Cần xóa bỏ rào cản quyền tự chủ ĐH

19/04/2011 23:09 GMT+7

Cần xóa bỏ 3 “rào cản” quyền tự chủ của các trường ĐH, cụ thể là: bỏ cách thi ĐH, bỏ chỉ tiêu tuyển sinh và bỏ quy định xin mở mã ngành đào tạo.

Đó là ý kiến tại hội nghị góp ý cho dự thảo Luật Giáo dục đại học (GDĐH) do Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội tổ chức sáng qua.

Xóa bỏ tuyển sinh và điểm sàn

Một vấn đề được rất nhiều đại biểu quan tâm đó là quyền tự chủ của các trường đại học (ĐH). Nguyên Phó thủ tướng Nguyễn Công Tạn - Chủ tịch HĐQT trường ĐH Thành Tây, cho rằng cần xóa bỏ ngay 3 “rào cản” quyền tự chủ của các trường ĐH nói trên.


Nhiều ý kiến cho rằng không cần thiết duy trì kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ - Ảnh: Đ.N.T

Ông Tạn nói: “Trên thế giới, rất nhiều nước không tổ chức thi ĐH nhưng vẫn đảm bảo chất lượng, còn ở nước ta hàng chục năm nay vẫn áp dụng cơ chế thi tuyển rất nặng nề nhưng chất lượng GDĐH vẫn yếu kém. Trong thực tế, hằng năm có hàng vạn sinh viên (SV) của nước ta không qua thi tuyển nhưng vẫn vào ĐH nước ngoài và phần lớn đều học tốt. Vậy thì lấy cớ gì để duy trì cơ chế thi như hiện nay?”. Ông Tạn cũng đánh giá: “Việc cho phép về mở mã ngành, chuyên ngành hiện nay là cơ chế xin - cho tạo điều kiện cho tiêu cực phát sinh”. Theo ông Tạn, chỉ cần bỏ được 3 rào cản trên thì thể chế tự chủ trong giáo dục ĐH sẽ có bước phát triển nhảy vọt.

Việc cho phép về mở mã ngành, chuyên ngành hiện nay là cơ chế xin - cho tạo điều kiện cho tiêu cực phát sinh
Nguyên Phó thủ tướng Nguyễn Công Tạn - Chủ tịch HĐQT trường ĐH Thành Tây

Đồng quan điểm với ông Nguyễn Công Tạn, GS Trần Phương - nguyên Phó thủ tướng Chính phủ, Hiệu trưởng trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, thẳng thắn: “Bộ nên bãi bỏ việc tổ chức thi tuyển sinh và bỏ điểm sàn vì đó là việc của các trường. Đồng thời phải chấp nhận phân tầng trong GDĐH, đó là chấp nhận có những trường ở tốp cao, nhưng cũng có những trường chẳng vào tốp nào. Nhưng mỗi SV được đào tạo ở một trình độ họ sẽ tìm được việc làm phù hợp". GS Trần Phương cũng nhấn mạnh việc quản lý của Bộ được trình bày trong dự thảo vẫn bị chi phối kiểu “quản cho chặt” mà không có sự “bung ra” để GDĐH phát triển.

PGS Vũ Minh Giang - Phó giám đốc ĐHQG Hà Nội, cũng đồng tình: “Quản chưa phải là đầy đủ. Luật còn phải là công cụ điều tiết các hoạt động GDĐH. Đây là luật chuyên ngành nên không thể chung chung mà cần phải cụ thể. Nguyên tắc là phải giải quyết các bức xúc đang cần sự trợ giúp của pháp lý như vấn đề tự chủ. Nên có một điều nói về quyền tự chủ của các trường. Ví dụ tuyển sinh như thế nào? Cách thức tuyển sinh hiện nay là chưa tiên tiến vì chỉ kiểm tra kiến thức của người học chứ không phải đánh giá năng lực người học. Tiến tới không nên thi cử nặng nề nữa”.

Xóa bỏ bất bình đẳng giữa trường công và tư

Tại hội nghị, nhiều ý kiến tỏ ra băn khoăn với những quy định bất bình đẳng giữa trường công với trường tư. GS Trần Hữu Nghị - Hiệu trưởng trường ĐHDL Hải Phòng, nhấn mạnh: “Cùng được đào tạo để phục vụ đất nước nhưng SV công lập đang được hưởng nhiều ưu đãi hơn SV ngoài công lập. Ví dụ, SV công lập được ưu đãi học phí, ký túc xá..., nhưng SV ngoài công lập không được như thế. Đây chính là vấn đề tạo nên sự thiếu bình đẳng trong hoạt động của loại hình này”.

GS-TSKH Lê Du Phong - nguyên Phó hiệu trưởng trường ĐH Kinh tế quốc dân, bày tỏ: “GDĐH có hai loại hình công lập và tư thục. Hai loại hình này điểm khác nhau căn bản là chủ sở hữu vì thế nó khác nhau nhất là về nguồn lực tài chính, cách thức huy động sử dụng nguồn lực tài chính, công tác tổ chức, cán bộ trong nhà trường. Do đó luật không thể quy định chung mọi thứ cho hai loại hình trường này mà cần quy định riêng cho từng loại trường cụ thể.”

Cũng nêu lên thực trạng bất bình đẳng giữa trường công và tư, GS Hoàng Xuân Sính - Chủ tịch Hội đồng Quản trị trường ĐH Thăng Long kiến nghị: “Trường ngoài công lập đã phải chịu nhiều quy chế, nhiều nghị định ràng buộc và không bình đẳng với trường công. Hệ thống ĐH ngoài công lập đòi hỏi được bình đẳng trước luật để có thể phát triển tốt. Có lẽ để bảo vệ sự bình đẳng cần thiết này, luật nên nhấn mạnh sự bình đẳng về mọi mặt giữa các mô hình giáo dục”.

PGS-TS Trần Thị Tâm Đan - nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội cho rằng: “Luật phải có những chế tài cụ thể tạo cơ sở pháp lý cho việc khắc phục những tồn tại lâu nay như công tác tuyển sinh, chất lượng thấp của giáo dục thường xuyên, những hiện tượng học vì bằng cấp mà không tích lũy kiến thức đang là những bức xúc của xã hội mà nhiều năm qua chưa tạo được sự chuyển biến cơ bản”.

Vũ Thơ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.