Học sinh lớp 1 học 2 buổi/ngày từ năm 2018: Khó thực hiện ngay ở thành phố lớn

Khó khăn, đó là khẳng định của phần lớn lãnh đạo ngành giáo dục ở 2 thành phố lớn Hà Nội và TP.HCM về đề xuất triển khai đại trà chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đối với lớp 1 từ năm học 2018 - 2019.

Sĩ số quá đông
Theo dự thảo chương trình giáo dục phổ thông mới, cấp tiểu học được thiết kế để dạy học 2 buổi/ngày. Thống kê của Bộ GD-ĐT đến thời điểm hiện nay, cả nước có gần 62,45% học sinh (HS) tiểu học được học 2 buổi/ngày. Như vậy, để triển khai chương trình mới sẽ phải đảm bảo đủ cơ sở vật chất, trường lớp cho gần 40% HS còn lại.
Tại Hà Nội, ông Phạm Xuân Tiến, Phó giám đốc Sở GD-ĐT cho biết thành phố hiện có khoảng 95% trường tiểu học tổ chức dạy 2 buổi/ngày. Do vậy, đến năm học 2018 - 2019 nếu thực hiện chương trình mới ở lớp 1 sẽ ưu tiên tối đa để khối lớp 1 được học 2 buổi/ngày. Tuy nhiên vẫn có những trường hợp bất khả kháng, khoảng 10 trường chỉ học được 1 buổi/ngày. Trong đó, một số trường tiểu học hiện nay vẫn chung cơ sở vật chất với trường THCS thì không thể dạy cả ngày tại trường, nếu không kịp tách cấp thì phải tính đến phương án thuê cơ sở bên ngoài để dạy buổi 2 cho HS.

tin liên quan

Vì sao lớp 1 đại trà, lớp 6 và 10 lại thí điểm?
Như Thanh Niên đã đưa tin, kiến nghị mới nhất từ Ban Soạn thảo chương trình giáo dục phổ thông mới là chỉ triển khai đại trà ở lớp 1 và thí điểm đối với lớp 6, lớp 10 từ năm học 2018 - 2019. 

Một khó khăn nữa của Hà Nội là sĩ số HS/lớp. Điều lệ trường tiểu học quy định sĩ số không quá 35 HS/lớp nhưng sĩ số trung bình của Hà Nội lên đến 50 - 60 HS/lớp, nhất là ở nhiều trường khu vực nội thành. Theo công bố kế hoạch tuyển sinh đầu cấp của các quận huyện năm học 2016 - 2017, để tuyển hết số HS có hộ khẩu đúng tuyến trên địa bàn, nhiều lớp 1 phải có đến 50 - 60 HS.
Ví dụ ở Q.Cầu Giấy, sĩ số trung bình của toàn quận lên tới 55,33 HS/lớp. Trong đó, Trường tiểu học Dịch Vọng A có sĩ số ít nhất là 60 HS/lớp. Các trường tại Q.Hoàng Mai trung bình có khoảng 48 HS/lớp, Q.Đống Đa có những trường như Kim Liên, Nam Thành Công lên tới 60 HS/lớp, Q.Tây Hồ sĩ số trung bình là 45 - 46 HS/lớp…
Giáo viên (GV) một trường ở Q.Đống Đa nhận xét: “Với sĩ số quá đông như vậy thì những điều rất tốt đẹp mà chương trình mới nhắm tới như quan tâm phát triển năng lực của từng HS sẽ không thể thực hiện được”. Cũng theo GV này, việc tổ chức các hoạt động trải nghiệm, sáng tạo cũng rất khó, GV chỉ đứng lớp giảng bài, HS ngồi nguyên một chỗ cũng đã rất vất vả, chưa nói đến tổ chức các hoạt động rồi lại phải bao quát từng đối tượng HS.

