Đưa bài hát 'Lạc trôi' vào đề, đề mở 'trôi' về đâu?

16/02/2017 13:26 GMT+7

Việc Trường THPT Chuyên Vĩnh Phúc đưa đoạn trích bài hát 'Lạc trôi' của Sơn Tùng M-TP vào đề môn ngữ văn một lần nữa lại dấy lên tranh luận, đề ra theo hướng mở đến đâu là vừa?

Mới đây, đề thi môn ngữ văn của Trường THPT Chuyên Vĩnh Phúc đưa một đoạn trích trong bài hát “Lạc trôi” của ca sĩ Sơn Tùng M-TP vào phần đọc hiểu, yêu cầu học sinh trả lời các câu hỏi liên quan đến phương thức biểu đạt, tìm từ Hán - Việt, tìm ra thông điệp của đoạn trích.
Khi đề thi được chụp và chia sẻ trên mạng xã hội, nhiều ý kiến bình luận rằng đề chỉ nhằm hút sự chú ý, đoạn trích không hay, không có tính giáo dục…
Một đại diện Sở Giáo dục - Đào tạo Vĩnh Phúc xác nhận với phóng viên Thanh Niên, đây là đề do giáo viên Trường THPT Chuyên Vĩnh Phúc ra để khảo sát chất lượng THPT quốc gia lần thứ 3 trong năm học này. “Hiện Sở Giáo dục - Đào tạo cũng đang lắng nghe ý kiến góp ý vì thực ra cũng có hai luồng dư luận khác nhau chứ không chỉ một chiều nên cũng chưa có động thái phê bình, nhắc nhở gì trường”, vị này cho biết.
Thời gian gần đây, không chỉ môn ngữ văn, đề kiểm tra của nhiều môn được cho là “gần gũi” với học sinh xuất hiện ngày càng nhiều. Bên cạnh nhiều đề bài vừa có tính giáo dục, khiến học sinh cảm thấy hứng thú, vừa kiểm tra được năng lực, sáng tạo của học sinh… thì còn không ít đề “mở” một cách vô tư, thiếu cân nhắc đến mục tiêu giáo dục.
Gần đây nhất, vào tháng 1.2017, Bộ Giáo dục - Đào tạo đã phải ra một văn bản chấn chỉnh tình trạng ra đề “bất cẩn” của các địa phương, các nhà trường.
Bộ Giáo dục - Đào tạo nhận định vẫn còn có hiện tượng ra đề kiểm tra thiếu tính chính xác, vượt quá yêu cầu của chương trình; hình thức tổ chức kiểm tra, đánh giá không phù hợp với mục đích và đối tượng học sinh làm ảnh hưởng không tốt đến động cơ và chất lượng dạy - học của giáo viên và học sinh; tạo ra áp lực không đáng có cho giáo viên và học sinh; gây băn khoăn, bức xúc trong xã hội.

tin liên quan

Không nên 'câu khách' qua đề thi
Biên soạn đề thi, kiểm tra là một vấn đề khoa học, không phải cứ đưa vào một vài sự kiện, hiện tượng đang gây 'sốt' là được đánh giá đề hay, gắn với thực tiễn cuộc sống.
“Mở” đến đâu là vừa?
Bà Trịnh Thị Thu Tuyết, giáo viên văn Trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội cho rằng: Nếu việc ra đề “mở” nhưng không được tinh lọc, được suy ngẫm cẩn trọng trước khi đưa vào thì có thể tạo được hứng thú cho một bộ phận nhỏ học trò nhưng lại không có giá trị nâng cao và bồi đắp những xúc cảm nhân văn, đạo đức, thẩm mĩ… tích cực cho học trò. Thậm chí nó tạo ra một hiệu ứng ngược…
Đồng quan điểm, bà Nguyễn Như Hương, giáo viên ngữ văn Trường THPT Tạ Quang Bửu, Hà Nội, cho rằng: Không thể phủ nhận có những đề mở đã giúp ra đời những bài văn chạm tới trái tim của người đọc nhưng cũng có không ít thầy cô giáo ra đề “hơi quá đà”, không rõ mục đích giáo dục là gì và việc đưa đoạn trích trong bài hát “Lạc trôi” vào là một ví dụ…
Trao đổi với phóng viên Thanh Niên, phó giáo sư Đỗ Ngọc Thống, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cũng từng nêu quan điểm: Cần khuyến khích những suy nghĩ sáng tạo, mới lạ nhưng dù mới mẻ, khác lạ, mở đến đâu vẫn phải đảm bảo tính chính xác, khoa học, thẩm mỹ và yêu cầu giáo dục tư tưởng cho thế hệ trẻ.
Ông Vũ Đình Chuẩn, Vụ trưởng vụ Giáo dục trung học, Bộ Giáo dục - Đào tạo cho biết: trong công văn gửi các Sở Giáo dục - Đào tạo chấn chỉnh việc ra đề, kiểm tra đánh giá, Bộ đã đề nghị tăng cường công tác chỉ đạo, quản lý hoạt động dạy học, kiểm tra đánh giá thường xuyên và học kỳ theo đúng các quy định của Bộ, đảm bảo tính chính xác, khoa học, phù hợp với đối tượng học sinh.
Cũng theo ông Chuẩn, Bộ yêu cầu các Sở Giáo dục rà soát, đánh giá toàn bộ hoạt động ra đề, tổ chức kiểm tra, đánh giá trong thời gian vừa qua và xử lý nghiêm khắc, dứt điểm những sai phạm (nếu có); nghiêm cấm việc ra đề và tổ chức kiểm tra, đánh giá sai quy định, vượt quá yêu cầu của chương trình…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.