Dạy gì cho học sinh ứng phó với thảm họa, thiên tai?

27/10/2020 08:41 GMT+7

Trẻ em Nhật Bản từ độ tuổi mầm non đã được dạy về các kỹ năng xử lý, thoát hiểm ngay khi động đất xảy ra. Tại Việt Nam, đất nước có không ít thiên tai, trường học đã dạy cho trẻ em ứng phó thế nào?

 

Dạy về những cơn bão từ bài thơ mẹ vắng nhà ngày bão

Cô Nguyễn Thị Minh Phương, Phó hiệu trưởng Trường tiểu học Bông Sao, P.5, Q.8, TP.HCM, cho biết việc giảng dạy cho học sinh (HS) những kỹ năng phòng cháy chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ là vô cùng cần thiết và nên được giảng dạy càng sớm càng tốt. Tại Trường tiểu học Bông Sao, trẻ em có các tiết kỹ năng sống (1 tiết/tuần), tại tiết học này các kiến thức, kỹ năng trong những tình huống nguy hiểm như cháy nổ, đi lạc, tai nạn thương tích… đều được giảng dạy.
Ngoài ra, giáo dục cho trẻ em ứng phó với thiên tai cũng được thực hiện theo tiêu chí lồng ghép kiến thức các môn học. Các giờ học địa lý, lịch sử, thậm chí toán... đều có thể lồng ghép các bài học về các cơn bão, nguyên nhân gây mưa lũ, sạt lở và cách phòng chống, thoát hiểm... “Trẻ em đặc biệt yêu thích những tiết học thực tế như vậy. Đơn giản, từ bài thơ Mẹ vắng nhà ngày bão của tác giả Đặng Hiển, các cô giáo tiếng Việt của nhà trường dạy cho trẻ nhỏ về những cơn bão, thiệt hại của nó gây ra và các em nên làm gì ngày mưa bão”, cô Phương nói.
Theo cô Phương, TP.HCM có đặc thù 2 mùa nắng, mưa, khi triều cường dâng cao kết hợp mưa lớn có thể gây ngập ở nhiều tuyến đường. Giáo dục cho trẻ em cách đảm bảo an toàn khi di chuyển qua những khu vực/tuyến đường ngập nước, hoặc đi lại khi mưa lớn... cũng là điều rất cần thiết.

Cuồng phong bão số 9 di chuyển rất nhanh, miền Trung sẽ có gió mưa cực lớn

Lồng ghép bài giảng về thiên tai từ công thức hóa học

Tại những địa phương vùng núi phía bắc đối mặt với các vấn đề thiên tai như mưa lớn, sạt lở đất, lũ quét..., các giáo viên cho biết cũng đang dạy theo cách lồng ghép chương trình ứng phó vào những giờ học các môn.
Một giáo viên THPT tại tỉnh Quảng Ninh cho biết ngoài phần lồng ghép kiến thức, trường tổ chức các buổi ngoại khóa cung cấp kiến thức cho HS về phòng chống cháy nổ, phòng chống đuối nước.
Thầy Phạm Lê Thanh, giáo viên hóa học Trường THPT Tân Phú, TP.HCM cho biết giáo viên hóa học có thể có nhiều phương án lồng ghép kiến thức về phòng chống thiên tai, thảm họa và cháy nổ khiến các HS rất thích thú. Ví dụ, ở chương Cacbon - Silic lớp 11, thầy Thanh tích hợp biện pháp phòng cháy chữa cháy từ hợp chất khí CO2, thiết kế hoạt động cho HS thiết kế bình chữa cháy, bình cứu mini từ phản ứng của baking soda (NaHCO3) và giấm ăn (CH3COOH) để HS hiểu cơ chế dập tắt các đám cháy nhỏ. Trong mùa mưa bão, thầy Thanh cũng hướng dẫn HS kỹ năng cập nhật kênh thông tin truyền thông để nắm bắt thời tiết, mưa bão...

Xót xa Lệ Thủy đổ nát, tan hoang sau lũ lụt lịch sử trăm năm có một

Hoạt động ngoài giờ, chuyên đề, tích hợp

Gần 15 năm nay, cứ vào đầu năm học, Trường tiểu học Lương Định Của (Q.3) tổ chức hoạt động phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn với sự tham gia của toàn bộ giáo viên công nhân viên, HS, phối hợp với phụ huynh, lực lượng dân phòng tại chỗ dưới sự hướng dẫn chuyên môn của công an phòng cháy chữa cháy.
Ông Từ Quốc Tuấn, Hiệu trưởng, cho hay hoạt động này gồm 2 nội dung: Cho HS tiếp cận và thảo luận các kiến thức kỹ năng trong các tiết sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt lớp; Hướng dẫn HS di chuyển theo tình huống và tổ chức buổi diễn tập tại chỗ.
Ông Phạm Phương Bình, Hiệu phó Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (Q.Thủ Đức, TP.HCM), nói rằng mỗi năm một lần, nhà trường phối hợp với công an phòng cháy chữa cháy tổ chức tình huống giả định để giúp HS hình thành kỹ năng, phản xạ ứng phó trước các tình huống nguy hiểm khẩn cấp. HS được tập huấn lý thuyết về kỹ năng thoát hiểm, cứu nạn, cứu hộ khi gặp hỏa hoạn và kỹ năng sơ cấp cứu.
Còn ông Nguyễn Duy Tâm, Hiệu phó Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1, TP.HCM), cho hay nhà trường xây dựng và tổ chức chuyên đề thực hành xã hội cho HS. Theo đó, HS được trang bị kiến thức và thực hành kỹ năng phòng chống tai nạn thương tích, di chuyển an toàn trong thang máy…“Việc lồng ghép kiến thức phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn trong các tiết dạy hóa học cũng là phù hợp. Bởi trong điều kiện thực hành phòng thí nghiệm cũng có thể xảy ra các tình huống cháy nổ nguy hiểm bởi các phản ứng hóa học”, ông Tâm nói.

Mùa mưa lũ dị thường ở miền Trung: Nỗi thống khổ chưa hồi kết

Cô Huỳnh Thị Thu Nguyệt, Hiệu trưởng Trường tiểu học Núi Thành, Đà Nẵng, cho biết cách đây 6 năm, cô là một trong những giáo viên được cử đi học chương trình tập huấn cách giảng dạy phòng chống lũ lụt thiên tai cho HS trong nhà trường. Sau đó, chỉ một số trường ven biển tại Đà Nẵng có áp dụng.
Hiện tại, cô Nguyệt cho biết HS của trường được học các kiến thức ứng phó với thiên tai như bão, lũ lụt... bằng cách tích hợp trong các môn học như khoa học, tự nhiên xã hội, đạo đức, tiếng Việt...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.