Điểm cao mà chưa trúng tuyển, chọn trường nào?

17/08/2012 14:04 GMT+7

Chương trình tư vấn trực tuyến Cơ hội xét tuyển nguyện vọng bổ sung đã tiếp tục buổi thứ hai vào lúc 14 giờ 30 ngày 17.8 với chủ đề “Lời khuyên cho thí sinh có điểm thi cao mà chưa trúng tuyển”.

>> Cơ hội trúng tuyển dành cho những thí sinh có điểm thi bằng điểm sàn

Tham dự chương trình có chuyên gia đến từ các trường ĐH gồm:

- Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM

- Thạc sĩ Tạ Quang Lâm, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm TP.HCM

- Thạc sĩ Hứa Minh Tuấn, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Tài chính - Marketing

- Thạc sĩ Cổ Tấn Anh Vũ, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM

Thạc sĩ Huỳnh Tổ Hạp, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sài Gòn) và thạc sĩ Võ Văn Tuấn, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Văn Lang.

Đúng 14 giở 30, buổi tư vấn trực tuyến (có truyền hình trực tiếp) chính thức bắt đầu.

Theo nhà báo Thùy Ngân, Phó Ban Thanh niên - Giáo dục (Báo Thanh Niên), đối với các TS điểm thi còn cao, vấn đề quan tâm hiện nay là  làm sao để vào được một trường ĐH, ngành học gần đúng như mong muốn lúc ban đầu. Vì vậy, tìm hiểu kỹ thông tin, có được những lời khuyên từ các thầy cô để ra quyết định đúng là một trong những yếu tố giúp thí sinh có nhiều khả năng trúng tuyển.

Nhà báo Thùy Ngân cho biết, có rất nhiều câu hỏi gửi cho chương trình liên quan đến từng ngành, từng trường cụ thể mà bạn đọc vừa mới gửi qua website www.thanhnien.com.vn của báo Thanh Niên.


Toàn cảnh buổi trực tuyến - Ảnh: Đ.N.Thạch

* Một bạn đọc ở TP.Vũng Tàu hỏi: Em thi khối B, 21 điểm, rớt NV1, em có thể tìm NV2 ở trường nào ở TP.HCM liên quan đến ngành công nghệ khối B?

Có 3 trường tham gia trả lời câu hỏi này. Mở đầu phần trả lời, Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM cho biết: Thông tin xét tuyển thêm NV2, NV3 chưa đầy đủ vì nhiều trường chưa công bố điểm chuẩn. Nhưng trước ngày 20.8 sẽ có tất cả. Hiện nay các trường thành viên của ĐH Quốc gia TP.HCM ngành khối B xét tuyển thêm không nhiều dù điểm thi của em khá cao. Nhưng trường ĐH Quốc tế có xét, em cứ theo dõi thêm trên website của trường.


Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM - Ảnh: Đ.N.Thạch

Tiếp lời tiến sĩ Nghĩa, Thạc sĩ Võ Văn Tuấn, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Văn Lang thông tin thêm: Trường chúng tôi có hai ngành đào tạo liên quan khối B là công nghệ kỹ thuật môi trường và công nghệ sinh học, NV2 của mỗi ngành còn 80 chỉ tiêu. Điểm em rất cao, chắc chắn em sẽ đỗ vào 2 ngành này của trường chúng tôi

Ngoài những thông tin trên, Thạc sĩ Cổ Tấn Anh Vũ, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM bổ sung thêm: ĐH Tài nguyên môi trường cũng có tuyển sinh khối B. Em có thể xin xét NVBS vào trường này.

* Một TS đặt câu hỏi: “Em thi khối D1, đạt 20 điểm và đã không trúng tuyển vào ĐH Ngoại thương. Vậy em có thể đăng ký xét tuyển nguyện vọng bổ sung (NVBS) vào những trường nào? Em thích học khối ngành kinh tế, tài chính, ngân hàng”.

Trả lời thắc mắc của TS, thạc sĩ Hứa Minh Tuấn, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Tài chính - Marketing, cho biết: Điểm số em đạt được khá cao. Em rớt ĐH Ngoại thương nhưng với điểm số này vẫn còn nhiều trường ĐH khác đào tạo khối ngành kinh tế vẫn còn chỉ tiêu xét tuyển. ĐH Tài chính – Marketing hiện còn một số ngành kinh tế, tài chính xét NVBS khối D là: Bất động sản (điểm sàn xét tuyển 16 điểm), Hệ thống thông tin quản lý (điểm sàn xét tuyển 16 điểm) và hai chuyên ngành tài chính công và tài chính bảo hiểm và đầu tư (điểm sàn xét tuyển là 17 điểm cho cả khối A và D1, với 80 chỉ tiêu mỗi chuyên ngành).

Trường nhận hồ sơ xét tuyển NVBS từ ngày 27-31.8, lấy điếm từ cao đến thấp.

* Nhà báo Thùy Ngân nêu ra một vấn đề rằng hiện nay, có một số trường xét tuyển và công bố kết quả trong thời gian ngắn, chỉ trong vòng một tuần. Không biết điều này có vi phạm quy định của bộ không?
 
Trả lời câu hỏi này, tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa - Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM cho biết: Theo quy định chung của Bộ GD-ĐT, thời hạn nộp hồ sơ, đợt xét tuyển đều do các trường quy định. Do đó, việc các trường công bố kết quả trong thời gian ngắn không vi phạm quy định của Bộ.

