nhưng dường như, sự kỷ luật đặt trên nền móng văn hoá tinh thần gia đình của FLC và tổ ấm Bamboo Airways - như ông bày tỏ, đang giúp cả tập đoàn có được niềm tin tuyệt đối sẽ vượt qua khủng hoảng, cất cánh bền vững trong tương lai.

Covid-19 có vẻ làm dáng vóc của ông dạo này hơi “mảnh khảnh”? 

Bạn không cần phải “khích tướng”, vì đó là nghề và nghệ thuật kinh doanh của tôi rồi. Người tôi bao năm vẫn vậy, hơi gầy, nên nhiều người vẫn hay gọi vui là “Quyết còi” (cười). Còn Covid-19 thì có lúc không nản sao được. Đang hoạt động tối đa công suất xấp xỉ 150 chuyến/ngày, xuống còn 80, tiếp tục cắt xuống còn 50… Đường bay quốc tế thì đóng băng, nhìn một số anh em phi hành đoàn phải “nằm” ở nhà, là người chủ doanh nghiệp, mình không buồn sao được.

Thiên tai, dịch họa trăm năm mới gặp một lần, nhiều hãng bay gặp khó khăn lớn. Ông có sợ không?

Đấy là những thứ trên trời rơi xuống, có tính cũng không thể tính hết được rủi ro. Chấp nhận thôi, thương trường mà. Nhưng, nếu sợ thì tôi đã không bay, và đã bay thì sẽ không bao giờ buông bỏ! Tôi chỉ xót cho các nhân viên của mình, những con người của FLC, của Bamboo Airways, khi họ đang tràn đầy nhiệt huyết mà lại gặp ngay phải trở ngại Covid.

Nhưng dù thế nào thì cuộc sống vẫn sẽ cứ tiếp tục. Đối sách chủ đạo của ông và ban lãnh đạo hiện nay là gì?

Với hàng không, du lịch thì đúng là chẳng còn cách nào khác. Anh có giảm giá, có cho không phòng thì với tình hình hiện nay cũng chỉ có rất ít khách để phục vụ. Điều đó thực sự khiến chúng tôi đôi khi có cảm giác bị bất lực. Nhưng đúng là vẫn phải sống. Trước mắt phải tái cơ cấu lại hoạt động kinh doanh cho phù hợp, tiết giảm chi phí tối đa; tổ chức lại bộ máy, dây chuyền sản xuất; điều chỉnh thu nhập; cắt toàn bộ các khoản chi chưa thực sự cấp bách; giãn/hoãn các khoản chi có thể… 

Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên, câu này có vẻ đúng, song tôi lại không hoàn toàn nghĩ như vậy. Con người tự cổ chí kim đã không bao giờ chịu đầu hàng trước thiên tai, dịch hoạ, hà cớ gì mà phải sợ hãi đến mức phải buông bỏ? Tôi tin dịch rồi sẽ qua đi, vắc-xin cũng đã bắt đầu có, nhu cầu đi lại trên toàn thế giới dù thế nào cũng vẫn rất lớn. Lò xo càng nén sẽ càng bật mạnh.

Điều đau khổ nhất với các ông chủ DN có lẽ là việc sa thải nhân viên, cắt giảm biên chế… Với đội ngũ nhân sự lên tới 3.000 người của Bamboo và gần 10.000 người của FLC, ông có buộc phải làm vậy không?

Dùng từ sa thải theo tôi không phù hợp cho lắm. Nhân sự là tài sản quý nhất của Bamboo Airways và FLC. Chúng tôi không cắt biên chế bất cứ ai, nhưng tạm nghỉ và điều chỉnh thu nhập trong bối cảnh hiện nay là điều buộc phải thực hiện, không còn cách nào khác. Điều may mắn nhất của tôi là nhận được sự chia sẻ, thấu hiểu và thông cảm của anh chị em nhân viên. Có người từng chủ động xin nghỉ, thậm chí là cấp Phó tổng giám đốc, nhưng sau đó đã quay trở lại. Tôi hiểu họ có tình yêu, niềm tin rất lớn vào Bamboo Airways và FLC, để cùng nhau chung tay vượt qua giai đoạn khó khăn lịch sử này. 

Đó có phải là giá trị cốt lõi mà ông muốn xây dựng để tạo nên văn hoá doanh nghiệp?

Con người là nguồn sống của mọi công ty và dù thế nào đi chăng nữa, họ luôn cần được chăm sóc như một gia đình. Tìm ra họ, quản lý, truyền cảm hứng luôn là thử thách quan trọng nhất mà mỗi lãnh đạo doanh nghiệp phải đối mặt. Đặc biệt với ngành hàng không, máy bay thì gần như không khác gì nhau, nội thất tương đối giống nhau, và thường chỉ có sự khác biệt nhất định về dịch vụ, giải trí, đồ ăn... Nhưng điều sẽ khiến một hãng bay trở nên khác biệt thực sự so với các đối thủ cùng ngành, đó chính là phi hành đoàn và thái độ của họ đối với hành khách.

