Cần một tư duy giáo dục dài hạn

09/11/2017 16:16 GMT+7

Ông Khalid Muhmood, đồng sáng lập Tập đoàn giáo dục Dragonfly (Singapore), Chủ tịch Hội đồng quản trị Apolo Việt Nam, điều phối viên tại Hội nghị thượng đỉnh kinh doanh APEC 2017 đã có những chia sẻ với Thanh Niên .

Ông Khalid Muhmood là nhân vật quen thuộc trên sóng truyền hình Việt Nam nhiều năm qua. Ông thường đồng hành với các chương trình như Đường lên đỉnh Olympia hay Rung Chuông vàng. Trong phiên họp với chủ đề Y tế, Giáo dục tại Hội nghị thượng đỉnh kinh doanh 2017, sự kiện nằm trong khuôn khổ tuần lễ cấp cao APEC, ông Khalid đảm nhận vai trò điều phối viên.
Phiên họp có các phần tham luận của Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc, Chủ tịch khu vực châu Á – Thái Bình Dương, tập đoàn Pfizer Essential Health (PEH) Pierre Guadreault và Giáo sư tiến sĩ Nguyễn Duy Luận, Phó Tổng giám đốc Ngoại vụ, Đại học Mỹ tại Việt Nam.
Là người có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực đầu tư giáo dục tại châu Á, ông Khalid đã có những chia sẻ với Thanh Niên.
Ông đánh giá thế nào về tình tình giáo dục và y tế hiện nay tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương nói chung và tại Việt Nam nói riêng?
Thật khó trả lời thấu đáo câu hỏi lớn này. Y tế và giáo dục đều là những vấn đề thiết yếu để phát triển đối với mọi xã hội. Theo tôi, thách thức lớn nhất đối với mọi chính phủ trên thế giới là làm cách nào đảm bảo cho người dân, dù giàu hay nghèo, đều có thể tiếp cận với y tế và giáo dục chất lượng.
Có thể nhiều người Việt sẽ ngạc nhiên khi biết rằng ngành giáo dục của các bạn được quốc tế nhìn nhận là đã nỗ lực đạt được nhiều so với nguồn lực hiện có. Giáo dục Việt Nam ghi điểm rất cao trong các bảng đánh giá giáo dục toàn cầu (ví dụ như PISA). Thách thức và cũng là cơ hội trước mắt cho Việt Nam là đảm bảo giáo dục trở thành một động lực lèo lái tăng trưởng kinh tế và đồng thời là công cụ để thu hẹp khoảng cách giàu nghèo.
Đối với vấn đề y tế, thách thức lớn nhất có vẻ là cơ sở hạ tầng. Nhưng cũng cần nhắc lại rằng, ẩn chứa trong thử thách là cơ hội. Chi phí để tích hợp công nghệ vào lĩnh vực y tế đang giảm mạnh và tôi hy vọng viễn cảnh để tác động tích cực đối với lĩnh vực y tế chỉ còn là vấn đề thời gian. Chẳng hạn, thông thường khi đến bệnh viện, bạn sẽ phải chờ một lúc để y tá đo nhiệt độ, mạch và các chỉ số khác. Bằng cách áp dụng công nghệ, hoạt động này sẽ được thực hiện nhanh hơn và chi phí thấp hơn.
Chất lượng giáo dục và y tế trong cộng đồng APEC không phải là điều khiến tôi lo lắng nhất, vì tôi chắc rằng các tiêu chuẩn này sẽ tiếp tục được nâng cao. Mối quan tâm của tôi là cách xã hội đảm bảo tất cả mọi người đều được hưởng lợi ích của y tế và giáo dục.
Ông Khalid cho biết sẽ tiếp tục đầu tư giáo dục tại Việt Nam (ảnh C.T.V)

Theo ông, các thành viên APEC sẽ thúc đẩy y tế và giáo dục như thế nào trong hội nghị cấp cao lần này tại Việt Nam?

Tôi cho rằng hội nghị cấp cao tại Đà Nẵng là cơ hội lớn để chia sẻ các sáng kiến và mô hình thực tiễn tốt nhất. Phát triển y tế và giáo dục khu vực sẽ mang lại lợi ích cho tất cả thành viên APEC. Vì vậy bằng cách chia sẻ những mô hình tốt nhất và kinh nghiệm cấp cao, mỗi quốc gia đều chắc chắn sẽ được hưởng lợi.
Sau khoảng 20 năm làm việc tại Việt Nam, ông đánh giá như thế nào về môi trường giáo dục cơ hội đầu tư của nước ngoài tại đây?
Các nhà đầu tư nước ngoài đã quan tâm nhiều vào lĩnh vực giáo dục ở Việt Nam. Số lượng cơ sở giáo dục tư nhân của Việt Nam cũng đã tăng trong những năm qua.  Điều lớn nhất mà tôi học được là cần có một tư duy dài hạn. Đã có rất nhiều trường hợp các nhà đầu tư nước ngoài và cả nhà đầu tư Việt Nam cố đổ vốn vào hệ thống giáo dục với tầm nhìn ngắn hạn. Điều này không phù hợp với các lĩnh vực như giáo dục và y tế. Chúng tôi đã đầu tư vào lĩnh vực giáo dục tại Việt Nam trong suốt 22 năm và sẽ tiếp tục duy trì trong nhiều năm nữa.
Xin cảm ơn ông!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.