Hãy học theo cách của bạn

02/10/2012 03:05 GMT+7

Bước vào môi trường ĐH, trong khi nhiều sinh viên (SV) còn hoang mang, lạ lẫm chưa tìm ra được phương pháp học tập phù hợp thì nhiều SV đã sở hữu những cách học cực “độc” mà vẫn hiệu quả.

Đang ngon giấc… thức dậy học bài

Bạn bè chung phòng ký túc xá với Phạm Văn Bằng, Khoa Công tác xã hội Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM (đồng thời học ngành luật hành chính Trường ĐH Luật TP.HCM) rất lạ lùng khi đêm nào cũng vậy, cứ đến 3 giờ 30 là Bằng lại mò dậy học bài. Đúng vào thời khắc mà ai cũng đang say giấc nồng thì Bằng lại cảm thấy khoảng thời gian này yên tĩnh tuyệt đối và thích hợp nhất để thu nạp kiến thức. “Ngay từ đầu em đã nghĩ đến việc xây dựng một thời gian biểu phù hợp với tính cách và khả năng thích ứng của cơ thể. Buổi tối khoảng 1 giờ là em đi ngủ, đến 3 giờ 30 thức dậy học. Vì lúc này không gian rất tĩnh lặng nên học rất tập trung, không hề bị phân tán”. Bằng cho biết, học đến khoảng 5 giờ 30 thì đi ngủ lại, chỉ nửa tiếng sau là thức dậy để bắt đầu một ngày mới. Thời gian biểu này đã giúp Bằng giải quyết ngon ơ những bài thi học kỳ trong suốt thời gian mà cậu học cùng lúc 2 trường ĐH.

 Mỗi SV cần chọn cho mình một phương pháp học phù hợp với sở thích, khả năng
Mỗi SV cần chọn cho mình một phương pháp học phù hợp với sở thích, khả năng - Ảnh: M.Q

Trong khi đó, Trần Trọng Lợi, SV năm cuối Khoa Sử Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM lại có một phương pháp “khó đỡ”. Đó là trong lúc ôn bài, Lợi phải làm đủ trò để mình và bạn bè cười lăn lộn thì học mới vô. “Đó là cách mà bạn ấy cảm thấy đầu óc được thoải mái, thư giãn nhất để có thể học nhanh, nhớ tốt” - Vũ Xuân Hiển, bạn cùng phòng với Lợi kể lại.

Hiển cho rằng, không phải thấy cách học của bạn bè hay thì áp dụng máy móc cho mình, mà mỗi người cần lựa chọn cho mình một phương pháp học phù hợp với sở thích, khả năng, sức khỏe, điều kiện sống… Tuy nhiên, chung quy lại thì cách nào khiến đầu óc thảnh thơi, thư giãn đều giúp bạn tiếp thu bài tốt hơn. “Khi chơi thì chơi hết mình, khi học cũng học hết sức chứ không phải lúc nào cũng chỉ vùi đầu vào học. Chủ động, sáng tạo dù bạn đang học hay đang chơi. Đó mới là phong cách của SV thời hiện đại” - Hiển nói.

Học nhóm qua mạng

Nhóm bạn gồm 11 SV ngành tài chính ngân hàng Trường ĐH Mở TP.HCM lại nổi tiếng nhờ một phương pháp học rất đơn giản và phù hợp với hầu hết SV nhưng không mấy ai nghĩ ra. Đó là học nhóm qua mạng. Chỉ cần chiếc máy tính nối mạng thì dù người ở trung tâm thành phố, người ở Q.Thủ Đức hay Q.12 cũng có thể trao đổi bài vở, tháo gỡ những vướng mắc một cách ngon lành. Phạm Quốc Hùng, thành viên nhóm chia sẻ: “Đầu tiên là phải có được những người bạn cùng chí hướng, cùng mong muốn tiến bộ trong học tập. Nhóm của tụi mình chơi với nhau và có một quy ước là không ai được có điểm dưới trung bình. Lúc đầu mỗi tuần tụi mình có 3 buổi học nhóm trên mạng từ 20 giờ 30 - 21 giờ 30. Trước khi diễn ra buổi học này, mỗi người đều phải hoàn thành hết bài vở của mình. Một giờ đồng hồ đó là để trao đổi về những điều bạn nào chưa nắm rõ, còn lấn cấn và ai có thế mạnh về môn học nào thì sẻ chia, ai yếu hơn sẽ có động lực để cố gắng”. Hùng cho biết thêm, sau những giờ học online đó, cả nhóm cũng có những buổi offline đi ăn uống, hát hò, picnic để đầu óc vui vẻ, thoải mái.

Nhờ “chiêu” này mà nhóm của Hùng trong suốt mấy năm đầu không có ai phải thi lại và cũng không ai đạt điểm dưới trung bình. Lê Hoàng Bảo Ngọc, nhóm trưởng, có điểm tổng kết hơn 8, Hùng được 7,85… Cũng nhờ sự đoàn kết, tiến bộ mà phương pháp học của nhóm Hùng đã đoạt giải nhất cuộc thi Sáng tạo phương pháp học ĐH hiệu quả năm 2011 do Nhà văn hóa Sinh viên TP.HCM tổ chức.

“Hãy bắt đầu ngay từ bây giờ, khi bước chân vào năm nhất. Mỗi bạn cần phải tự tìm tòi, sáng tạo trong cách học, cho dù cách đó không giống ai nhưng quan trọng là phù hợp với mình, giúp mình hứng thú hơn. Hãy luôn để đầu óc thư giãn, thoải mái để sẵn sàng cho bài vở, hãy biết tận dụng internet để tìm kiếm tư liệu. Nếu như năm nhất bạn có kết quả học tập tốt thì đó sẽ là bàn đạp để bạn có được sự thành công cho những năm tiếp theo. Ngược lại, năm nhất mà lẹt đẹt, thì bạn sẽ rất khó để đi tiếp” - Hùng đưa ra lời khuyên chân thành.

Mỹ Quyên

>> Làm quen với cách học đại học
>> Chia sẻ kinh nghiệm về cách học đại học
>> Kinh nghiệm học đại học
>> Chi phí của một sinh viên học đại học
>> Hội thảo du học: Đại học công lập Curtin Úc tại Singapore
>> Cơ hội học đại học rộng mở tại ĐH Bách khoa TP.HCM
>> Làm thuê học đại học
>> “Ốc tiêu” học đại học
>> Học đại học để... thi lại
>> Nướng cá để học đại học
>> Học đại học tại Nhật
>> Gần 4.000 sinh viên VN đang học đại học ở Hoa Kỳ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.