Tôi luôn luôn nói với anh em rằng, khách hàng đang nuôi sống chúng mình đấy! Khách của Bamboo Airways nếu còn chưa hài lòng về điểm gì thì chúng ta phải tìm mọi cách làm cho họ hài lòng. Như các bạn có thể thấy, Bamboo Airways xuất hiện đã tạo ra một làn gió mới về phong cách phục vụ. Tôi rất vui khi hai năm cất cánh tràn ngập những lời khen về thái độ phục vụ của Bamboo Airways. Người của Bamboo Airways đã thực sự mang đến cho khách hàng cảm giác được trải nghiệm một dịch vụ chất lượng cao ở trên không, chứ không chỉ ngồi vào ghế và di chuyển bằng máy bay.

Dù sao, khi bắt đầu cất cánh, ông đã bay vào một vùng trời khá đông đúc... Bay sau thì thật khó để chiếm lĩnh bầu trời?

Xin được hỏi lại một câu rất thẳng thắn, bạn đã nghe mấy ai phàn nàn về dịch vụ của Bamboo Airway chưa? Thời gian cất cánh dù mới hai năm, nhưng tôi cảm thấy tự hào rằng chúng tôi đã và đang thực hiện đúng sứ mệnh của mình. Coi khách hàng là ân nhân. Từ phi công đến tiếp viên, điều đầu tiên chúng tôi muốn khách hàng cảm nhận chính là ở nụ cười, sự phục vụ chu đáo, sự tận tâm và sẵn sàng giúp đỡ.

Nhưng tôi thấy cũng có nhiều công ty so sánh mình với các gia đình, nhiều đến mức từ “gia đình” có thể bị lạm dụng?

Điều đó không sai. Nhưng tôi thực sự tin rằng tinh thần gia đình của Bamboo Airways sẽ giúp chúng tôi vượt qua được đại dịch và phát triển mạnh mẽ, bền vững trong tương lai. Thực tế, như đợt dịch thứ nhất, điều làm tôi thực sự xúc động chính là đội ngũ phi hành đoàn của Bamboo Airways. Ở họ có sự chuyên nghiệp, tính chủ động và sẵn sàng rất cao. Khi bay trở lại, tất cả vẫn đều chính xác tới từng chi tiết. Tôi thấy ở họ tình cảm chân thành, gắn bó với hãng bay như các thành viên gia đình. Nên tự bản thân tôi cũng hoà mình vào trong đó từ lúc nào không biết. Có bạn tiếp viên trẻ, sau đợt dịch lần một, được bay trở lại còn oà khóc. Tiếp xúc nhiều với chúng tôi, bạn sẽ cảm nhận được tình cảm đặc biệt đó. 

Nhân kỷ niệm hai năm thành lập Bamboo Airways, xin được hỏi lại ông, động lực và trải nghiệm cá nhân nào đã dẫn đến lựa chọn theo đuổi ngành hàng không, với ưu tiên đặt chất lượng phục vụ lên cao nhất?

Tôi bắt đầu với hàng không bằng cả kỷ niệm tuổi thơ khát khao được bay và con mắt của người làm kinh doanh. Là người làm dịch vụ, nghỉ dưỡng, nên thấy ngành này rất hấp dẫn, đầy tiềm năng. Từ hồi 2014, FLC đã mua trực thăng để làm dịch vụ. Nhưng kết quả không cao vì kinh doanh trực thăng phải phụ thuộc nhiều thứ… Do đó, tôi ấp ủ suốt từ năm 2014, 2015, đến 2016 chuẩn bị về thủ tục và 2017 chính thức nộp hồ sơ lên cơ quan quản lý xin cấp phép thành lập hãng hàng không. Yếu tố đầu tiên là phải thích, thứ hai phải nghiên cứu thị trường, thứ ba chuẩn bị tiềm lực rất kỹ. Khi Bamboo Airways cất cánh, chỉ trong vòng chưa đến 6 tháng đã đưa lượng hành khách đạt đến con số triệu lượt. Tỷ lệ an toàn tuyệt đối. Tỷ lệ đúng giờ liên tục cao nhất toàn ngành hàng không Việt Nam từ khi cất cánh cho đến giờ. Đó chính là nhờ có sự chuẩn bị kỹ càng trong nhiều năm. 

Lúc đó ông có định hình trong đầu mình 5 năm, 10 năm, 20 năm và thậm chí 50 năm nữa, Bamboo Airways sẽ như thế nào?

Tôi không phải mẫu doanh nhân ưa nói chuyện “đao to búa lớn”. Nhưng tôi thích nghĩ lớn. Lộ trình phát triển của Bamboo Airways chắc chắn sẽ mở rộng dần ra thế giới. Tuy nhiên, mục tiêu dù có thể lớn, nhưng hãy cứ làm tốt từng cái nhỏ đã, chỉn chu, cẩn trọng. Bản thân tôi và FLC là tập hợp của rất nhiều dân luật, chúng tôi làm có lộ trình, có kế hoạch.

FLC đâu chỉ có Bamboo Airways. Tôi thấy ông ấp ủ nhiều khát vọng, từ nông nghiệp, bất động sản, xây dựng, và kể cả khai thác đá... Tuy nhiên, “một nghề cho chín, còn hơn chín nghề”. Ông nghĩ sao về câu tục ngữ này?

