Gần 200 giáo viên tiếng Anh giỏi có nguy cơ rời bục giảng?

25/08/2016 07:40 GMT+7

Gần 200 giáo viên tiếng Anh tại Thừa Thiên-Huế trước đó đã qua đợt khảo sát và được xác nhận là đạt và vượt chuẩn theo quy định, hiện đang dở khóc dở cười vì chưa có chứng chỉ

Theo phản ánh của nhóm giáo viên tiếng Anh tại TP.Huế, trước đó, vào ngày 14.11.2010 (đợt 1) và ngày 12.6.2011 (đợt 2), Sở GD-ĐT Thừa Thiên-Huế đã tổ chức kỳ thi khảo sát năng lực giáo viên tiếng Anh theo khung chuẩn châu Âu. Có hơn 1.200 giáo viên các bậc học trong toàn tỉnh đã tham gia đợt khảo sát. Kết quả có 15% giáo viên (khoảng gần 200 người) được xác nhận đã đạt và vượt các chuẩn B2 (đối với bậc THCS), C1 (đối với bậc THPT).

Ông Phạm Văn Hùng, Giám đốc Sở GD-ĐT Thừa Thiên- Huế, đối thoại với giáo viên tại buổi khai giảng lớp học ngày 18.8, tại trường Quốc học Huế - Ảnh: Trần Thị Ngọc Bích

Khóc ròng vì... giỏi

Từ đó đến nay, Sở GD-Đ TThừa Thiên-Huế đã tổ chức bồi dưỡng chuẩn hóa năng lực cho tất cả 85% giáo viên dưới mức yêu cầu, còn những giáo viên “top trên” này được Sở GD-ĐT sử dụng làm nòng cốt để triển khai đề án “Nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ tại tỉnh Thừa Thiên-Huế, giai đoạn 2010-2015”, được điều động tham gia các lớp bồi dưỡng phương pháp giảng dạy và năng lực ngôn ngữ… mà không hề cho biết họ chưa đạt chuẩn.

Mới đây, ngày 3.8, Sở GD-ĐT Thừa Thiên-Huế đã có công văn gửi các huyện, thị xã và TP.Huế, Phòng GD-ĐT các địa phương về việc tổ chức ôn tập, thi và cấp chứng chỉ cho giáo viên tiếng Anh thuộc nhóm 15% giáo viên của “top trên” này. Khóa học đã khai giảng ngày 18.8, tại Trường Quốc học Huế, tuy nhiên vấp phải sự phản đối của các giáo viên.

tin liên quan

Dạy và học tiếng Anh bị lỗi ở đâu?
Kỳ thi THPT quốc gia năm nay có hơn 90% thí sinh đạt điểm tiếng Anh dưới 5 (điểm thi trung bình là 3,48 và nhiều thí sinh đạt 2,4 điểm nhất). Còn năm 2015 cũng có hơn 80% thí sinh đạt điểm tiếng Anh dưới 5.

Các giáo viên này thắc mắc, tại sao họ đã được tổ chức thi khảo sát và được xác nhận đã đạt và vượt chuẩn từ năm 2011 mà Sở GD-ĐT lại không cấp chứng chỉ để đến nay họ bị bắt phải đi học lại để thi lấy chứng chỉ là điều hết sức vô lý. Bên cạnh đó, việc điều động họ đi học để thi trong đợt này của Sở GD-ĐT diễn ra quá đột ngột, với thời gian học quá ngắn, chỉ 48 tiết học (từ 18.8 đến 30.10.2016) và đơn vị đào tạo được chỉ định là Trung tâm Anh ngữ Quốc tế EUC (Cambridge - VN503) thì rất khó có thể vượt qua kỳ thi để lấy các chứng chỉ theo chuẩn. 

Trong khi đó, kinh phí bồi dưỡng và thi chỉ được Sở GD-ĐT chi trả một lần, nếu không vượt qua kỳ thi, cá nhân phải tự nộp tiền học để thi lại rất tốn kém.

Thêm nữa, trong khi các khóa bồi dưỡng nâng chuẩn trước đó, Sở GD-ĐT có phối hợp với Trường đại học Ngoại ngữ Huế, nhưng lần này Sở GD-ĐT không cho giáo viên lựa chọn mà chỉ định phải học với Trung tâm Anh ngữ Quốc tế EUC (Cambridge - VN503) để lấy chứng chỉ.

