Cần đánh giá nghiêm túc về trường ĐH ngoài công lập

15/04/2017 09:08 GMT+7

Ngày 14.4, hội nghị các trường ĐH ngoài công lập đã diễn ra tại TP.HCM. Đa phần ý kiến của đại diện các trường đều đòi bình đẳng với trường công lập.

Không thể cạnh tranh được !
Ông Lê Hồng Minh, Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Trường ĐH Kinh tế kỹ thuật Bình Dương, cho rằng chính sách của nhà nước chưa có sự bình đẳng công - tư. Ông Minh cho biết trước khi tỉnh có trường công lập, hai trường ngoài công lập có trước đó làm nhiệm vụ đáp ứng nhân lực cho khu công nghiệp. Nhà nước không mất tiền cho sự đào tạo này. Tuy nhiên, khi trường công lập ra đời, tỉnh đầu tư “ào ào” vào trường này, sinh viên cũng theo đó vào học rất đông.
Dù cố gắng nhưng 2 trường ngoài công lập không cạnh tranh được. Trong đó, rõ nhất là chính sách tài chính nghiêng về trường công. “Cần phải có sự bình đẳng giữa trường công và trường tư, đừng bao cấp trường công nữa. Chúng tôi phải đóng thuế cho nhà nước, trong khi nhà nước lại lấy thuế này hỗ trợ lại các trường công. Đó là điều hết sức vô lý”, ông Minh nói.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Anh Đào, Chủ tịch HĐQT Trường ĐH Đông Á, cũng cho biết hiện nay sinh viên học ở các trường ĐH công lập khoảng 240.000 người. Trong đó, ngân sách nhà nước chi để hỗ trợ các sinh viên là 2.400 tỉ. Bà Đào cho rằng cần phải giảm gánh nặng ngân sách này. Sinh viên ra trường đóng góp cho sự phát triển của đất nước cũng không phân biệt công hay tư. Vì vậy, Chính phủ cần cân nhắc chiến lược tài chính trong việc đầu tư giáo dục. Không nên để các trường ngoài công lập tự “bơi” trong khi lại yêu cầu chất lượng đào tạo phải bằng các trường của các nước trong khu vực.
Sẽ kiến nghị lên Chính phủ chỉnh sửa về chính sách
Ông Trần Tú Khánh, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ GD-ĐT, cho biết Chính phủ đang giao Bộ GD-ĐT soạn thảo nghị định về tự chủ ĐH. Trong đó thể hiện sự bình đẳng về công - tư rất rõ, đặc biệt là chuyện ngân sách, các trường công và tư sẽ bình đẳng về nguồn thu.
Phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết việc đặt vấn đề bình đẳng giữa ĐH công lập và ngoài công lập cần phải được xem xét rõ ràng, cụ thể. Nhưng Bộ đồng ý cách đặt vấn đề cần sự bình đẳng này. Trách nhiệm trước hết của Bộ là hành lang pháp lý chưa đầy đủ, chưa tạo điều kiện nhiều cho nhà đầu tư tâm huyết. Bộ sẽ kiến nghị lên Chính phủ để có chỉnh sửa về chính sách. Đó là những biện pháp như bù giá, chuyển sang cấp ngân sách theo đầu sinh viên chứ không tính theo trường... Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết ý tưởng dùng thuế của các trường nộp cho nhà nước để tái đầu tư trường cũng như đề nghị tiếp cận vốn ban đầu được ưu đãi là điều có thể thực hiện được.
Bà Đào đề xuất số tiền các trường ngoài công lập đóng cho ngân sách hãy để các trường được đầu tư trở lại. Lãi suất hiện nay các trường đang chịu, Chính phủ cần giảm bằng 0 vì dù giảm như vậy vẫn còn nhiều hơn ngân sách chi cho các trường công. Ở TP.HCM đã cho các trường vay tiền với lãi suất bằng 0 nhưng các tỉnh khác chưa có.