Giáo viên đóng vai trò quan trọng
Bà Nguyễn Thanh Thủy, Hiệu trưởng Trường tiểu học Cát Linh (Hà Nội), cho biết: “Tôi rất lo là năm 2018 đã bắt đầu áp dụng thì công tác bồi dưỡng GV ra sao? Chương trình bồi dưỡng GV phải thiết thực, nếu chỉ làm trong một thời gian nhất định thì sẽ không hiệu quả mà phải làm thường xuyên và lâu dài”.
Bà Lê Thị Thu Hường, Hiệu trưởng Trường tiểu học khu đô thị Sài Đồng, Hà Nội, cũng cho rằng cần phải tạo động lực và tác động vào nhận thức của GV. Họ phải thấy đổi mới là tất yếu và cần thiết cho HS, là đòi hỏi tất yếu nếu còn tiếp tục làm nghề.
“Trước mắt, việc bồi dưỡng GV để thực hiện chương trình lớp 1 không thể làm đồng loạt mà cần phân theo đối tượng và nhu cầu để có các chuyên đề bồi dưỡng khác nhau”, ông Lê Hồng Vũ đề xuất.
Khó từ cơ sở vật chất đến đội ngũ giáo viên
Còn tại TP.HCM, theo phân tích của ông Tạ Tân, Trưởng phòng Giáo dục Q.Tân Phú, thiết kế chương trình học 2 buổi/ngày như dự thảo thì chỉ có vài quận, huyện không bị áp lực về trường lớp, dân nhập cư mới thực hiện được. Còn như Q.Tân Phú, thời điểm này mới chỉ có 23% trên tổng số HS được học 2 buổi/ngày, nên nếu không thiết kế chương trình dành cho HS học 1 buổi thì khó khăn không kể hết được.
Tương tự, ông Nguyễn Trí Dũng, Trưởng phòng Giáo dục H.Bình Chánh, cho rằng nếu triển khai chương trình thì khó từ cơ sở vật chất đến đội ngũ GV. Hiện có khoảng 40% HS H.Bình Chánh học 2 buổi/ngày, mỗi năm tuyển chỉ được 50% chỉ tiêu GV. “Bình thường đã khó khăn về đảm bảo chỗ học cho HS, sắp tới nếu triển khai thì không biết kết quả ra sao. Thiếu GV thì còn có hướng mở là xin thành phố phương án tuyển nhân sự có tạm trú KT3, chứ khó khăn về trường lớp thì vô cùng nan giải”, ông Dũng lo lắng.
Còn ông Ngô Văn Tuyên, Trưởng phòng Giáo dục Q.Bình Tân, nói rằng khó khăn trước mắt là việc học 2 buổi/ngày. “Khó khăn dữ lắm vì tỷ lệ này của quận mới chỉ đạt 37%”, ông Tuyên nói.
Lãnh đạo một phòng giáo dục ưu tư: “Nếu thực hiện theo kiểu chữa cháy, năm học 2018 - 2019 để đảm bảo 100% HS lớp 1 học 2 buổi/ngày thì có khi chúng tôi phải giảm tỷ lệ này ở các khối lớp còn lại. Nhưng sau đó phải cuốn chiếu thì kết quả không biết ra sao, dồn HS thì còn gì là chất lượng?”.
Ông Trịnh Vĩnh Thanh, Phó phòng Giáo dục Q.Gò Vấp, cũng lo ngại: “Nếu dạy 2 buổi/ngày thì Q.Gò Vấp cũng mới chỉ đáp ứng được gần 60% số HS, vậy áp dụng chương trình thế nào đây?”.
Một lãnh đạo của Sở GD-ĐT cho biết TP.HCM có 73% HS tiểu học được học 2 buổi/ngày. Một số quận, huyện có thể tổ chức được 100% HS học với thời lượng như chương trình mới thiết kế, chẳng hạn Q.6, Q.10, H.Nhà Bè, Cần Giờ… Nhưng một số nơi, HS vừa phải học 1 buổi mà sĩ số có khi vẫn vượt chuẩn vì áp lực dân số quá lớn. “Nếu không thiết kế chương trình riêng cho trường học 1 buổi thì mỗi năm cuốn chiếu một lớp cũng khó khả thi”, vị này nói.
Cần thiết kế chương trình theo hướng giảm kiến thức khó
Theo ông Phạm Xuân Tiến, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, hầu hết các môn học trong dự thảo đều được phát triển trên cơ sở những môn đã có trong chương trình hiện hành. Ví dụ, từ lớp 1 đến lớp 3 có môn Cuộc sống quanh ta, được xây dựng trên cơ sở môn Tự nhiên và xã hội trong chương trình hiện hành, môn Giáo dục lối sống thay cho môn Đạo đức, Thế giới công nghệ là tích hợp từ môn Kỹ thuật, Thủ công... Điều quan trọng là chương trình từng môn học cần được thiết kế theo hướng giảm bớt những kiến thức khó, điều chỉnh theo hướng giảm tải và gần gũi với HS.
Đồng quan điểm, ông Lê Hồng Vũ, Trưởng phòng GD-ĐT Q.Tây Hồ (Hà Nội), cho rằng theo dự thảo, chương trình tiểu học mới kế thừa nhiều chương trình hiện hành, nhất là với lớp 1. Do vậy, về nội dung ở lớp 1 không có thay đổi lớn cần phải thí điểm hay quá nhiều thời gian chuẩn bị. Ông Vũ phân tích thêm: “Mấy năm gần đây, tiểu học cũng là cấp tiên phong trong áp dụng thực hiện các phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá mới. Sẽ phù hợp hơn khi đổi mới theo hướng tiếp cận năng lực người học”.
Tuyết Mai

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.