Bách khoa toàn thư về SSD cho game thủ

16/10/2018 11:04 GMT+7

Ổ cứng là thiết bị được sử dụng không chỉ để cải thiện tốc độ của hệ thống, mà còn là giải pháp tốt nhất để tối ưu hóa tốc độ của các vi xử lý (CPU) cao cấp.

Đơn giản là, trong khi CPU có thể tính toán được hàng tỷ phép tính mỗi giây, nếu tốc độ của ổ cứng quá chậm, toàn bộ hệ thống sẽ phải chờ đợi để dữ liệu được nạp vào đủ.

Các ổ cứng đĩa (HDD) hiện tại rất chậm so với SSD do vẫn còn các linh kiện cơ học. So với SSD, tốc độ của HDD thua kém cả trăm đến nghìn lần, do nhiều yếu tố và thiết lập khác nhau.

Sau đây là một số thông tin cơ bản cho nhu cầu chọn mua SSD của bạn. Lưu ý, các thông tin này là cơ bản nhất, tức dành cho những bạn chưa có kiến thức gì về SSD.

Hiểu về khả năng của máy tính

Hãy xem thử máy tính của bạn đang có cổng kết nối M.2 hay SATA3, và không gian để bố trí ổ cứng có thoải mái trong thùng máy hay không. Nếu linh kiện trên bo mạch chủ đã nhiều (2 VGA chẳng hạn), nên sử dụng ổ 2.5 inch thay vì M.2.

Dung lượng 250 đến 512GB: Đừng mua ổ cứng dung lượng dưới 256GB bởi nó không đủ cho bạn làm gì cả. Mức dung lượng 500GB nhìn chung là cân bằng giữa giá thành và dung lượng ở thời điểm này.

SATA là lựa chọn sản phẩm giá rẻ hơn, và được hỗ trợ rộng rãi trên tất cả các bo mạch chủ hiện tại. So với ổ cứng HDD, các SSD SATA vẫn có tốc độ vượt trội hơn rất nhiều. Các bo mạch chủ thế hệ mới còn được trang bị ổ cứng có giao tiếp chuẩn NVMe PCIe hoặc Optane, có tốc độ cao hơn nhiều so với SATA.

Kể cả ổ cứng SSD có tốc độ chậm nhất vẫn nhanh hơn ít nhất 3 lần so với các HDD. Tùy thuộc vào khối lượng công việc, sự khác biệt giữa các ổ cứng SSD hơi khó để nhận ra.

Chi phí cần chuẩn bị

Các SSD thương mại thường có mức dung lượng từ 120GB đến 2TB. Ổ cứng 120GB có giá thành thấp nhất, nhưng chúng không có đủ dung lượng để chứa nhiều phần mềm và hoạt động chậm hơn so với các ổ cứng dung lượng cao. Các sản phẩm này hiện có giá khoảng trên 1 triệu đồng, và lời khuyên là bạn nên nâng cấp lên 250GB với xấp xỉ 2 triệu đồng. Hợp lý nhất trong thời điểm này vẫn là lựa chọn ổ cứng 500GB, tuy hơi đắt tiền hơn, khoảng 4 triệu đồng nhưng có thể sử dụng ổn định và lưu trữ thoải mái trong vài năm tới.

Có một số hãng giới thiệu những SSD với mức dung lượng 2TB trở lên, như Samsung chẳng hạn. Nhưng chúng thường cực kì đắt đỏ, hơn 20 triệu đồng. Do đó, các sản phẩm này chỉ phù hợp với đối tượng người dùng là chuyên gia, không ngần ngại chi tiền cho hiệu quả công việc.

SSD có kiểu dáng nào?

Các ổ cứng SSD có 4 kích thước và kiểu dáng khác nhau.

2.5 inch SATA: Đây là dạng phổ biến nhất. Thiết kế của SSD bắt chước ổ cứng máy tính xách tay truyền thống và kết nối qua cùng cáp SATA, đem lại khả năng nâng cấp và tương thích dễ dàng.

SSD Add-in Card (AIC): Linh kiện rời kết nối SSD với bo mạch chủ qua cổng PCI Express, đem lại tốc độ cao hơn nhiều so với SATA. Các AIC có chứa SSD được gắn vào khe PCIe vốn dành cho card đồ họa hoặc linh kiện điều khiển hệ thống RAID. Điều này cũng đồng nghĩa với việc linh kiện này chỉ dành cho máy tính để bàn mà thôi. Ngoài ra, sử dụng linh kiện AIC cũng giúp cho các ổ cứng hoạt động mát mẻ hơn, do cách sắp xếp thoáng hơn so với lắp đặt theo các vị trí mặc định trên thùng máy.

SSD M.2: Có kích thước và hình dạng gần giống với thanh RAM nhưng nhỏ hơn, M.2 SSD là tiêu chuẩn và là lựa chọn hàng đầu dành cho các máy tính xách tay mỏng nhẹ. Điều này không ngăn cản người dùng máy tính để bàn lựa chọn sản phẩm cho hệ thống của mình, bởi hiệu năng của M.2 SSD là rất tốt. M.2 SSD có nhiều kích thước khác nhau, nên cần phải thận trọng khi lựa chọn để phù hợp với bo mạch chủ hoặc máy tính xách tay của mình. Đối với các bo mạch chủ lớn, không có giới hạn về chiều dài, nhưng đối với những thiết bị nhỏ gọn, nhà sản xuất thường bố trí không gian cho M.2 SSD là rất ít. Dung lượng ổ cứng M.2 SSD lớn nhất lên tới 2TB, nên có rất nhiều lựa chọn thoải mái tùy thuộc vào ngân sách của bạn.

U.2 SSD: Thoáng nhìn, các ổ cứng U.2 SSD không khác gì các ổ cứng SATA truyền thống. Tuy nhiên, chúng sử dụng cổng kết nối khác và gửi dữ liệu qua giao thức PCIe. U.2 SSD đắt hơn, có dung lượng cao hơn M.2 SSD.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.