Bình luận đề thi: Xóa quan niệm học thuộc lòng môn xã hội

25/06/2017 09:49 GMT+7

Cả giáo viên và thí sinh (TS) đều bày tỏ sự hài lòng, hào hứng cả về nội dung lẫn kỹ thuật của 3 môn sử, địa, giáo dục công dân trong bài thi khoa học xã hội sáng qua (24.6).

Điều đáng ghi nhận là đề thi này cho thấy không thể quan niệm môn xã hội chỉ có học thuộc lòng.
Khá nhiều TS tại TP.HCM nhận xét nội dung câu hỏi hay, bám sát thực tế. Tiến sĩ Lê Hoàng Lâm, Trường quốc tế song ngữ Horizon (Q.2), nói rằng đề thi các môn đều nằm trong chương trình. Đặc biệt câu hỏi của môn giáo dục công dân rất thú vị vì mang hơi thở cuộc sống.

tin liên quan

Dự kiến điểm chuẩn sẽ tăng
Kết thúc kỳ thi, nhiều giáo viên dự đoán điểm chuẩn xét tuyển vào ĐH sẽ tăng so với năm trước do đề được đánh giá là khá dễ chịu.

Cô Võ Thị Hậu, giáo viên môn giáo dục công dân Trường THPT Marie Curie (TP.HCM), cho biết lần đầu tiên môn này được đưa vào kỳ thi THPT quốc gia và theo hình thức trắc nghiệm nhưng đề không khó. Tới 34 câu có nội dung cơ bản, 6 câu cuối yêu cầu vận dụng kiến thức được học để xử lý các tình huống trong đời sống như: quyền tác giả, quyền bình đẳng hôn nhân... Cô Nguyễn Thị Minh Trâm, Trường THPT Vĩnh Viễn (TP.HCM), nhận xét đề bám sát nội dung trọng tâm và có sự phân hóa rõ rệt. Để làm được bài, TS phải ôn kỹ, có suy luận và biết liên hệ thực tiễn, đọc thêm sách báo. Đa số TS với sức học trung bình sẽ đạt 5 - 6 điểm, và ít TS đạt điểm 10 do là môn thi cuối nên đa số các em đều đã đuối sức.
Với đề thi lịch sử, cô Nguyễn Thị Mùi, giáo viên sử Trường THPT Vĩnh Viễn (TP.HCM), cho rằng đề rất hay vì kiến thức rải đều trong các bài học. Đề còn có những câu hỏi vận dụng kiến thức qua chính sách xã hội của các nước, có những câu TS phải đọc kỹ SGK mới không bị nhầm lẫn. Đề thi này phù hợp với kỳ thi và có thể chọn được TS xuất sắc vào ĐH. Tiến sĩ Trần Ngọc Khánh, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cho rằng: “Đề thi đã xóa bỏ tư duy chung về môn lịch sử chỉ là học vẹt, hay chỉ là những con số khô khan mà còn cần có sự tư duy, phân tích tổng hợp”.

Nhận xét đề thi môn địa, thạc sĩ Nguyễn Đình Tình, giảng viên Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, cho rằng nhiều câu phân hóa đòi hỏi học sinh phải liên kết được kiến thức từ lớp 10 mới trả lời được. Có nhiều câu, để chọn được đáp án đúng, TS cần có hiểu biết sâu về kiến thức địa lý. Ngoài ra, đề cũng cập nhật các vấn đề đang rất thời sự như môi trường.
Còn bà Đặng Thị Chiếu Huyền, Trường trung học Thực hành ĐH Sư phạm TP.HCM, cho rằng đề thi có sự phân hóa, tuy nhiên số câu hỏi vận dụng cao không nhiều, chỉ khoảng 5 câu. Với đề thi này, số học sinh đạt từ điểm 7 trở lên sẽ tương đối nhiều.

tin liên quan

Thi THPT quốc gia: Chậm nhất ngày 7.7 công bố kết quả
Chiều 24.6, Bộ GD-ĐT tổ chức họp báo kết thúc kỳ thi THPT quốc gia. Nhiều vấn đề được các phóng viên đặt ra như có hay không chênh lệch độ khó giữa các mã đề thi, giảm thí sinh vi phạm có phản ánh đúng thực tế, việc chấm thi sẽ tiến hành ra sao?...


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.