Do đó, tiến sĩ Nghĩa khuyên các thi sinh cần cập nhật nhanh chóng và thường xuyên thời hạn xét tuyển, điểm xét tuyển, chỉ tiêu của từng trường. Bởi không giống năm trước, năm nay các trường có thời gian xét tuyển khác nhau.


Các học sinh chăm chú lắng nghe các thầy tư vấn - Ảnh: Đ.N.Thạch

* Con tôi thi khối D1 được 21,5 điểm đã nhân hệ số. Với số điểm này, thì con tôi có thể xét tuyển NV2 vào ngành cử nhân tiếng Nhật của ĐH Sư phạm TP.HCM hay không? Hiện tại, con tôi chưa nhận giấy báo điểm vậy có kịp nộp hồ sơ vào trường hay không?

Thạc sĩ Tạ Quang Lâm - Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm TP.HCM cho biết, trường nhận hồ sơ xét tuyển NV2 từ ngày 10.8.2012, kết thúc ngày 5.9.2012 sau đó hội đồng sẽ xét tuyển để các em cùng TS trúng tuyển NV1 nhập học cùng lúc.

Theo thầy Lâm, năm nay, ngành tiếng Nhật 20 điểm là trúng tuyển NV1 và điểm xét tuyển NV2 cũng ở mốc 20 điểm. Với 21,5 điểm của TS nói trên, theo thầy Lâm thì rất khó có khả năng, bởi chỉ tiêu của trường chỉ có 40.

* Thêm một câu hỏi liên quan đến ĐH Sài Gòn của bạn đọc ở huyện Bình Chánh: Em thi được 12 điểm, 0,5 điểm ưu tiên, muốn xin xét tuyển vào ngành vật lý của ĐH Sài Gòn có được không?

Trả lời thắc mắc này, Thạc sĩ Huỳnh Tổ Hạp, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sài Gòn cho biết: Em chỉ có thể xin xét vào hệ cao đẳng của trường mà thôi vì điểm của em dưới điểm sàn ĐH. Xét tuyển thì không thể nói điểm chuẩn mà xét từ trên xuống, các TS hãy tham khảo website các trường ở năm trước để xem điểm của mình có khả năng trúng tuyển hay không. Năm ngoái ngành vật lý là 14 điểm mà em 12 điểm thì hơi khó. Thêm một lưu ý nữa là, điểm sàn nhận hồ sơ khác với điểm chuẩn, các em cần phân biệt rõ ràng.

* Tiếp theo là một câu hỏi "nóng" của một phụ huynh tại hội trường, phụ huynh này cho biết, có con thi vào Trường ĐH Luật khối D với 19 điểm và trúng tuyển, Tuy nhiên sau đó gia đình và TS thấy không phù hợp với ngành luật, vậy có thể chuyển qua Trường ĐH Tài chính - Marketing hay không.

Trả lời câu hỏi này, tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa - Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM cho biết, trên nguyên tắc thì TS nộp hồ sơ đăng ký dự thi vào trường nào thì khi trúng tuyển sẽ học trường đó suốt khóa học. Bản thân TS và gia đình đã có thời gian rất nhiều để suy nghĩ khá kỹ nên việc thay đổi ý định sau
kỳ thi thì không hay. Khi trúng tuyển, TS chỉ có giấy báo nhập học nên trên nguyên tắc là phải nhập học ĐH Luật, còn nếu muốn đổi trường thì tùy thuộc vào hội đồng tuyển sinh hai trường có cho phép hay không.

Tiếp lời tiến sĩ Nghĩa, thạc sĩ Hứa Minh Tuấn - Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Tài chính - Marketing nói: Khi trúng tuyển, TS có giấy báo trúng tuyển và nhập học, như vậy sẽ không có giấy báo chứng nhận kết quả. Đối với Trường ĐH Tài chính - Marketing thì có hai ngành xét NV bổ sung là tài chính công và tài chính bảo hiểm, tuy nhiên TS không có giấy chứng nhận kết quả thì không được xét tuyển và tuỳ thuộc vào Trường ĐH Luật có cấp hay không.


 Thạc sĩ Hứa Minh Tuấn - Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Tài chính - Marketing giải đáp thắc mắc của bạn đọc - Ảnh: Đ.N.Thạch
 

* Một phụ huynh khác tại hội trường có thắc gửi đến quý thầy cô, như sau: Con tôi muốn học bộ môn Quản trị logistic và vận tải đa phương thức thì phải đăng ký xét tuyển vào ngành nào của Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM? Trường ĐH Tài chính - Marketing có tuyển nguyện vọng bổ sung khối A1 hay không?

Thạc sĩ Cổ Tấn Anh Vũ, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, cho biết ngành Quản trị logistic và vận tải đa phương thức thuộc ngành Khai thác vận tải. Tuy nhiên, năm nay, nhóm ngành kinh tế vận tải của trường đã tuyển đủ chỉ tiêu nên không xét tuyển nguyện vọng bổ sung.

Thạc sĩ Hứa Minh Tuấn, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Tài chính - Marketing, cho biết Trường ĐH Tài chính - Marketing cũng không còn chỉ tiêu xét tuyển nguyện vọng bổ sung khối A1.

* Một TS đã gọi điện đến buổi tư vấn đặt câu hỏi: Em thi khối D được 20,5 điểm. Với số điểm trên, em có hy vọng để đăng ký xét tuyển NV2 vào ĐH Tài chính - Makerting hay không? Em có điểm IELTS 6.0, vậy có thể đăng ký học hệ chất lượng cao của trường hay không?