Tôi vốn làm luật, sóng gió cũng đã nếm trải đủ. Cái gì tốt cho người dân, nhân viên và cho xã hội thì mình làm. Tất nhiên làm phải có lợi nhuận. Hệ sinh thái của FLC rất đa dạng và linh hoạt, chủ yếu xoay quanh lĩnh vực bất động sản. Điều đó giúp chúng tôi có thể bù đắp tổn thất, tồn tại được trong khủng hoảng, đặc biệt đại dịch Covid-19. Nhưng chúng tôi cũng đã và đang tiến hành tái cơ cấu mạnh mẽ, cắt giảm và thu hẹp lại mảng xây dựng, hoặc những mảng không mang lại tiềm năng, giá trị lớn. Chúng tôi mong muốn xây dựng được thương hiệu FLC như một chuỗi sản phẩm, dịch vụ chất lượng và đẳng cấp. Bay Bamboo Airways, ăn thực phẩm của FLC Fam, nghỉ dưỡng và chơi golf tại FLC Resort… Tất cả phải chất lượng, lịch sự, chu đáo, tận tâm nhất!

Tôi cũng nghe một số điều tiếng về Trịnh Văn Quyết. Chẳng hạn có những ý kiến cho là ông chỉ giỏi “vẽ” dự án, rồi được “chống lưng” này nọ…

Hai năm trước tôi đã từng trả lời bạn, tôi sống an nhiên trước các tin đồn. Vì khi đó một loạt dự án của FLC mới bắt đầu triển khai, họ muốn nói sao thì nói, còn tôi thì chỉ chuyên chú vào làm. Giờ đây thì tất cả đã rõ rồi, các quần thể nghỉ dưỡng, trung tâm thương mại, căn hộ… của FLC đã trải trên khắp ba miền. Vậy đó có phải “bánh vẽ” không? Ngay cả hãng bay cũng vậy, khi tôi nói sẽ bay thì nhiều người cho rằng tôi “nổ”. Và giờ như bạn thấy, Bamboo Airways đã cất cánh. 

Còn tin đồn “chống lưng” thì nực cười. Tôi là con nhà nông dân, quê ở nông thôn. Tất cả bắt đầu chỉ có mỗi hai bàn tay trắng. FLC từ công ty 1 người giờ đã lên tới hơn 10.000 người, chẳng có ông bà nào “chống lưng” cả. 

Rồi lại còn có cả tin đồn “Trung Quốc đầu tư” cho ông?

Điều đó lại càng nực cười. Doanh nghiệp chúng tôi trước đây từng vay một số vốn nhỏ, đâu đó có hơn 110 tỷ đồng từ Ngân hàng Công thương Trung Quốc. Chi nhánh của họ đang hoạt động kinh doanh bình thường tại Việt Nam với rất nhiều khách hàng như bất cứ ngân hàng nào khác. Và hiện tại thì FLC đã trả hết xong toàn bộ số nợ này từ nhiều tháng nay.

Trong làm ăn thì có doanh nghiệp nào mà không có lúc đi vay? Chuyện này còn được chính FLC nêu ra minh bạch trong các báo cáo tài chính công khai. Hay chính vì lý do này mà một số người từ đó thổi phồng thành thuyết âm mưu như bạn nói chăng? 

Bạn thử nghĩ đã làm kinh doanh, 10 doanh nhân thì có ai không bị chỉ trích, tin đồn bủa vây. Người yêu người ghét, người khen người chê. Và rồi cũng đành phải sống chung với tin đồn, dù đôi lúc nghe đủ loại tin đồn ngớ ngẩn cũng thấy vừa buồn cười vừa tức. 

Dù sao, tôi chỉ tâm niệm cứ làm tốt nhất có thể, và mong bất cứ ai khi nhìn vào người khác, hãy nhìn vào những điều tốt đẹp trước đã.

Hạnh phúc của ông hiện tại là gì?

Hạnh phúc của tôi đơn giản là mỗi ngày bán được thêm nhiều căn hộ, có thêm nhiều hành khách lựa chọn Bamboo Airways. Và có nhiều hơn thời gian dành cho gia đình. Vì thực sự quỹ thời gian trống của tôi quá ít ỏi. 

Là “cha đẻ” Bamboo Airway, nếu được tặng một món quà kỷ niệm hai năm thành lập, ông thích món quà gì?

Nếu bạn nói “quà” hiểu theo nghĩa vật chất thì riêng bản thân tôi không có ham hố gì. Ngày nào thì cũng chỉ ăn 3 bữa, nên biết vừa, biết đủ thì là vui! Tôi chỉ mong muốn tất cả người Bamboo Airways và FLC trong giai đoạn lịch sử này, hãy càng kiên cường, gắn bó, sẻ chia, như anh chị em chung lưng đấu cật trong đại gia đình. Chắc chắn đó là món quà ý nghĩa nhất!

Bài viết: Tiêu Phong
Đồ họa: Lâm Nhựt

Báo Thanh Niên
18.08.2020

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.