Điều kiện nào để có trường ĐH không vì lợi nhuận ?

17/05/2016 08:00 GMT+7

Theo đó, để là một ĐH không vì lợi nhuận phải đạt 2 tiêu chí: Không phân chia lợi nhuận (nếu có) và không có sở hữu là cá nhân hay một tập thể (mà chỉ có hội đồng tín chấp).

Trong tọa đàm “Điều kiện cho ĐH không vì lợi nhuận tại VN” diễn ra ở TP.HCM tuần qua đã có sự đồng thuận về định nghĩa của mô hình trường này. Đây là một bước tiến vì cách đây mấy năm, điều này còn có nhiều tranh cãi.
Theo đó, để là một ĐH không vì lợi nhuận phải đạt 2 tiêu chí: Không phân chia lợi nhuận (nếu có) và không có sở hữu là cá nhân hay một tập thể (mà chỉ có hội đồng tín chấp).
Một số nhà giáo dục cho rằng để có trường ĐH không vì lợi nhuận thì phải có quy chế trước (quy chế chấp nhận có ĐH tư không vì lợi nhuận, khuyến khích người đầu tư vào mô hình trường này, sự hỗ trợ của nhà nước như miễn thuế, ưu tiên cho vay xây cơ sở vật chất, cấp đất...). Nhiều người khác lại cho rằng phải có con người phi lợi nhuận.
Trong hội thảo, hiệu trưởng một trường ĐH nước ngoài tại VN khẳng định họ đang hoạt động phi lợi nhuận với những lập luận như: Trường được thành lập tại VN từ nguồn vốn ban đầu là 20 triệu USD của một tổ chức phi lợi nhuận. Từ đó đến nay, toàn bộ tiền lời đều được đưa vào các hoạt động giáo dục của trường và trường không có một cá nhân hay tập thể nào làm chủ. Phương châm hoạt động của trường là phải có khả năng sinh lời để phát triển bền vững, tăng trưởng chất lượng để tạo sự khác biệt…
Trường ĐH này đã hiện diện ở VN hơn 10 năm, khi chưa có khái niệm về tư thục không vì lợi nhuận nhưng họ đã hoạt động với tiêu chí bất vụ lợi không chia lời cho cá nhân hay tập thể. Như thế, việc cần thiết đầu tiên là có con người không vì lợi nhuận mới có thể có ĐH không vì lợi nhuận. Trường ĐH này cũng đóng thuế hơn 10 năm qua. Cho đến nay nếu theo quy chế giáo dục của VN thì trường ĐH này chưa được công nhận là không vì lợi nhuận dù rằng trường vẫn không chia lời hằng năm.
Từ trường hợp này, thiết nghĩ những trường ĐH nào của VN muốn không vì lợi nhuận thì cứ hoạt động theo hướng đó, chưa cần đến quy chế (vì chẳng có quy chế nào bắt chia lời hằng năm), chỉ có vấn đề là những người góp vốn có đồng thuận để theo chủ trương trên không? Đây cũng là vấn đề gây bất ổn nội bộ tại các ĐH tư hiện nay.
Những ĐH không vì lợi nhuận, nếu có ở VN là đáng hoan nghênh. Quy chế về ĐH không vì lợi nhuận chỉ là phương tiện để hỗ trợ mô hình này, không phải là điều kiện cần mà quan trọng là cần nguồn nhân lực bất vụ lợi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.