Thạc sĩ Hứa Minh Tuấn -Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Tài chính - Marketing trả lời rằng với số điểm của em có thể nộp để xét tuyển NV2. Trường Tài chính - Marketing chỉ nhận hồ sơ xét tuyển NV2 từ 27 - 31.8. Nếu em trúng tuyển thì sẽ nhập chung với nhóm trúng tuyển NV1.

Sau đó, trường sẽ thi chọn tiếng Anh nếu đạt điểm Toeic 250 điểm trở lên. Với điều kiện của em có thể đăng ký tham gia chương trình học này.

* Một phụ huynh tại hội trường đặt câu hỏi: Thưa chương trình, con tôi cũng thi vào khối D6, được 17 điểm. Theo cách tính điểm của trường Sư phạm thì cháu được 22 điểm, cửa vào trường của cháu khó. Nhờ các thầy tư vấn cho cháu những ngành nào mà các cháu thi khối D6 có thể đăng ký để tiếp tục con đường học hành.

Thạc sĩ Tạ Quang Lâm - Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm TP.HCM: Hiện nay, chúng tôi cũng đang cân nhắc trường hợp của những thí sinh thi khối D6, tìm xem có thể đưa ra một sự ưu tiên nào dành cho những trường hợp này không.

Tuy nhiên, hiện tại chúng tôi chưa thể công bố được điều gì. Quyết định phải tùy thuộc vào hội đồng xét tuyển và trưởng khoa tiếng Nhật. Chúng tôi sẽ cân nhắc tình hình thực tế để xem xét.


Thạc sĩ Tạ Quang Lâm - Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm TP.HCM đang tư vấn - Ảnh: Đ.N.Thạch

Trả lời tiếp câu hỏi trên, tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa cho biết: "Cửa đậu" cho các khối thi mới như khối D5 tiếng Đức và khối D6 tiếng Nhật rất hẹp, trong khi hiện nay bậc CĐ không có khối D6 nên thí sinh khi trượt khối này thì "hết cửa". Vì vậy, tiến sĩ Nghĩa nhấn mạnh Bộ GD-ĐT và các trường cần tính toán lại phương thức tuyển sinh các khối mới vì nếu không thì các phụ huynh, TS sẽ không dám chọn thi vào các khối mới.

* Tiếp theo chương trình là phần dành cho các câu hỏi về ngành kinh tế, tài chính ngân hàng. Mở đầu phần này, một bạn đọc ở Quảng Ngãi đặt câu hỏi: "Em thi 21,5 điểm nhưng vẫn rớt NV1, muốn xét vào trường có ngành kinh tế ở TP.HCM có ổn không?".

Thạc sĩ Võ Văn Tuấn, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Văn Lang khẳng định số điểm này của TS trên hoàn toàn có thể trúng tuyển vào 5 ngành liên quan đến kinh tế của trường ĐH Văn Lang.

Thạc sĩ Tuấn thông tin thêm: Trường ĐH Văn Lang có 5 ngành kinh tế ở khối A, A1, D1, nhận hồ sơ xét tuyển NVBS vào ngày 14.8 đến 30.8. Vào ngày 31.8 công bố kết quả, còn ngày 10.9 chính thức nhập học cho cả NV1 và NVBS.

5 ngành kinh tế của trường gồm Quản trị kinh doanh, quản trị du lịch lữ hành, quản trị khách sạn, Kinh doanh thương mại, tài chính ngân hàng kế toán.

Về Trường ĐH Tài chính - Marketing, thạc sĩ Hứa Minh Tuấn, Trưởng phòng Đào tạo của trường, cho biết: Liên quan đến khối ngành kinh tế, để nhận hồ sơ xét nguyện vọng bổ sung thì trường chỉ xét 3 ngành (như đã nói trên), gồm: Bất động sản, với điểm sàn xét tuyển 16 điểm, 70 chỉ tiêu; Hệ thống thông tin quản lý (gần giống ngành công nghệ thông tin nhưng phục vụ cho ngân hàng, doanh nghiệp), có điểm sàn xét tuyển 16 điểm, 50 chỉ tiêu; và hai chuyên ngành Tài chính công, Tài chính bảo hiểm và đầu tư (trong ngành Tài chính - Ngân hàng), điểm sàn xét tuyển là 17 điểm cho cả khối A và D1, với 80 chỉ tiêu mỗi chuyên ngành.

Tuy nhiên, thầy Tuấn lưu ý TS, nhóm ngành Tài chính - Ngân hàng rất hút TS quan tâm, nên khả năng trúng tuyển khó mà nói trước được.

* Một học sinh từ Bình Phước hỏi qua điện thoại: Em thi khối C vào trường đại học Luật được 15 điểm. Em nhờ các thầy tư vấn cho em có thể nộp đơn xét tuyển nguyện vọng bổ sung vào trường nào, ngành nào phù hợp với tính năng động của em không ạ?

Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa - Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM: Như đã nói trước, không thể nói trước được khả năng trúng tuyển. Năm nay điểm thi cũng tương đối cao, điểm sàn khối C cao hơn năm ngoái nửa điểm.

Với thí sinh trên điểm sàn thì vẫn còn quyền và cơ hội tham gia xét tuyển nguyện vọng bổ sung.