GS-TS Nguyễn Đằng Bình, Hiệu trưởng Trường ĐH Việt Bắc, cho rằng các trường ngoài công lập không được biết thông tin đề tài đấu thầu nghiên cứu khoa học. Các trường cũng cần được hỗ trợ về đất đai. “Để xây dựng trường, chúng tôi phải trả giá bằng cả nước mắt và tài sản của mình. Góp vốn 30 tỉ, đi vay 70 tỉ, giờ đã giải tỏa và đền bù xây dựng được 300 tỉ. Chúng tôi phải đi cầm cố tài sản ngân hàng để xây dựng trường. Nhưng khi đã đền bù được 40 ha đất, sau đó tỉnh lại muốn giao cho trường 5 - 10 ha thôi. Vậy làm sao mà phát triển?”, ông Bình đặt vấn đề.
Chưa thực hiện đúng cam kết nhưng đòi công bằng
Trước hội nghị này, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đã chỉ đạo thành lập một nhóm chuyên gia nghiên cứu tình hình của 60 trường ngoài công lập. Báo cáo kết quả nghiên cứu tại hội nghị được khá nhiều trường đồng tình. Bà Phạm Thị Huyền, đại diện nhóm chuyên gia, cho biết phân tích số liệu thống kê, khảo sát cho thấy, bên cạnh những điểm sáng còn một số trường ĐH ngoài công lập tụt hậu so với mặt bằng chung của các trường.
Theo đó, còn 5/60 trường đã thành lập trên 20 năm vẫn chưa có đất để tiến hành xây dựng trường, đất chủ yếu vẫn thuê mướn, hệ thống thư viện ở phần lớn các cơ sở còn nghèo nàn, hệ thống tài liệu học tập thiếu thốn... Nhiều trường vẫn chưa có ký túc xá và khu sinh hoạt giáo dục thể chất quốc phòng. Học phí là nguồn thu chủ yếu của các trường, chiếm trên 61,17% tổng thu. Chi chủ yếu cho các hoạt động thường xuyên của nhà trường như trả lương cho cán bộ nhân viên, chi phí điện nước, duy trì bảo dưỡng cơ sở vật chất đã chiếm tới hơn 59%. Điều này cũng phản ánh một thực tế là hoạt động của các trường ngoài công lập chủ yếu dựa vào đào tạo, hàm chứa rủi ro về tài chính trong bối cảnh việc tuyển sinh gặp nhiều khó khăn.
Tỷ lệ lớn giảng viên các trường ĐH ngoài công lập chỉ có trình độ cử nhân. Công tác tuyển sinh của các trường gặp khó khăn ở tất cả các hệ đào tạo một phần do cơ chế, chính sách tuyển sinh, một phần do địa điểm xây dựng trường ở một số địa phương và một phần do uy tín và các điều kiện học tập của trường chưa đủ hấp dẫn để thu hút người học, dẫn đến việc không tuyển đủ sinh viên về số lượng và chất lượng làm ảnh hưởng đến tình hình tài chính, đào tạo và nghiên cứu khoa học.
Ông Phạm Hùng Anh, Cục trưởng Cục Cơ sở vật chất và thiết bị trường học, đồ chơi trẻ em Bộ GD-ĐT, cho rằng các trường đề nghị có sự công bằng nhưng các trường đang thực hiện cam kết khi thành lập trường ra sao? Ông Anh cho biết khi đoàn kiểm tra làm việc lúc thành lập trường, các trường cam kết rất mạnh mẽ về việc xây dựng cơ sở nhưng đến nay, nhiều trường còn chưa thực hiện. Theo báo cáo, nhiều trường chưa có đất, chưa có điểm trường chính.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng nhìn nhận cần đánh giá nghiêm túc hơn về trường ngoài công lập. Quy mô các trường nhìn chung còn rất nhỏ, điều kiện đảm bảo chất lượng còn thiếu, có trường chưa thực hiện cam kết khi thành lập. “Nếu không thực hiện, sắp tới Bộ sẽ thanh tra, không để kéo dài gây khó khăn, ảnh hưởng xã hội”, ông Nhạ cảnh báo.
