Hiệu trưởng được tuyển dụng giáo viên?: Cần quy chế thành lập hội đồng tuyển dụng

19/09/2017 10:49 GMT+7

Bài Hiệu trưởng được tuyển dụng giáo viên? đăng trên Báo Thanh Niên ngày 18.9 tiếp tục nhận được nhiều ý kiến đóng góp của nhiều chuyên gia.

Thạc sĩ Hồ Sỹ Anh (Viện Nghiên cứu giáo dục, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) cho rằng xét về mặt cơ bản thì việc tuyển dụng GV hiện nay cũng dựa trên cơ sở từ các trường. Việc giao hẳn quyền tuyển dụng cho hiệu trưởng chỉ là nhấn thêm một bước. Tức là quy về một mối. Vậy để việc chuyển giao này đạt hiệu quả thì các cơ quan liên quan phải ban hành quy chế thành lập hội đồng tuyển dụng, xác định thành viên tham gia hội đồng. Để khách quan thì hội đồng tuyển dụng nên có những chuyên gia ngoài trường để đánh giá. Đặc biệt, cần có sự giám sát chặt chẽ từ các cơ quan liên quan và đưa ra chế tài phù hợp đối với người được giao quyền nhưng không hoàn thành nhiệm vụ hoặc cố ý làm trái.
Ông Hà Hữu Thạch (Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn, Q.3) cho biết: “Việc trao quyền tuyển dụng GV cho hiệu trưởng nếu muốn khả thi thì nên làm thí điểm ở một số trường có đầy đủ các năng lực thực hiện chứ không nên thực hiện đồng loạt ngay. Đồng thời Sở Nội vụ, phòng tổ chức cán bộ phải có những hướng dẫn cụ thể, xuyên suốt quá trình thực hiện. Mặt khác, phải đặt ra những yêu cầu tối thiểu cho hiệu trưởng khi trao quyền như quy định cụ thể về uy tín, cái tâm với nghề, có sự quyết đoán chính xác… Ngoài ra, hiệu trưởng cũng phải đưa ra được kế hoạch chiến lược phát triển trường chứ không đơn thuần chỉ là giao quyền. Để tránh việc hiệu trưởng lạm quyền, đưa tình cảm cá nhân vào trong quá trình tuyển dụng thì cần có sự giám sát chặt chẽ từ cơ quan lãnh đạo cấp trên để kịp thời có những điều chỉnh, xử lý”.
Cùng với ý kiến của các chuyên gia giáo dục, Thanh Niên Online cũng nhận được nhiều phản hồi từ bài viết Hiệu trưởng được tuyển dụng giáo viên? của bạn đọc.
Bạn đọc Trần Bá Hoành phản hồi: Giao quyền tuyển dụng giáo viên cho hiệu trưởng trường phổ thông là một xu hướng đúng. Việc này sẽ phát huy rất tích cực nếu việc tuyển dụng và bãi nhiệm giáo viên của hiệu trưởng rõ ràng, minh bạch, "tâm phục khẩu phục". Nếu hiệu trưởng làm không tốt thì sẽ gây ra hậu quả rất tai hại, nghiêm trọng rất lớn so với thực hiện cơ chế tuyển dụng như hiện nay. Vì vậy, phải tăng cường giám sát cộng đồng, giám sát của xã hội, của những người đã, đang và sẽ được tuyển dụng; phải bồi dưỡng và bổ nhiệm lại những người có năng lực, đức tài làm hiệu trưởng; phải xử lý thật nghiêm những hiệu trưởng lợi dụng chức vụ để vụ lợi trong việc tuyển dụng và bãi nhiệm giáo viên. Với trình độ dân trí cao và sự phát triển của giáo dục ở TP.HCM, chúng tôi tin rằng TP.HCM sẽ làm tốt (nhưng không phải là không có khó khăn, vấp váp ban đầu) để cả nước học tập!
Bạn đọc Nguyễn Chí Công nói: Đúng cứ giao quyền cho hiệu trưởng chọn giáo viên là hợp lý, còn cấp trên giao xuống giáo viên đủ thứ chuyện xảy ra. Hiệu trưởng gần gũi giáo viên ở trường nhiều hơn, biết trường thiếu giáo viên môn nào và cần bổ sung giáo viên nào, cứ để hiệu trưởng tuyển dụng nếu có tiêu cực hay tuyển dụng không đúng thì cách chức hiệu trưởng hay kỷ luật ông hiệu trưởng đó là rất hợp lý...
"Hiện nay có nhiều dư luận không tốt về hiệu trưởng, có cả nguyên nhân giáo viên được trên tuyển dụng chuyển xuống, một số người chây ì nhưng hiệu trưởng không làm gì được. Việc giao quyền cho hiệu trưởng được tuyển dụng như các nước vẫn làm là rất cần thiết, đồng thời phải có quy trình tuyển dụng chặt chẽ như thông báo rộng rãi để nhiều ứng viên cùng dự tuyển, hết thời gian thử việc phải có ý kiến đánh giá của tổ chuyên môn, hội đồng sư phạm nhà trường trước khi hiệu trưởng ký tuyển dụng, chắc chắn chất lượng giáo viên sẽ nâng cao và hiệu trưởng không thể lạm quyền", bạn đọc Trần Tiến Cường chia sẻ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.