Về khối C thì Trường đại học Khoa học Xã hội Nhân văn hiện xét tuyển nguyện vọng bổ sung các ngành Lịch sử (điểm xét tuyển là 14,5 điểm, 20 chỉ tiêu), ngành Nhân học (15 điểm, 30 chỉ tiêu).

Thạc sĩ Huỳnh Tổ Hạp - Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sài Gòn: Với khối C, Trường ĐH Sài Gòn có tuyển nguyện vọng bổ sung hệ đại học các ngành Thư viện và Giáo dục Chính trị, điểm xét tuyển là 14,5 điểm.

Với hệ cao đẳng thì có các ngành Việt Nam học, Lưu trữ học, Quản trị Văn phòng, Thư ký Văn phòng, Sư phạm Ngữ văn, Sư phạm Lịch sử, Sư phạm Địa lý. Các em có thể tham khảo thông tin trên website của trường để tìm hiểu điểm xét tuyển và chỉ tiêu.


Đi cùng với các em học sinh còn có nhiều phụ huynh cũng đến tham gia buổi tư vấn - Ảnh: Đ.N.Thạch

Thạc sĩ Tạ Quang Lâm - Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm TP.HCM: Khối C hiện có một ngành mà các em có thể chắc chắn trúng tuyển là ngành Giáo dục Quốc phòng An ninh. Đây là ngành mới mở với chỉ tiêu là 120 song chỉ mới tuyển được 2 người.

Ngoài ra, còn có các ngành Văn học, Việt Nam học cũng tuyển khối C. Và với nơi ở Bình Phước của em thì có cũng có khả năng để trúng tuyển.

* Tiếp theo là câu hỏi của bạn Yến Nhi, Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai: Nhi cho biết đạt 15,5 điểm khối A, muốn chọn trường thuộc kỹ thuật GTVT thì nên chọn ngành nào cho có nhiều cơ hội trúng tuyển và cơ hội việc làm sau này như thế nào.

Thạc sĩ Cổ Tấn Anh Vũ - Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM trả lời: đối với những ngành thuộc kỹ thuật GTVT thì mặt bằng điểm để nộp hồ sơ xét tuyển bổ sung không cao, chỉ từ 13-14 đến 15-16 điểm thôi, đồng thời chỉ chỉ tiêu cũng khá nhiều. Như vậy, với điểm số em đạt được thì em có nhiều cơ hội lựa chọn vào những trường như GTVT TP.HCM, Sư phạm kỹ thuật, Công nghiệp thực phẩm, Tài nguyên môi trường...

Còn tại ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, thì trường xét tuyển bổ sung vào các ngành như: khoa học hàng hải, kỹ thuật điện điện tử, kỹ thuật điện tử truyền thông, kỹ thuật tàu thủy, công nghệ đóng tàu, kỹ thuật công trình ngoài khơi, truyền thông mạng máy tính. Đó là những ngành đặc thù và trường dành một số lớn chỉ tiêu. TS cần lưu ý một số ngành không tuyển nữ.

Việc chọn được việc làm tốt hay không, theo thạc sĩ Vũ thì không chỉ phụ thuộc ngành nghề mình chọn mà còn phụ thuộc việc mình có tiếp thu kiến thức, kỹ năng trong lúc theo học có đạt kết quả tốt hay không. Hiện nay hạ tầng GTVT của đất nước đang phát triển rất cao nên nhu cầu nhân lực phục vụ là rất lớn, vì vậy cơ hội việc làm khi tốt nghiệp ra trường rất cao, thí sinh yên tâm.

* TS Minh Phượng đặt câu hỏi, em thi khối A được 14,5 (đã cộng điểm vùng), vậy trường ĐH Tài chính - Marketting có tuyển NV2 hệ CĐ ngành tài chính, ngân hàng hay không? Nếu em học ngành khác sau đó muốn chuyển ngành có được không, có phải học lại không?

TS này cũng hỏi thêm rằng với số điểm đó có thể nộp xét tuyển NV2 Tài chính - ngân hàng của Trường ĐH Văn Lang hay không? Điều kiện chuyển ngành thế nào?

Thạc sĩ Hứa Minh Tuấn - Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Tài chính - Marketing cho biết trường không xét tuyển bổ sung bậc cao đẳng chuyên ngành tài chính - ngân hàng. Trong quá trình đào tạo sẽ được chuyển đổi chuyên ngành với quy định riêng của mỗi trường nhưng sinh viên không phải học lại từ đầu.

Thạc sĩ Võ Văn Tuấn - Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Văn Lang cho biết trường có 6 ngành kinh tế, xét tuyển NV2 cho khối A. Điểm sàn xét NV2 của ngành tài chính ngân hàng là cao hơn điểm sàn là 1 điểm.

Theo thầy Tuấn, điểm chuẩn của ngành này ở trường Văn Lang năm ngoái là 15 điểm do vậy với số điểm của em thì khả năng đậu không cao.

Em có thể chuyển ngành với điều kiện có điểm đầu vào lớn hơn hoặc bằng ngành muốn chuyển sang.


Thạc sĩ Võ Văn Tuấn, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Văn Lang - Ảnh: Đ.N.Thạch

Tiếp theo chương trình là phần dành cho khối ngành khoa học xã hội nhân văn và kiến trúc. Bạn đọc Hải Vân hỏi: Em thi khối A 16 điểm, xin xét vào ngành vật lý trường ĐH sư phạm TP.HCM được không?