Theo quy định của Bộ GD-ĐT, tại công văn 3330 (ngày 7.7.2016), đối với những giáo viên ngoại ngữ sau nhiều lần bồi dưỡng mà vẫn không đạt các chứng chỉ nêu trên, Sở GD-ĐT các địa phương phải tham mưu cho chính quyền địa phương điều chuyển sang làm công tác khác đồng thời thực hiện chính sách tinh giản biên chế theo quy định của Chính phủ.

Vì vậy, nếu sau khóa học ngắn hạn này, các giáo viên không vượt qua kỳ thi để lấy chứng chỉ thì rất có phải đối mặt với nguy cơ sẽ được điều chuyển hoặc tinh giản biên chế theo yêu cầu của Bộ GD-ĐT.

tin liên quan

Điểm trung bình môn tiếng Anh thấp nhất
Ngày 19.7, hàng loạt cụm thi đã công bố điểm. Đại diện các cụm thi ĐH đều nhận định điểm thi của thí sinh năm nay thấp hơn năm ngoái. Đặc biệt, ở tất cả các cụm thi, môn tiếng Anh có điểm trung bình thấp nhất.

Vì được chọn làm "nòng cốt"

Giải thích về những bất cập này, ông Phạm Văn Hùng, Giám đốc Sở GD-ĐT Thừa Thiên- Huế, cho rằng: “Thực tế đợt khảo sát của năm 2011, Sở GD-ĐT phối hợp với Hội đồng Anh (một tổ chức tư vấn chứ không phải tổ chức đào tạo của Anh) tổ chức, không phải là kỳ thi mà chỉ khảo sát, rà soát, phân loại trình độ, mức độ kỹ năng… để làm cơ sở xây dựng kế hoạch bồi dưỡng chuẩn hóa đội ngũ, chứ không phải là kỳ thi nên không thể cấp chứng chỉ đạt chuẩn cho số giáo viên nói trên”.

Còn việc vì sao các khóa trước, Sở GD- ĐT có phối hợp với Trường đại học Ngoại ngữ Huế, để tổ chức bồi dưỡng và thi lấy chứng chỉ nhưng nay lại chọn Trung tâm đào tạo Anh ngữ Quốc tế EUC (Cambridge), ông Hùng cho biết, thực hiện công văn số 3330 ngày 7.7.20126 của Bộ GD-ĐT và kết luận của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ, tại công văn 109/TB- BGDĐT ngày 14.6.2016, yêu cầu khung năng lực giáo viên tiếng Anh VN (ETCF) phải “theo hướng tiếp cận chuẩn năng lực giáo viên ngoại ngữ quốc tế”, nên Sở GD-ĐT chọn đối tác là Trung tâm đào tạo Anh ngữ Quốc tế EUC (Cambridge). "Việc lựa chọn đối tác này là với mong muốn giáo viên tiệm cận với các văn bằng có giá trị quốc tế nhằm xây dựng đội ngũ giáo viên thực sự có trình độ theo chuẩn quốc tế để làm “nòng cốt” nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh tại Thừa Thiên-Huế"- ông Hùng nói.


Theo các kết luận số 826/TB-BGDĐT ngày 5.8.2011; số 896/TB-BGDĐT ngày 24.8.2011 và số 42/TB-BGDĐT ngày 11.1.2013  của Bộ GD-ĐT thì trường ĐH Ngoại ngữ Huế là 1 trong 10 cơ sở đào tạo đủ điều kiện để bồi dưỡng và cấp các chứng chỉ ngoại ngữ theo chuẩn VN.

Việc Sở GD-ĐT trước đó cho các giáo viên thuộc nhóm 85% dưới chuẩn được học và lấy chứng chỉ tại Trường đại học Ngoại ngữ Huế, trong khi với 15% thuộc nhóm “top trên” chỉ định phải học với Trung tâm Anh ngữ Quốc tế EUC (Cambridge- VN503) vì lý do “làm nòng cốt” cho chất lượng giáo dục của địa phương là chưa công bằng...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.