Chấp nhận sự khó hiểu như là một phần của việc học

05/12/2012 09:41 GMT+7

Đại học có thể là một nơi đáng sợ. Bạn sẽ thường xuyên phải đối mặt với các hạn chót nộp bài và hiếm khi có thời gian nghỉ ngơi và ứng dụng những điều vừa học. Mỗi giờ lên lớp, bạn đọc tài liệu mới, làm bài tập mới và tiếp cận những lĩnh vực, kiến thức mới.

Đại học có thể là một nơi đáng sợ.

Bạn sẽ thường xuyên phải đối mặt với các hạn chót nộp bài và hiếm khi có thời gian nghỉ ngơi và ứng dụng những điều vừa học. Mỗi giờ lên lớp, bạn đọc tài liệu mới, làm bài tập mới và tiếp cận những lĩnh vực, kiến thức mới.

Những ý tưởng mới thường gây bối rối. Sự bối rối này đôi khi khiến ta hoảng loạn, căng thẳng và mất tinh thần. Phần lớn sinh viên cảm thấy đây là dấu hiệu của việc học kém đi và phần lớn giáo viên cố giảm bớt sự bối rối này.

Tuy nhiên, bối rối không chỉ là điều bình thường mà ai cũng gặp phải trong khi học, nó còn rất ích lợi. Nó nên được coi là một phần của quá trình học hỏi và là dấu hiệu cho thấy việc học ít nhất đang đi theo chiều hướng đúng.

Một nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng làm tăng độ khó của các tài liệu khiến cho sinh viên dễ nhớ hơn và đạt điểm cao hơn. Trong sáu lớp cấp ba, người ta đưa cho học sinh những slides Powerpoint và bài tập được trình bày bởi cả những phông chữ thông thường, dễ đọc và khó đọc như Haettenscheweiler, Monotype Corsiva hoặc Comic Sans Italicized.

Nhóm nhận được những tài liệu khó đọc hơn đã ghi nhớ và đạt được kết quả tốt hơn nhóm nhận được tài liệu với phông chữ dễ đọc. Các nhà nghiên cứu đã kết luận rằng khi gặp phải tài liệu khó đọc, học sinh phải tập trung hơn và vì thế học hiệu quả hơn.

Một nghiên cứu khác chỉ ra rằng con người có khả năng ghi nhớ và phân tích thông tin tốt hơn khi tài liệu được trình bày khó hiểu.

Hai nhóm trong nghiên cứu này được cho xem hai video giống nhau mô tả hai người đang thực hiện một thí nghiệm khoa học chưa hoàn chỉnh. Trong một video, hai người này giải thích giống nhau và thống nhất. Trong video của nhóm kia, hai người mô tả thí nghiệm theo các cách khác nhau nhằm làm cho người xem bối rối. Sau đó, mỗi nhóm được yêu cầu phân tích những thiếu sót trong thí nghiệm. Nhóm ‘bối rối’ đã làm tốt hơn.

Sự rắc rối và khó hiểu làm cho đối tượng nghiên cứu lắng nghe kĩ hơn và cố gắng nhiều hơn để tìm ra điều gì xảy ra trong thí nghiệm. Điều này có nghĩa là họ có thể phân tích thông tin tốt hơn. Do đó họ đã học được nhiều hơn.

Trong cả hai trường hợp, học sinh học được nhiều hơn nhờ sự rắc rối khiến các em phải suy nghĩ nhiều hơn.

Nếu học một điều gì dễ dàng, kể cả điều mới mẻ, chúng ta thường tạo ra ‘con đường tắt’ trong trí óc và học không sâu. Chúng ta đồng thời cố nhớ nhiều hơn khi học những điều dễ. Tuy nhiên, chúng ta thường không đánh giá đúng xem chúng ta hiểu vấn đề đến đâu. Nếu việc học trở nên dễ dàng, nó thường dẫn đến việc chúng ta bỏ ra ít nỗ lực hơn, ôn tập ít hơn và do đó, học được ít hơn.

