Để trẻ học giỏi tiếng Anh

11/12/2008 22:24 GMT+7

Bộ GD-ĐT đã có chủ trương bắt buộc học tiếng Anh từ năm lớp 3. Nhiều phụ huynh không khỏi băn khoăn và lo âu trước chất lượng đào tạo tiếng Anh hiện nay, khi mà đâu đâu cũng đầy rẫy những quảng cáo "chất lượng quốc tế, tiêu chuẩn quốc tế".

Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Khalid Muhmood - Chủ tịch Tổ chức GD-ĐT Apollo Việt Nam xung quanh việc phát triển và mở rộng đào tạo tiếng Anh theo tiêu chuẩn quốc tế tại Việt Nam.

* Hiện nay, hầu hết các trung tâm tiếng Anh đều khẳng định chất lượng giảng dạy theo tiêu chuẩn quốc tế. Từ góc nhìn của một người làm giáo dục lâu năm, theo ông chúng ta nên hiểu như thế nào về tiêu chuẩn quốc tế trong giảng dạy tiếng Anh?

- Có rất nhiều yếu tố để tạo nên một tiêu chuẩn quốc tế thực sự. Tôi muốn đề cập đến 3 yếu tố quan trọng khi đánh giá tiêu chuẩn quốc tế trong giảng dạy tiếng Anh.

 

Ông Khalid Muhmood

Thứ nhất là chương trình học được xây dựng cho tất cả các cấp lớp từ trẻ em, thiếu nhi, đến thiếu niên và người lớn phải thực sự theo một tiêu chuẩn của một hiệp hội giáo dục quốc tế có uy tín.

Thứ hai, tôi muốn nói đến các giáo viên bản ngữ. Tiếng Anh tại Việt Nam được giảng dạy như một ngôn ngữ thứ hai ngoài tiếng Việt, cho nên việc giáo viên nước ngoài giảng dạy để rèn luyện cho học viên kỹ năng nghe nói, phát âm chuẩn ngay từ đầu là tối quan trọng.

Thứ ba, môi trường học tập phải chuẩn: mô hình lớp học sĩ số từ 12 - 16 em, bàn học bố trí khác hoàn toàn với kiểu lớp học cổ điển, phù hợp cho việc trao đổi, thực hành tất cả các kỹ năng tiếng Anh theo từng nhóm nhỏ, tạo điều kiện để học viên thực sự sử dụng tiếng Anh và "sống" trong môi trường nói tiếng Anh hoàn toàn.

Ngoài ra, các phương tiện như: ti vi, máy hát, đầu đĩa rất cần thiết cho các hoạt động bổ trợ khác trong lớp học. Một ý thêm khi nói đến môi trường học tập hiện đại là thư viện đa phương tiện để học viên có thể tự học. Việc mua bản quyền các chương trình tiếng Anh đặc biệt giúp học viên tiếp cận nhiều hơn với những thông tin chắt lọc, bổ ích về thế giới đương đại song song với việc trau dồi tiếng Anh của mình.

* Việc phát triển tiếng Anh không đơn thuần chỉ là rèn luyện 4 kỹ năng. Theo ông, còn yếu tố nào khác trong phương pháp giảng dạy theo tiêu chuẩn quốc tế?

- Không phải là một yếu tố khác mà là sự bổ trợ. Nó gắn liền với chương trình học và phương pháp của giáo viên. Đó chính là các hoạt động ngoại khóa. Thông qua những hoạt động này, ngoài nâng cao kỹ năng nghe nói tiếng Anh, các học viên, đặc biệt là các em thiếu nhi và thiếu niên còn tự khám phá ra nhiều khả năng tư duy, sáng tạo đặc biệt của mình cùng với phát triển những kỹ năng "mềm" như làm việc nhóm, thương lượng, thuyết trình, giải quyết vấn đề... là những điểm nhấn cho những người thành đạt trong tương lai. Tôi muốn nhấn mạnh về việc giảng dạy tiếng Anh cho trẻ em. Đây là một lứa tuổi rất đặc biệt nên các hoạt động ngoại khóa này cần thiết kế sao cho không chỉ mang đến buổi vui chơi mà cần được xây dựng theo chuẩn mực để phát triển cả 4 kỹ năng: nghe, nói, đọc, viết và kỹ năng xã hội.

* Cảm ơn ông.

Cấp chứng chỉ quốc tế cho người học

Theo tôi, nói tới tiêu chuẩn quốc tế trong dạy và học tiếng Anh cần chú ý tới 4 yếu tố cơ bản: giáo trình; giáo viên; phương tiện; các kỳ thi lấy bằng quốc tế. Thứ nhất, cần chọn giáo trình của những nhà xuất bản lớn, có uy tín trên thế giới. Các chương trình học phải phù hợp và đáp ứng được mục đích hướng tới của học sinh. Thứ hai, giáo viên phải có trình độ chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm, kỹ năng giảng dạy hiệu quả. Các phương pháp sư phạm khoa học, tiên tiến là tiêu chuẩn không thể thiếu đối với các thầy cô. Thứ ba, lớp học được trang bị các phương tiện giảng dạy hiện đại cũng là một yếu tố quan trọng trong tiêu chuẩn quốc tế cho dạy học tiếng Anh. Thứ tư, xuyên suốt quá trình học tiếng Anh, học sinh cần đạt các chuẩn đánh giá kết quả học tập theo quy định của các chương trình quốc tế có uy tín. Các kỳ thi cấp chứng chỉ quốc tế như TOEIC, TOEFL iBT, IELTS, PET, KET,... của các tổ chức quốc tế cấp là khẳng định cuối cùng cho chất lượng dạy học tiếng Anh.

Ông Phạm Tấn Nghĩa - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Anh văn Hội Việt - Mỹ

Khuyến khích trẻ giải trí bằng tiếng Anh

Ở nhà, phụ huynh nên cùng nói, cùng giao tiếp tiếng Anh với các cháu bất cứ khi nào có thể. Cho chúng xem phim, hát karaoke, nhảy múa theo nhạc, đọc truyện... hoàn toàn bằng tiếng Anh. Ở lứa tuổi này, các cháu rất dễ bắt chước nên giọng nói và phong cách sẽ hồn nhiên, không chút gượng gạo. Phụ huynh đừng ngại có những thứ chúng không hiểu, cứ để chúng nghe, xem và làm theo; dĩ nhiên là chúng ta phải lựa chọn cho chúng nghe gì, xem gì. Mọi thứ sẽ nhập vào chúng lúc nào không biết và chúng sẽ dễ dàng tiếp thu cái kế tiếp. Cuối tuần phụ huynh cũng nên chọn các hoạt động giải trí tại các câu lạc bộ nói tiếng Anh để các em có cơ hội rèn tiếng. Hằng năm cho các em tham gia các lễ hội New Year, Christmas, Mother's Day, Father's Day, Women's Day, Halloween... để các em có cơ hội mở rộng giao tiếp.

Vũ Thị Ngọc Minh - Giáo viên Tiếng Anh

Vĩnh Thắng
(thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.