Thạc sĩ Tạ Quang Lâm, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm TP.HCM trả lời: Ngành vật lý của Trường ĐH Sư phạm có chỉ tiêu NVBS rất nhiều, cụ thể là 100 chỉ tiêu. Em thi 16 điểm là khả năng trúng tuyển cao. Theo dự đoán của tôi thì khả năng trúng tuyển nhiều, em cứ việc nộp thôi.

* Tiếp nối các câu hỏi, một TS thi khối C đạt 15 điểm xin tư vấn của quý thầy cô để chọn được một ngành có xét tuyển NVBS.

Trước băn khoăn này của TS, Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, tư vấn cho TS: Trường Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM có nhiều ngành thi khối C còn chỉ tiêu xét tuyển NVBS với điểm sàn xét tuyển từ 14,5 điểm trở nên.

Ngoài ra, còn nhiều trường khác cũng còn NVBS khối C. Các thông tin tuyển sinh này đều được cập nhật trên website của các trường. Vì vậy, TS cần thu thập đầy đủ thông tin để tự cân nhắc, quyết định chọn nguyện vọng phù hợp với điểm thi, năng lực và sở thích của mình.

* Bạn Thanh Bình (TP.HCM) đặt câu hỏi qua điện thoại, con tôi học chương trình quốc tế tại trường PTTH Việt Úc đã tốt nghiệp. Nhiều trường ĐH bên Úc đã chấp nhận xét tuyển nhưng do lý do kinh tế nên gia đình muốn cho vào ĐH Quốc gia TP.HCM thì có được không?

Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa - Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM cho biết, đối với học sinh tốt nghiệp các chương trình PTTH quốc tế được quốc tế công nhận thì ĐH Quốc tế của ĐHQG TP.HCM sẽ xét tuyển thẳng.

Trường PTTH Việt Úc là một trong những trường được ĐH Quốc tế công nhận và có thể xét tuyển thẳng.

* Về trường Khoa học Xã hội Nhân văn TP.HCM, một phụ huynh Bình Thuận hỏi: Con tôi thi ngành Truyền thông Trường Đại học Khoa học Xã hội Nhân văn được 20 điểm. Nếu cháu vẫn muốn theo học về truyền thông thì cháu có thể học ngành nào? Có thể học ngành Nga - Anh hay không?

Một bạn đọc Vũng Tàu: Em thi khối D1 được 18 điểm. Liệu em có thể xét tuyển vào ngành nào của trường?

Một bạn đọc khác cũng thắc mắc ngành Nga - Anh sau này có nhiều cơ hội nghề nghiệp hay không?

Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa - Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM: Với thí sinh thi ngành D1 được 18 điểm thì em vẫn còn cơ hội cao để xét vào những ngành khác trong trường. Cơ hội vào các trường khác cũng lớn. Em cần tham khảo thêm thông tin trên website của nhà trường để biết thêm thông tin chi tiết.

Về ngành học với vị trí làm việc, hai điều này rất khác nhau. Các em không nên có suy nghĩ rằng học ngành nào phải ra làm đúng với tên ngành đó.

Các em nên liên hệ ngành nghề với vị trí tuyển dụng. Có một cách là xem những trang quảng cáo việc làm, có thể thấy được những vị trí tuyển dụng thì người ta cần cái gì, ngành nào. Tóm lại, các em phải thoáng hơn chứ không nên cứng nhắc học ngành nào ra làm ngành đó.

Nhà báo Thùy Ngân cũng tiếp lời tiến sĩ Nghĩa bằng cách tiết lộ rằng ngay tại Báo Thanh Niên, không phải tất cả những người làm báo đều tốt nghiệp ngành Báo chí. Có những người tốt nghiệp Nông Lâm, Kinh tế, Ngoại ngữ, Luật hoặc Công nghệ Thông tin...


Thạc sĩ Huỳnh Tổ Hạp, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sài Gòn - Ảnh: Đ.N.Thạch

* Tiếp theo là một câu hỏi qua điện thoại, một phụ huynh tại Bình Dường cho biết, có con thi khối D ĐH Luật đạt 17,5 điểm, thiếu 0,5 điểm, vậy nên đăng ký vào trường nào. Phụ huynh cũng hỏi muốn vào ngành sư phạm quốc tế học và muốn biết ngành này sau khi tốt nghiệp sẽ làm gì, có khác gì với ngành quan hệ quốc tế hay không.

Thạc sĩ Tạ Quang Lâm - Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm TP.HCM: Tại trường có đào tạo ngành quốc tế học. Ngành này và ngành quan hệ quốc tế của các trường khác có cùng nội dung chương trình đào tạo, tuy nhiên mỗi trường có một số môn đặc thù. Khi ra trường có thể làm tại các cơ quan ngoai giao, tổ chức phi chính phủ. Với điểm số 17,5, khả năng trúng tuyển của con bạn cao, vì điểm sàn chỉ 14,5 thôi. Chương trình học thì thí sinh nên xem trên wibesite của trường sẽ cặn kẽ hơn.

Tiếp lời thầy Lâm, thầy Nghĩa cho biết, những ngành có cùng tên hay cùng mã số ở các trường thì có cùng khung đào tạo và có khác nhau tương đối một số môn. Kinh tế luật ĐH Quốc gia TP.HCM không xét tuyển NV 2. Giữa việc học đến khi ra làm thì không nên đặt nặng việc học gì ra làm nấy. Việc sinh viên tốt nghiệp chương trình ĐH thì chủ yếu được rèn luyện về tư duy và có thể cải tiến cách làm việc để hòa nhập vào môi trường làm việc không nhất thiết phụ thuộc vào ngành học nào.

