Các bảng xếp hạng nổi tiếng trên thế giới

27/03/2016 08:23 GMT+7

Hiện nay có 4 bảng xếp hạng ĐH được cho là có tầm ảnh hưởng trên thế giới, nhưng theo đánh giá của các chuyên gia, tất cả đều có những ưu, khuyết điểm.

Hiện nay có 4 bảng xếp hạng ĐH được cho là có tầm ảnh hưởng trên thế giới, nhưng theo đánh giá của các chuyên gia, tất cả đều có những ưu, khuyết điểm.

Đại học Quốc gia Singapore (NUS) có tên trong nhiều bảng xếp hạng - Ảnh: NUS.EDU.SGĐại học Quốc gia Singapore (NUS) có tên trong nhiều bảng xếp hạng - Ảnh: NUS.EDU.SG
Bảng xếp hạng của Mỹ
Bảng xếp hạng ĐH tốt nhất của Mỹ được công ty truyền thông nước này U.S.News & World công bố lần đầu tiên vào năm 1983. Sự phổ biến của bảng xếp hạng này được thể hiện rõ khi phiên bản 2014 thu hút 2,6 triệu người xem và 18,9 triệu lượt xem trang Usnews.com chỉ trong một ngày, theo trang tin Min. Tuy nhiên, bảng xếp hạng này đã bị không ít trường ở Mỹ tẩy chay vào thập niên 1990 đến năm 2010. Báo San Francisco Chronicle chỉ trích phương pháp luận của U.S.News & World Report “không cần thiết” và “phần lớn chỉ vì tiền”. Dù vậy, đến năm 2014, U.S.News & World Report lần đầu tiên công bố bảng xếp hạng ĐH tốt nhất toàn cầu.
Bảng xếp hạng của QS
Bảng xếp hạng ĐH thế giới của tổ chức QS (một công ty giáo dục) được công bố lần đầu tiên vào năm 2004, dựa trên 6 tiêu chí thuộc 4 lĩnh vực: nghiên cứu, giảng dạy, khả năng sinh viên ra trường có làm việc và quốc tế hóa. Bảng xếp hạng năm 2015 - 2016 của QS thu hút sự bình chọn của gần 77.000 nhà học thuật trên toàn cầu. Hồi năm 2012, báo The Independent (Anh) mô tả bảng xếp hạng ĐH thế giới QS được tin tưởng nhiều nhất. Trong khi đó, Giáo sư Philip Altbach tại ĐH Boston (Mỹ) bình luận trên tạp chí Change hồi năm 2012 rằng bảng xếp hạng của QS “có vấn đề nhiều nhất”.
Bảng xếp hạng của THE
THE (do tạp chí Times Education thực hiện) công bố bảng xếp hạng ĐH thế giới lần đầu tiên vào năm 2010 dựa trên 13 tiêu chí hoạt động được chia thành 5 lĩnh vực: giảng dạy (chiếm 30% điểm), nghiên cứu (30%), số lần trích dẫn nghiên cứu (30%), yếu tố quốc tế (7,5%) và thu nhập từ nghiên cứu (2,5%). Giáo sư Steve Smith, khi còn là Chủ tịch Tổ chức các ĐH Anh hồi năm 2011, đánh giá cao phương pháp luận của THE vì nó “ít mang tính chủ quan về danh tiếng của các ĐH, viện mà thay vào đó sử dụng nhiều trích dẫn, làm tăng niềm tin trong biện pháp đánh giá”. Trong khi đó, nhiều chuyên gia khác đánh giá phương pháp luận của THE không phù hợp và toàn diện vì chủ yếu sử dụng những trích dẫn nghiên cứu bằng tiếng Anh, điều này gây bất lợi cho nhiều trường không dùng tiếng Anh làm ngôn ngữ giảng dạy chính.
Bảng xếp hạng của Trung Quốc
ĐH Giao thông Thượng Hải công bố bảng xếp hạng học thuật của ĐH thế giới (ARWU) lần đầu tiên vào năm 2003. ARWU dựa trên 6 tiêu chí để xếp hạng các ĐH, bao gồm số cựu sinh viên nhận giải Nobel và huy chương Fields (chiếm 10% điểm) và số giảng viên nhận giải Nobel và huy chương Fields (20%). Kể từ năm 2009, ARWU được công bố bởi Tổ chức Tư vấn xếp hạng Thượng Hải. Đây là tổ chức độc lập về thông tin giáo dục ĐH, không phụ thuộc bất kỳ ĐH hay cơ quan chính phủ nào ở Trung Quốc, theo website về ARWU. Hồi năm 2004, Hiệu trưởng ĐH Oxford khi đó là Chris Patten đánh giá phương pháp luận của ARWU “đáng tin cậy”, theo tờ The Guardian. Tuy nhiên, ARWU bị lên án dựa quá nhiều vào yếu tố nhận giải thưởng nên xem nhẹ tầm quan trọng của chất lượng giảng dạy và tính nhân văn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.