12 giảng viên khoa Hàn Quốc học xin nghỉ việc, 600 sinh viên có bị ảnh hưởng?

Hà Ánh
Hà Ánh
06/03/2021 12:25 GMT+7

12 giảng viên cơ hữu khoa Hàn Quốc học Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM cùng nộp đơn xin nghỉ việc, hơn 600 sinh viên khoa này có thể trở lại trường vào ngày 8.3 tới?

Theo kế hoạch, ngày 8.3 tới, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) cho sinh viên trở lại trường sau thời gian học trực tuyến phòng dịch Covid-19. Trong số này có hơn 600 sinh viên khoa Hàn Quốc học, nơi hiện có 12 trong tổng số 21 giảng viên cơ hữu đồng loạt nộp đơn xin nghỉ việc. Họ đều có bằng thạc sĩ, một số đang làm nghiên cứu sinh với thâm niên 5-23 năm. Trong số 12 giảng viên nộp đơn xin nghỉ việc hiện có 1 người rút đơn tiếp tục làm việc tại khoa, 3 người đã nhận quyết định chấm dứt hợp đồng làm việc, 8 trường hợp còn lại đang trong quá trình giải quyết.

Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM bắt đầu cho sinh viên học tập trung từ ngày 8.3

Hà Ánh

Trao đổi với phóng viên Báo Thanh Niên, tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, Phó hiệu trưởng trường này, cho biết khi sự việc này xảy ra điều lo lắng nhất với nhà trường là việc đảm bảo quyền lợi người học. Hiện khoa này đã sắp xếp ổn thỏa việc giảng dạy không chỉ đảm bảo người đứng lớp mà cả chất lượng dạy học. Giải pháp trước mắt là sử dụng đội ngũ giảng viên tuyển mới, điều chuyển giảng viên từng tốt nghiệp tiến sĩ Hàn Quốc học ở khoa khác, sử dụng thầy cô tình nguyện viên người Hàn Quốc và cả biện pháp tăng giờ dạy của các giảng viên còn lại.
"Chúng tôi phải đảm bảo không để sự việc này ảnh hưởng đến quyền lợi sinh viên và chất lượng đào tạo", ông Hạ nói.

Cả trưởng khoa và giảng viên đều bị phê bình

Trước đó, tháng 9.2020 các giảng viên đã đồng loạt ký đơn gửi trường cho rằng cách quản lý, điều hành của tiến sĩ Nguyễn Thị Phương Mai - Trưởng khoa Hàn Quốc học, là thiếu nguyên tắc dân chủ dẫn đến “không khí làm việc ngột ngạt, căng thẳng” trong khoa. Một tháng sau khi làm việc với trường về những nội dung phản ánh nhưng nhận thấy tình hình không được cải thiện, các giảng viên đã gửi đơn kiến nghị lên Thanh tra Chính phủ và Bộ GD-ĐT.
Trong đơn kiến nghị lần đầu (ngày 15.10.2020) có nội dung cho rằng nhà trường đã bổ nhiệm thần tốc, chưa đủ tiêu chuẩn, điều kiện và các quy định pháp luật hiện hành với trưởng khoa Nguyễn Thị Phương Mai. Sau đó, ngày 19.10.2020 Thanh tra Chính phủ có công văn gửi Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM xem xét, gửi kết luận về Thanh tra Chính phủ.
Ngày 28.12.2020, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM đã có kết luận do bà Ngô Thị Phương Lan, hiệu trưởng nhà trường ký, về các nội dung kiến nghị, phản ánh đối với tiến sĩ Nguyễn Thị Phương Mai, Trưởng khoa Hàn Quốc học. Theo kết luận này, kết quả xác minh cho thấy việc phản ánh có nội dung đúng toàn bộ hoặc đúng một phần. Trong việc thực hiện chức trách của trưởng khoa, bà Mai có những hạn chế nhất định trong việc quản lý chuyên môn, quản lý hành chính của khoa, cách ứng xử thiếu linh hoạt trong một số trường hợp dẫn đến bức xúc của nhiều giảng viên. Tuy nhiên bà Mai không có vi phạm nghiêm trọng tới mức phải bãi nhiệm. Đồng thời yêu cầu trưởng khoa này có biện pháp khắc phục các hạn chế trong công tác quản lý chuyên môn, quản lý hành chính theo kết luận này.
Trong kết luận dài 53 trang này hiệu trưởng cũng phê bình 11 giảng viên của khoa, trong đó có một số nội dung phản ánh sai sự thật khách quan. Trong ba nội dung phản ánh, nội dung thứ nhất sai; nội dung thứ hai có 5 vấn đề đúng, 7 vấn đề đúng một phần và 11 vấn đề sai (trong số 23 vấn đề); nội dung thứ ba và thứ tư có 1 nội dung đúng một phần và một nội dung sai.
Cụ thể, 5 vấn đề phản ánh đúng, 9 vấn đề đúng một phần là: Trưởng khoa không lắng nghe ý kiến đóng góp mang tính xây dựng của giảng viên; có phát ngôn thiếu tôn trọng giảng viên; không chú trọng đến chất lượng đào tạo của khoa; hạn chế trong việc triển khai đề án chất lượng cao của khoa...
13 vấn đề phản ánh sai là: Trường bổ nhiệm trưởng khoa chưa đủ tiêu chuẩn, điều kiện; trưởng khoa thiếu dân chủ trong điều hành công việc; bao che sai phạm cho phó khoa phụ trách đào tạo; cho một giảng viên thân thiết sử dụng văn phòng khoa với mục đích cá nhân.

ĐH Quốc gia TP.HCM thành lập tổ công tác xác minh

Ngày 15.1 vừa qua, nhóm giảng viên tiếp tục có đơn kiến nghị lần 2 gửi Thanh tra Chính phủ và Bộ GD-ĐT với lý do được nêu rõ trong đơn: “Sau 51 ngày làm việc, sự phản ánh của chúng tôi không được nhà trường giải quyết một cách thỏa đáng. Một số nội dung phản ánh về phẩm chất, tư cách đạo đức, năng lực của trưởng khoa được nhà trường kết luận một cách phiến diện, thậm chí một số kết luận gây tổn hại danh dự giảng viên”.
Cũng trong đơn này, nhóm giảng viên cho biết không thể tiếp tục làm việc với một người trưởng khoa có các sai phạm như: Làm việc không đúng nguyên tắc, đường lối nhà trường; gây mất đoàn kết chia rẽ nội bộ; thiếu trung thực…
Hiện Thanh tra Chính phủ đã chuyển đơn cho ĐH Quốc gia TP.HCM thụ lý và giải quyết. Ngày 2.3 vừa qua, PGS-TS Vũ Hải Quân, Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM đã ký quyết định về việc thành lập tổ công tác xác minh các nội dung liên quan đến đơn kiến nghị của 12 giảng viên. Ngày 4.3, tổ công tác xác minh đã có buổi làm việc đầu tiên tại trường về vụ việc.
Khoa Hàn Quốc học hiện còn 10 giảng viên cơ hữu và 2 chuyên viên giáo vụ. Các giảng viên đã có nguyện vọng xin nghỉ việc hiện trường không xếp lịch dạy trong học kỳ tới. Khoa Hàn Quốc học được thành lập 5 năm trước, tiền thân là bộ môn Hàn Quốc học thuộc khoa Đông phương học.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.