* Một bạn đọc ở Q.Tân Bình (TP.HCM) hỏi: Em thi ĐH khối A được 11,5 điểm, thi CĐ  16,5 điểm. Riêng ĐH thì em thi vào Trường ĐH Sài Gòn ngành Giáo dục tiểu học, nhưng không đủ điểm giờ muốn xét tuyển vào hệ CĐ có được không? Và em lấy điểm thi CĐ để xin xét tuyển vào trường được không?

Trả lời câu hỏi này, Thạc sĩ Huỳnh Tổ Hạp, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sài Gòn cho biết: Điểm thi của em ở hệ CĐ thì chỉ có thể xin xét vào các trường CĐ khác. Còn nếu em đã thi ĐH ngành Giáo dục tiểu học của trường và giờ muốn xét tuyển vào hệ CĐ của ngành này luôn thì tôi xin thông tin ngay là được. Tuy nhiên, tôi xin lưu ý là năm ngoái, ngành Giáo dục tiểu học của trường có điểm xét tuyển là 13 điểm hệ CĐ, nên khả năng trúng tuyển của em là không cao. Em nên xin xét tuyển vào ngành sư phạm địa lý, kỹ thuật công nghiệp thì khả năng cao hơn.

* Một phụ huynh tại hội trường hỏi việc tuyển NV2 có tính điểm ưu tiên hay không. Thạc sĩ Hứa Minh Tuấn cho biết, điểm công bố xét tuyển là điểm đối với HS phổ thông khu vực 3 và điểm số được lấy theo dữ liệu điểm thi của Bộ GD-ĐT và có tính điểm ưu tiên khu vực trong đó.

* Một phụ huynh hỏi qua điện thoại: Con tôi học ngành Hóa ở nước ngoài. Giờ này muốn chuyển về nước học ngành Dầu khí tại trường Bách Khoa được không?

Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa -Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM: Điều này phải xem xét đến quy chế học vụ. Vì không phải trường nào ở nước ngoài cũng có chất lượng, một số trường chỉ có tên trên giấy. Trường trong nước cần phải thẩm định lại, môn nào được giữ điểm, môn nào phải học lại. Trước khi chuyển về, sinh viên cần chuyển thông tin cho trường để thẩm định như bảng điểm, các môn để học.

* Bạn đọc Dạ Lan gửi đến chương trình thắc mắc: “Em thi khối C được 21 điểm và muốn học ngành nào liên quan đến P.R, quảng cáo hay điện ảnh. Vậy xin quý thầy tư vấn giúp em nên chọn đăng ký xét tuyển vào ngành nào?”

Thạc sĩ Võ Văn Tuấn, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Văn Lang, cung cấp thông tin: ĐH Văn Lang còn NVBS tuyển khối C đối với ngành Quan hệ công chúng (P.R) và truyền thông, 25 chỉ tiêu.

Theo kinh nghiệm các năm trước, điểm chuẩn NVBS khối C vào ngành này thường bằng điểm sàn của Bộ GD-ĐT. So sánh mức điểm sàn khối C năm nay (theo quy định của Bộ GD-ĐT) là 14,5 điểm và điểm thi của em thì em hoàn toàn có khả năng trúng tuyển vào ngành Quan hệ công chúng (P.R) và truyền thông của Trường ĐH Văn Lang.


Một phụ huynh đặt câu hỏi trong chương trình - Ảnh: Đ.N.Thạch

* Một TS tại hội trường cho biết, giữa một trường công lập không trúng tuyển và một trường dân lập thì nên chọn thế nào? Xét tuyển NV2 vào trường dân lập hay ôn thi lại để năm sau thi tiếp?

Thạc sĩ Võ Văn Tuấn - Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Văn Lang cho biết hầu hết các TS đều muốn vào trường công lập vì nhiều yếu tố (học phí, sở thích). Tuy nhiên, tại trường Văn Lang nếu bạn nào học một, hoặc hai học kỳ mà không muốn học thì cứ xin bảo lưu để xin thi lại một trường công lập khác. Nếu các bạn thi lại không đậu thì đều có thể quay lại trường học tập tiếp.

Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa - Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM cho biết nếu cần một chỗ học thì việc phân vân giữa công lập - dân lập chủ yếu phụ thuộc vào mức học phí, bạn có thể cân nhắc. Để giải quyết bài toán tài chính học dân lập thì có thể vay của Nhà nước, hoặc nỗ lực gia đình, sinh viên tự lập để kiếm thêm chi phí.

Theo thầy Nghĩa thì nếu ngành đó là đam mê của bản thân em thì dù công lập hay dân lập thì cứ theo đến cùng đam mê của mình.

Nhà báo Thùy Ngân đặt vấn đề, ngoài hai chuyện trên thì bằng cấp của công lập - dân lập cũng là một vấn đề băn khoăn của nhiều sinh viên.

Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa cho rằng, không địa phương hay doanh nghiệp nào dám công khai chỉ tuyển chính quy, công lập mà cơ sở của việc tuyển chọn là quá trình phỏng vấn, thẩm định tài năng của một con người.