Giật mình với những số liệu
Kết quả khảo sát các trường ĐH ngoài công lập có những số liệu đáng chú ý sau:
- 54,5% trường hoạt động trên diện tích đất sở hữu, 27,3% trường đi thuê cơ sở đào tạo, đây đều là những trường đã thành lập trên 20 năm. Trong số 24 trường sở hữu toàn bộ đất đai thì 16 trường mới được thành lập trong khoảng 10 năm trở lại đây.
- Trường có diện tích đất sở hữu lớn nhất là Trường ĐH Quang Trung. Trường có diện tích thuê lớn nhất là Phan Châu Trinh.
- Có 2/3 trong số các trường ĐH ngoài công lập hiện tại là các trường được thành lập mới, còn lại được nâng cấp lên từ trường CĐ.
- Theo số liệu kê khai năm 2016, tổng số giảng viên của các trường là trên 20.500 người, trong đó 71% là cơ hữu.
-  Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM có nhiều phòng học nhất với 519 phòng, trường có ít phòng học nhất là Trường ĐH Mỹ thuật công nghiệp Á Châu với 6 phòng.
- Thư viện của các trường ĐH như: Tân Tạo, Kinh Bắc, Mỹ thuật công nghiệp Á Châu, Phan Thiết và ĐH Công nghiệp Vinh chỉ có dưới
10 máy tính.
- Học phí là nguồn thu chủ yếu các trường, chiếm trên 61,17% tổng thu. Chi chủ yếu cho các hoạt động thường xuyên của nhà trường như trả lương cho cán bộ công nhân viên, chi phí điện nước, duy trì bảo dưỡng cơ sở vật chất là 59,79%.
- Trường có ít sinh viên nhất là Trường ĐH Hùng Vương TP.HCM, không sinh viên nào. Trường ĐH Hà Hoa Tiên còn rất ít sinh viên đang theo học do đã bị dừng tuyển sinh. Trường có nhiều sinh viên nhất là ĐH Công nghệ TP.HCM với 24.932 người.
- Trường có nhiều cổ đông nhất là các ĐH: Công nghệ TP.HCM (439 người), Hoa Sen (88 người) và Công nghệ Sài Gòn (79 người). Trường chỉ có một cổ đông là ĐH: Bà Rịa-Vũng Tàu, FPT, Kinh Bắc và Quốc tế Hồng Bàng.
- Trường có tổng thu lớn nhất lần lượt là Trường ĐH FPT, Công nghệ TP.HCM và Nguyễn Tất Thành.
- Trong năm 2016, có 77% trường hoạt động có thu vượt chi. Nhưng có 13 trường thu không đủ bù chi, gồm: Dân lập Phú Xuân, Mỹ thuật Công nghiệp Á Châu, Quốc tế Bắc Hà, Yersin Đà Lạt, Trưng Vương, Phan Thiết, Việt Bắc, Dân lập Hải Phòng, Hòa Bình, Công nghiệp Vinh, Tư thục Quốc tế Sài Gòn, Thái Bình Dương và Công nghệ Đông Á.
- Theo số liệu thống kê của 55 trường đã báo cáo thông tin về số cơ sở đào tạo trong đó trường có nhiều cơ sở nhất là FPT (21 cơ sở). Trường ĐH FPT cũng là trường có mạng lưới cơ sở rộng khắp tại 5 tỉnh/thành từ bắc vào nam (Hà Nội, Đà Nẵng, Đắk Lắk, TP.HCM và Cần Thơ).
- 51 trường cho biết, họ chưa từng được thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học nào ở cấp nhà nước; 2 trường đã từng có đề tài Nghị định thư là ĐH Duy Tân (2 đề tài) và ĐH Nguyễn Tất Thành.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.