 

Xây dựng phương pháp học cùng RMIT

Learning Masters là chuyên mục xuất hiện trên Vietweek, tuần báo tiếng Anh của Thanh Niên, vào đầu tháng. Chuyên mục này mang đến những kiến thức hữu ích về phương pháp học tập.

Chuyên mục này do các chuyên gia thuộc phòng Kỹ năng Học Thuật, Trường Đại học Quốc tế RMIT Việt Nam, phụ trách

Độc giả có thể đặt câu hỏi và đóng góp ý kiến theo địa chỉ email: learningmatters@thanhniennews.com

Bài học gì ta rút ra từ đây?

Điều quan trọng nhất là phải chấp nhận những điều khó hiểu và khúc mắc gặp phải trong quá trình học. Điều đó không có nghĩa là ta ngốc nghếch. Đó chỉ là chuyện hết sức bình thường nếu ta không hiểu được tất cả mọi thứ. Thậm chí, nó còn có thể giúp chúng ta hiểu vấn đề sâu hơn về sau này.

Hai năm sau khi tốt nghiệp, tôi hẹn ăn trưa với gia sư cũ. Tôi nói với anh ấy rằng tôi ước mình có thể học lại đại học một lần nữa bởi vì ở lần đầu tiên, tôi mới chỉ dừng lại ở mức hiểu các tài liệu. Tôi cảm thấy các môn học vẫn còn mơ hồ và chỉ hiểu đủ để lắp ghép các mảng kiến thức vào với nhau.

Anh cười tôi. Anh nói: “Có vẻ như khóa học này đã làm đúng nhiệm vụ của nó với cậu. Nếu mọi thứ quá dễ dàng ngay từ lần đầu tiên thì cậu chắc đã chẳng học được gì hết!”

Khi đã chấp nhận sự bối rối và khó hiểu như điều tự nhiên của việc học, bạn cần phải gắng sức tìm hiểu để giải tỏa những thắc mắc đó. Xác định chính xác điều gì khiến bạn không hiểu, rồi suy nghĩ về nó, xem lại, đọc lại và thảo luận với người khác cho tới khi hiểu mới thôi.

Đôi khi cũng cần để lại các ý tưởng. Đến một lúc chúng ta đột nhiên hiểu ra được một điều gì đó, sau khi đã để nó trong đầu một thời gian dài và ngừng suy nghĩ về nó.

Bạn cần cho mình thời gian để suy nghĩ về những điều mà bạn thắc mắc. Đừng để đến phút cuối nếu không bạn sẽ không học được gì từ những thắc mắc của mình. Đôi khi những thắc mắc này sẽ được giải quyết khi bạn học đến những chương sau của môn học. Khi bạn có nhiều kiến thức hơn trong môn học, những thắc mắc tự chúng sẽ giải quyết lấy.

Điều này có ý nghĩa gì với các nhà giáo?

Đó sẽ là một trò chơi nguy hiểm nếu ta chủ đích đưa vào môn học những điều khó hiểu. Nó sẽ gây hoang mang cho học sinh học kém hoặc là giảm hứng thú học tập nếu có quá nhiều sự khó hiểu trong bài học. Việc đưa thêm những bài khó và gây thắc mắc vào môn học có những tác dụng nhất định trên thực tế.

Đầu tiên chúng ta cần làm cho học sinh suy nghĩ về các ý tưởng. Việc này hiệu quả hơn là cố gắng diễn giải chúng theo cách đơn giản và dễ hiểu nhất đối với học sinh.

Các giáo viên cũng cần hiểu được sự khác nhau giữa thắc mắc có lợi cho việc học mà học sinh có thể tự giải quyết được và những bối rối do lo lắng gây ra và không mang lại kết quả nào.

Tất cả chúng ta cần chấp nhận rằng học là một quá trình khó khăn, gian khổ. Chúng ta cần phải có cái nhìn cởi mở hơn với những bối rối gặp phải trong quá trình học và kiên nhẫn tìm cách giải quyết.

Như một nhà phê bình giáo dục đã nói, những thắc mắc sẽ đánh tan sự ngu dốt.

Sam Gtraham
(Phòng Kỹ năng Học thuật, Trường ĐH Quốc tế RMIT Việt Nam)

>> Xem phiên bản tiếng Anh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.