Chương trình tiếp theo sẽ chuyển sang lĩnh vực kỹ thuật công nghệ và kiến trúc. Một bạn đọc ở TP.HCM hỏi: Em thi 14,5 điểm muốn học ngành kinh tế xây dựng, công trình xây dựng thì nộp hồ sơ vào trường nào để khả năng trúng tuyển cao nhất?

Thạc sĩ Cổ Tấn Anh Vũ, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM trả lời: Hiện nay việc xét tuyển NV các trường chưa đầy đủ lắm, những trường có công bố xét NVBS thì chỉ tiêu xét tuyển bậc ĐH ngành liên quan đến kỹ thuật công trình xây dựng ở các trường công lập là không nhiều. Nhóm ngành điện điện tử, điện tử truyền thông thì mức điểm 13 đến 15 tuyển có các trường như ĐH GTVT TP.HCM, mức điểm nộp HS là 13 điểm.

ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM có ngành công nghệ kỹ thuật điện tử truyền thông, điểm xét nộp hồ sơ khối A là 13 điểm, khối A1 là 13,5 điểm; Học viện Hàng không cũng xét tuyển bổ sung, điểm nộp hồ sơ khối A và A1 là 14 điểm; Trường ĐH công nghệ thực phẩm TP.HCM cũng xét tuyển bổ sung các ngành điện điện tử.

Tiếp đó, một bạn đọc ở Huế hỏi thêm: Em thi khối A 15 điểm vào trường ĐH Kỹ thuật Đà Nẵng nhưng rớt NV1, vậy nộp vào trường nào ở TP.HCM để học?

Thạc sĩ Cổ Tấn Anh Vũ cho biết: Tại Đà Nẵng có Trường ĐH Xây dựng miền Trung có chỉ tiêu xét tuyển bổ sung khá nhiều, mức điểm nộp hồ sơ là 13 điểm trở lên, ngành công trình xây dựng. Vậy em có thể nộp hồ sơ vào trường này để thuận tiện cho việc học sau này.

* Một bạn đọc hỏi: Em thi vào ngành Công nghệ Sinh học Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM, được 19,5 điểm. Em có thể đăng ký nguyện vọng 2 vào ngành khác của Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM hay không?

Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa - Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM: Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM không tuyển nguyện vọng 2 cho khối B trong năm nay mặc dù có tuyển sinh cả khối A và khối B ở các ngành như Khoa học Vật liệu, Công nghệ Kỹ thuật môi trường, Khoa học Môi trường, Địa chất.

Như vậy, thí sinh thi khối B cần phải đăng ký ở trường khác.

* Bạn đọc ở Ba Đình, Hà Nội cho biết em đã dự thi khối V và ĐH Xây dựng (Hà Nội) nhưng không trúng tuyển NV1. Em đạt 23 điểm (điểm đã nhân hệ số), với điểm cụ thể từng môn là toán: 4, lý: 5, vẽ: 8. Vậy em có cơ hội xét tuyển NVBS vào khối V ngành kiến trúc của trường ĐH nào ở TP.HCM không?

Thạc sĩ Võ Văn Tuấn, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Văn Lang, tư vấn cho TS như sau: ĐH Văn Lang có tuyển khối V cho ngành Kiến trúc và các ngành Mỹ thuật công nghiệp với điểm chuẩn xét tuyển NV1 là 21 điểm. Theo kinh nghiệm thì thường TS phải có điểm thi cao hơn điểm chuẩn xét tuyển 3-4 thì mới có khả năng trúng tuyển vào ngành Kiến trúc của trường.

Với mức điểm thi cận điểm sàn, TS có thể dự tuyển vào các ngành Mỹ thuật công nghiệp thì mới có cơ hội trúng tuyển cao.

Tuy nhiên, Trường ĐH Văn Lang chỉ xét tuyển khối V và H trên kết quả thi của các trường ĐH Kiến trúc TP.HCM và Hà Nội, ĐH Tôn Đức Thắng, ĐH Bách khoa TP.HCM, ĐH Mỹ thuật TP.HCM và ĐH Mỹ thuật công nghiệp (Hà Nội), chứ không xét trên kết quả thi khối V của ĐH Xây dựng HN.

* Một bạn đọc tại TP.HCM cho biết thi khối A đạt 17,5 điểm, vậy cơ hội nộp hồ sơ vào ngành CNTT như thế nào.

Theo tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, các trường thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM không xét tuyển NV2 ngành này, riêng trường ĐH Quốc tế thì thí sinh có thể đăng ký chương trình liên kết của trường này.

Thạc sĩ Tạ Quang Lâm cho biết, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM có ngành sư phạm tin học, chỉ tiêu là 100, điểm nhận hồ sơ là 15, ngành CNTT chỉ tiêu 100, điểm xét 15.

Thạc sĩ Cổ Tấn Anh Vũ: Trường ĐH GTVT không có tuyển bổ sung ngành CNTT. Tuy nhiên có ngành truyền thông mạng máy tính chỉ tiêu 60, điểm xét tuyển 13.

Thạc sĩ Huỳnh Tổ Hạp: Trường ĐH Sài Gòn không xét tuyển NV2 ngành này.

Thạc sĩ Võ Văn Tuấn: Trường ĐH Văn Lang có ngành kỹ thuật phần mềm chỉ tiêu 60 với 3 khối A, A1 và D1. Ngành này đào tạo theo chương trình của nước ngoài. Trường lấy bằng điểm sàn xét tuyển bổ sung nên với điểm đạt được của thí sinh như trên thì khả năng là chắc chắn.

