Cần cẩn trọng và thay đổi từ gốc rễ

08/09/2017 06:34 GMT+7

Nhiều ý kiến cho rằng bài học kinh nghiệm chương trình VNEN chưa 'ráo mực', thì nay Bộ GD-ĐT lại tiếp tục gây sốc bằng con đường nhập khẩu…

Khó thành công
Tôi lại nhớ câu cảnh báo của giáo sư dạy trong khóa học Phát triển chương trình mà tôi mới học hồi hè ở Scotland: Nhiều nơi copy chương trình giáo dục (GD) của Phần Lan nhưng không copy tiến trình (process) để xây dựng chương trình ấy. Và đó là lý do họ không thành công! Còn Raja Roy Singh, nhà cải cách GD Ấn Độ bảo rằng: “Không một hệ thống GD nào có thể vươn cao quá tầm những giáo viên làm việc cho nó”.
Áp dụng vào Phần Lan thấy đúng, nên lại thấy thêm một nguy cơ cho sự khó thành công của việc nhập khẩu!
Trong hội thảo đào tạo giáo viên ở Hà Lan năm ngoái, tôi gặp một chuyên gia GD đến từ Phần Lan, thầy từng được mời để thiết kế lại chương trình phổ thông cho Indonesia nhưng thầy nói thầy cũng không thành công. Lý do giáo viên ở đó không chịu thay đổi. Thầy đã từng thắc mắc với họ rằng: Các bạn muốn thay đổi, chúng tôi mang đến những thực nghiệm mà chúng ta đã làm thành công, nhưng các bạn lại không muốn thử nghiệm nó. Vậy đó! Cần lắm một sự cẩn trọng và thay đổi từ gốc rễ!

tin liên quan

Mang giáo dục nước ngoài vào Việt Nam chẳng dễ đâu!
Sau khi một số báo đưa thông tin về việc Việt Nam sẽ xem xét 'nhập khẩu' chương trình giáo dục của những nước tiên tiến, các chuyên gia giáo dục đã có những bình luận trên trang cá nhân của mình về vấn đề này.
Tôi có trong tay toàn bộ chương trình GD của Phần Lan, được tặng bộ sách (tạm gọi là) giáo khoa từ tiểu học tới trung học, đã thăm NXB phát hành 95% sách được dùng làm tài liệu chính trong trường học họ, nghe thuyết trình tỉ mỉ quy trình viết sách, quan hệ thân thiết với 2 tác giả viết sách GD tôn giáo, GD nghệ thuật cho chương trình phổ thông, trải nghiệm trong trường học nên càng thấy khó để áp dụng máy móc chương trình của họ.
Nói chung thì chuyện nhập khẩu mới là chủ trương thôi, không phải áp dụng đồng loạt. Tuy nhiên, chuẩn bị giáo viên là khâu cực kỳ quan trọng trước khi tiến hành bất cứ cải cách GD nào! Và chúng ta cũng hiểu rằng việc đào tạo hơn 39.000 giáo viên (thống kê năm 2013 của Phần Lan) với việc đào tạo 856.000 giáo viên (thống kê năm 2015 của Việt Nam) là rất rất khác nhau!
Để 856.000 giáo viên phổ thông có trình độ đồng đều thì khó hơn rất nhiều lần so với đào tạo 39.000. Khó lắm! Vì chúng ta thiếu những con người vận hành được chương trình đó! Thiếu một bối cảnh xã hội đủ đầy các giá trị để hiện thực hóa các chương trình đó.
Thạc sĩ giáo dục học Nguyễn Thị Thu Huyền (Giảng viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM)
Đầu vào cho ngành sư phạm rất khó
Thông tin nhập khẩu chương trình GD phổ thông Phần Lan nếu là đúng thì chứng tỏ đoàn Việt Nam chưa nghiên cứu trước sản phẩm mình muốn mua. Vì nước này không có một bộ sách giáo khoa chung và chuẩn cho các trường học trên cả nước như ở Việt Nam. Mỗi giáo viên hoàn toàn có thể chọn sách giáo khoa riêng để dạy cho lớp của mình, sách ở trường này có thể khác với sách ở trường kia…
Ngoài ra, sách giáo khoa được dạy ở các trường cũng không phải do Bộ GD-ĐT ban hành như ở nước ta, không thuộc Bộ GD-ĐT hay một cơ quan nào đó của chính phủ. Sách thuộc bản quyền của các nhà xuất bản, có thể của tư nhân. Vậy muốn mua thì phải ký hợp đồng với nhà xuất bản chứ sao lại nói chuyện với Bộ GD-ĐT Phần Lan?
Cũng phải nói thêm, Phần Lan họ tuyển lựa đầu vào cho ngành sư phạm rất khó, đôi lúc khó hơn cả ngành y. Sinh viên cạnh tranh rất cao, ngoài việc chỉ nhận top 10%, sinh viên muốn học ngành sư phạm còn phải qua phỏng vấn của trường ĐH và giáo viên đang dạy tại các trường phổ thông để đánh giá liệu ứng viên có tâm huyết và phù hợp với ngành sư phạm không. Để dạy tiểu học, các giáo viên ở đây đều có bằng thạc sĩ cùng với chất lượng của ứng viên đầu vào và đầu ra đều rất khắc khe, như thế chất lượng giáo viên ở Phần Lan cao.
Hoàng Thục Nhi (nghiên cứu sinh về giáo dục tại Phần Lan)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.