Đưa đờn ca tài tử vào trường học

Giang Phương
Giang Phương
08/11/2018 08:03 GMT+7

Trường THPT Nguyễn Chí Thanh (xã Trường Tây, H.Hòa Thành, Tây Ninh) vừa đưa môn học đờn ca tài tử Nam bộ vào giảng dạy cho học sinh như là cách bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống đậm đà bản sắc dân tộc.

Bảo tồn văn hóa truyền thống
Sau khi lớp học hoạt động được vài tuần, tôi nhận thấy một tín hiệu vui là các em học sinh lại ê a, xướng âm những điệu lý tòng quân, lý con sáo...
Thầy Nguyễn Tấn Tài, Hiệu trưởng THPT Nguyễn Chí Thanh
Thầy Nguyễn Tấn Tài, Hiệu trưởng THPT Nguyễn Chí Thanh, cho biết đây là trường đầu tiên ở Tây Ninh đưa môn học này vào giảng dạy theo sự phối hợp của Sở VH-TT-DL và Sở GD-ĐT.
Có 30 học sinh của trường tham gia, được học 4 buổi lý thuyết và 30 buổi thực hành. Những tiết học cung cấp cho các em kiến thức cơ bản về các loại hình nghệ thuật đờn ca tài tử, các bản nhạc và bài hát vọng cổ. Thầy Tài bộc bạch: “Mục đích lớn nhất của môn học là nhằm bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống đậm đà bản sắc dân tộc. Không chỉ vậy, nó càng có ý nghĩa hơn khi loại hình nghệ thuật này đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại”.
Ý tưởng đưa loại hình nghệ thuật này vào môi trường giáo dục được các nghệ sĩ sân khấu ở Tây Ninh nhiệt tình hưởng ứng. Các nghệ sĩ, nghệ nhân tên tuổi như Nghệ sĩ ưu tú Huỳnh Hữu Trí, Đỗ Thị Anh Thư, các nghệ nhân Phan Thanh Trí, Đỗ Thanh Phương, Đỗ Thị Mỹ Lệ, Huỳnh Hữu Trung và bà Trương Thị Hồng Hạnh, Phó trưởng phòng Quản lý di sản văn hóa - Sở VH-TT-DL Tây Ninh... cùng tham gia giảng dạy.
Biết yêu đất nước, yêu quê hương
Cô Đoàn Thị Anh Thư, giảng viên lớp đờn ca tài tử Nam bộ, cho biết rất lo lắng khi nhận lớp bởi không biết các em đón nhận ra sao, vì lứa tuổi các em bị ảnh hưởng bởi dòng nhạc trẻ sôi động. Đến khi lớp học được vận hành với nhiều tín hiệu khả quan, thầy cô mới nhẹ nhõm. Thầy Tài hồ hởi nói: “Sau khi lớp học hoạt động được vài tuần, tôi nhận thấy một tín hiệu vui là các em học sinh lại ê a, xướng âm những điệu lý tòng quân, lý con sáo... Tôi cho rằng đây là một trong những hoạt động ngoài giờ rất bổ ích, cần nhân rộng trong trường THPT. Để từ đó, các em biết yêu thương, thích những làn điệu dân ca quê hương, yêu đất nước yêu quê hương mình, đồng thời góp phần bảo tồn và phát huy giá trị của nghệ thuật đờn ca tài tử”.
Môn học chỉ với 30 tiết dạy để học sinh tìm hiểu và làm quen với 20 bài bản tổ trong âm nhạc tài tử. Cô Anh Thư cho biết: “Yêu cầu này khá khó nhưng để thu hút các em, ngoài dạy nhạc căn bản, giáo viên không quên lồng ghép những bài bản vắn, dễ để các em làm quen, chuẩn bị tâm lý để học bài nâng cao phức tạp”. Cũng theo cô Thư, biết được cái khó để đưa loại hình nghệ thuật đờn ca tài tử vào môi trường học đường cho các em tiếp nhận nên trong quá trình giảng dạy, các nghệ nhân thường truyền đạt với kết cấu gần gũi, dễ hiểu. Bằng cách dạy riêng với những câu hỏi - đáp tương tác nên những tiết học luôn hấp dẫn. Những tiếng ê a rụt rè ban đầu của các em dần trở nên có vần có điệu và rõ ràng hơn, tự tin hơn.
Tô Quốc Bảo (lớp 10A7) cho biết sau khi được tham gia lớp học em đã có tình cảm đặc biệt với môn học này. “Càng tiếp cận thì em mới biết trong đờn ca tài tử có nhiều tên gọi về những điệu lý, riêng nhạc cụ dân tộc thì rất đa dạng và có từ rất lâu đời ở Nam bộ”, Bảo chia sẻ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.