10 phút cuối của chương trình, nhà báo Thùy Ngân đề nghị các thầy chia sẻ cho các TS có số điểm cao (từ 15 - 18) những trường, ngành có cơ hội trúng tuyển cao.

* Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa - Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM đúc kết với các trường ĐH lớn thì nếu có xét tuyển bổ sung thì chỉ tiêu còn rất ít. Tuy nhiên, với các ngành mới mở và TS chưa biết nhiều thì cơ hội cao. Ví dụ: ngành giáo dục quốc phòng (ĐH Sư phạm TP.HCM), An ninh mạng (ĐH Công nghệ thông tin).

Theo thầy Nghĩa, thời hạn xét tuyển của từng trường là rất quan trọng để các TS phải lưu ý. Ngoài ra, việc xét tuyển thực hiện theo tiêu chí từ cao xuống thấp chứ không phải nộp sớm, tuyển sớm. Do vậy, các TS cần lưu ý kỹ điều này.

* Thạc sĩ Tạ Quang Lâm -Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm TP.HCM: Năm nay chỉ tiêu của nguyện vọng bổ sung cao hơn năm ngoái, điểm cũng cao hơn để đào tạo nên những giáo viên giỏi.

Theo thầy Lâm, tại trường có một số ngành mà TS không biết: Giáo viên tin học (CT tuyển bổ sung 100), điểm sàn từ 15 điểm trở lên là có khả năng đậu; ngành CNTT, ngành Giáo dục quốc phòng an ninh (120 CT); song ngữ Nga - Anh; Pháp; Trung (ra làm giáo viên) thì có rất nhiều khả năng trúng tuyển.

* Chia sẻ về bí quyết dễ trúng tuyển, Thạc sĩ Hứa Minh Tuấn, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Tài chính - Marketing TP.HCM chia sẻ: Theo tôi thì ngành nào mới, càng ít người biết thì càng dễ trúng tuyển. Ngành bất động sản là ngành trường chúng tôi mới có. Đừng tưởng bất động sản đang đóng băng mà không nộp vào để xét tuyển. Ngành này nhu cầu việc làm thực sự rất lớn. Các em có thể làm việc ở Sở tài chính, Sở kế hoạch đầu tư ở các địa phương sau khi tốt nghiệp.

Ngành tiếp theo là hệ thống thông tin - tin học kế toán, đây là ngành rất nhiều công ty cần. Ngoài ra, ngành tài chính ngân hàng với chuyên ngành tài chính công, chuyên ngành bảo hiểm và đầu tư là 2 chuyên ngành nhiều cơ hội cho các TS trúng tuyển.

Ở đây, TS và phụ huynh cần lưu ý là mỗi trường công bố thời gian nhận hồ sơ và xét tuyển khác nhau. Chúng ta cần tìm hiểu thông tin ngành nghề, thời gian xét tuyển thông tin của từng trường thì khả năng trúng tuyển cao hơn.

* Thạc sĩ Cổ Tấn Anh Vũ, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, thông tin đến TS: Trong các ngành xét tuyển NVBS của trường thì có chuyên ngành Khoa học hàng hải có chỉ tiêu tuyển sinh rất lớn. Vì vậy, cơ hội cho TS trúng tuyển vào ngành này rất cao.

Đồng thời, theo quy định của Nhà nước, ngành đi biển sẽ được giảm 70% học phí cho sinh viên.

Ngành Kỹ thuật tàu thủy có 130 chỉ tiêu NVBS là ngành mà TS có cơ hội trúng tuyển cao.

* Thạc sĩ Huỳnh Tổ Hạp - Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sài Gòn: Năm nay Trường ĐH Sài Gòn chỉ xét tuyển bổ sung hai ngành là Thư viện và Giáo dục Chính trị, tuyển khối C, D1 với điểm tuyển bằng với điểm sàn. Những ngành này ít được quan tâm nên có nhiều cơ hội.

Để học được đúng ngành mình thích thì các bạn được từ 15, 16 điểm nên cân nhắc đến việc chọn đi con đường cao đẳng. Hệ cao đẳng của trường còn rất nhiều ngành ở ngưỡng điểm này. Các em nên tham khảo điểm chuẩn năm trước có trên website của trường để ước lượng trước. Theo dự kiến thì điểm chuẩn năm nay sẽ nhích lên một chút, từ nửa điểm đến 1 điểm.

Các bạn học cao đẳng sau ba năm vẫn có cơ hội học liên thông ngay tại trường trong thời gian 1 năm rưỡi.

* Thạc sĩ Võ Văn Tuấn - Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Văn Lang "bật mí" bí quyết lựa chọn ngành nghề để trúng tuyển khi các trường xét là thí sinh nên tham khảo điểm chuẩn các năm trước đó. Thông thường điểm số không có thay đổi lớn, thí sinh cũng đừng nên vội vàng nộp hồ sơ xét tuyển sớm vì để thời gian có thêm nhiều thông tin chỉ tiêu, mức điểm của các trường nhằm giúp thí sinh dễ dự đoán mức điểm có thể trúng tuyển.

Đối với Trường ĐH Văn Lang thì các ngành kỹ thuật công nghệ có điểm trúng tuyển thường bằng điểm sàn, trong khi các ngành khác như kinh tế, ngân hàng thì điểm trúng tuyển thường cao hơn nhiều, nên thi sinh cần cân nhắc kỹ trước khi nộp hồ sơ.

THANH NIÊN

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.