Đối thoại học đường: Học sinh có cần được thầy cô tôn trọng?

23/02/2017 17:13 GMT+7

Khi gặp giáo viên, chúng em đều phải chào hỏi. Nói chuyện thì phải dạ, thưa kính cẩn. Vậy học sinh có cần được tôn trọng lại. Và biểu hiện của việc tôn trọng ấy như thế nào?

Để tăng cường sự trao đổi giữa học sinh với nhà trường, sáng 23.2 Trường THPT Nguyễn Du (Q.10, TP.HCM) tổ chức buổi đối thoại học đường với hơn 1.000 học sinh. Tại đây, nhiều ý kiến được học sinh thẳng thắn nêu ra và đã được nhà trường phản hồi trực tiếp.
Ngay từ 7 giờ sáng, khi buổi đối thoại vừa bắt đầu, đã có rất nhiều cánh tay đưa lên với mong muốn được giải đáp những khúc mắc trong quá trình học tại trường. Nhiều học sinh còn mạnh dạn đại diện cho lớp, khối lớp mình để đặt câu hỏi với thầy cô.
Một học sinh nêu thực tế: Lớp em học rất nhiều muỗi cộng thêm tiếng ồn và đôi khi còn bị “hun” khói từ bên ngoài. Chúng em rất muốn đổi phòng học nhưng trường nói là hết phòng. Em muốn hỏi tại sao chúng em lại phải học trong môi trường như vậy?

Trước câu hỏi này, ông Huỳnh Thanh Phú - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du - giải đáp: Việc lớp học nhiều muỗi là do ảnh hưởng từ khu nhà đang xây dựng của trường. Dự kiến sau khi xây dựng xong sẽ không còn tình trạng này. Biện pháp tình thế được ông Phú nêu ra là sẽ làm việc với trung tâm y tế dự phòng vì trường đã có hợp đồng với trung tâm về việc xịt thuốc chống muỗi trong các lớp học. Ngoài ra, ông cũng hứa sẽ làm việc lại với người phụ trách cơ sở vật chất để không tái diễn việc hun mọt trong khi học sinh đang học và chấm dứt tình trạng lớp học bị hun khói.
Đặc biệt, tại buổi đối thoại Kiều Trang (học sinh lớp 10C13) đặt câu hỏi: Khi gặp giáo viên, chúng em đều phải chào hỏi. Nói chuyện thì phải dạ, thưa kính cẩn. Vậy học sinh có cần được tôn trọng lại. Và biểu hiện của việc tôn trọng ấy như thế nào?
Nhà trường trả lời các câu hỏi của học sinh Lam Ngọc
Ông Phú cũng trực tiếp trả lời câu hỏi này: Học sinh cũng cần được tôn trọng. Kể cả trong khi dạy học hay giao tiếp giữa thầy và trò thì tiêu chí tôn trọng luôn phải được đặt lên hàng đầu”. Muốn xây dựng một ngôi trường văn minh thì cần phải chỉn chu ngay trong từng lời nói, hành vi. Ông Phú kết lại câu trả lời bằng câu nói: “Tâm an vạn sự an. Tâm bình thế giới bình” trong tiếng vỗ tay rào rào của học trò.
Một học sinh thẳng thắn thừa nhận việc mình học tiếng Anh 8 năm nhưng khả năng giao tiếp rất kém. “Em mong muốn nhà trường có những điều chỉnh trong cách dạy, bổ sung nhiều phương pháp mới để học tiếng Anh hiệu quả hơn”. Trước câu hỏi này, trường đã tiếp nhận và đưa ra kế hoạch đẩy mạnh việc học tiếng Anh trong thời gian tới.

Một học sinh khác cũng tỏ ra băn khoăn khi phần thưởng mà các em nhận được cuối năm học vừa rồi là những cuốn tập trắng lại không sử dụng được vì dòng kẻ trên những trang giấy bị mờ. Chính vì thế làm cho phần thưởng chưa thật sự ý nghĩa và em cũng mong muốn việc khen thưởng đối với học sinh sẽ được quan tâm nhiều hơn nữa.
Tiếp nhận câu hỏi này bằng một lời cảm ơn, ông Phú nói rõ học sinh nào đang giữ những cuốn tập như thế có thể đến phòng tài vụ của trường để đổi lại. Ngoài ra, trường cũng sẽ làm việc với phía nhà in để không xảy ra những sai sót tương tự.
Tại buổi đối thoại nhiều vấn đề về thiếu thốn trang thiết bị tổ chức học tập, cơ sở vật chất xuống cấp yếu kém được học sinh đưa ra chất vấn công khai và đã nhận được lời giải thích cũng như kế hoạch khắc phục từ phía nhà trường. Dù bắt đầu có thể bằng những việc rất nhỏ nhưng không khí dân chủ tại trường học sẽ giúp học sinh cảm thấy mình đang được lắng nghe và tự tin hơn trong việc trao đổi và đối thoại với thầy cô khi gặp những vấn đề khác. Điều đáng mừng là những đề xuất của các em đều được trường ghi nhận.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.