Hơn 100 giáo viên dạy hợp đồng ở Quảng Nam có nguy cơ mất việc

04/05/2017 10:01 GMT+7

Sau kỳ thi xét tuyển công chức, hơn 100 giáo viên đang dạy hợp đồng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đang hết sức hoang mang, lo lắng khi đứng trước nguy cơ mất việc. Trong đó, có người đã gần 20 năm cống hiến cho ngành giáo dục.

Ngày 3.5, nhiều giáo viên đang giảng dạy theo hình thức hợp đồng tiết học ở các trường THPT trên địa bàn tỉnh Quảng Nam phản ánh: mặc dù đã có thời gian công tác lâu năm tại các trường THPT mà mình được ký hợp đồng nhưng họ vẫn có nguy cơ mất việc.

Nhiều thầy cô cầm đơn kiến nghị đến Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Nam phản ánh MẠNH CƯỜNG

Theo nội dung phản ánh, nhằm bổ sung nhân sự biên chế cho các trường THPT và Phổ thông Dân tộc nội trú (PTDTNT), ngày 25.3.2016, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Quảng Nam có văn bản gửi UBND tỉnh Quảng Nam, báo cáo trường hợp của 110 giáo viên giảng dạy tại các trường theo hình thức hợp đồng trên 36 tháng (được trả lương theo tiết dạy) có cơ hội được xét tuyển “đặc cách” vào biên chế.

Đến ngày 27.9.2016, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam ông Đinh Văn Thu đã có văn bản đồng ý cho Sở GD-ĐT tổ chức thi tuyển viên chức ngành giáo dục trên địa bàn bằng hình thức “xét tuyển cạnh tranh” (theo quy định của Chính phủ).

Trước đó, ngày 22 - 26.2.2017, tỉnh Quảng Nam tổ chức thi xét tuyển viên chức giáo dục bao gồm giáo viên THPT, mầm non, tiểu học, THCS và viên chức khác. Có 2 hình thức tuyển dụng là tổ chức thi tuyển đối với giáo viên mầm non, tiểu học, THCS và viên chức khác; và xét tuyển cạnh tranh đối với giáo viên THPT nhằm bổ sung đội ngũ còn thiếu của các trường THPT công lập.

Nội dung xét tuyển gồm xét kết quả học tập (điểm học tập và điểm tốt nghiệp) và kiểm tra sát hạch theo hình thức phỏng vấn năng lực, kiến thức chuyên môn nghiệp vụ theo vị trí dự tuyển.

Trong đó, điểm học tập là trung bình cộng các môn trong suốt quá trình học tập và quy đổi thang điểm 100 và tính hệ số 1; điểm tốt nghiệp là trung bình cộng các môn thi tốt nghiệp và bảo vệ luận văn tốt nghiệp, được quy đổi thang điểm 100, tính hệ số 1.


Riêng người học theo hệ thống tín chỉ thì điểm học tập đồng thời là điểm tốt nghiệp được quy đổi thang điểm 100, tính hệ số 2. Điểm kiểm tra, sát hạch được tính thang điểm 100 và hệ số 2.

Đối với người có thời gian giảng dạy từ 36 tháng trở lên (tính đến thời điểm 30.11.2015) tại các trường THPT, PTDTNT công lập trên địa bàn tỉnh, được ưu tiên xét tuyển trong trường hợp kết quả bằng nhau.

Qua tìm hiểu được biết, phần lớn giáo viên đã có nhiều năm cống hiến cho sự nghiệp giáo dục của tỉnh nhà. Sau kỳ thi xét tuyển, hơn 100 giáo viên phải đứng trước nguy cơ mất việc, điều này đã gây tâm lý hoang mang lo lắng cho các giáo viên.

Bên cạnh đó, có những giáo viên đã có thâm niên đứng trên bục giảng gần 20 năm. Nhiều giáo viên đã có tuổi nên vấn đề tìm việc khác đối với họ là rất khó.

Một số giáo viên cho biết trước khi kỳ thi xét tuyển xảy ra, Sở GD-ĐT đã có buổi họp với các giáo viên và hứa sẽ tạo điều kiện, ưu tiên cho các giáo viên có hợp đồng 36 tháng giảng dạy trở lên nhưng đến khi xét tuyển lại không có động tĩnh gì.

tin liên quan

Hàng loạt sai phạm nhưng chỉ 'kiểm điểm nghiêm túc'
UBND tỉnh Quảng Bình đã kết luận hàng loạt sai phạm tại huyện miền núi Minh Hóa khi UBND huyện này điều chuyển 145 cán bộ, giáo viên (GV) hồi năm 2016, nhưng chỉ yêu cầu 'kiểm điểm nghiêm túc' các cá nhân liên quan.

“Tuổi trẻ của chúng tôi đã hi sinh cho nghề. Chúng tôi yêu nghề nên mới gắn bó với nghề. Giờ mà nghỉ dạy thì chúng tôi không biết phải tìm việc gì để làm cả, không biết phải đi về đâu”, một giáo viên buồn bã nói.

Thầy Trần Hữu Try, giáo viên trường THPT Thái Phiên (H.Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam), người có thâm niên gần 20 năm đứng trên bục giảng, cho biết trong đợt xét tuyển lần này nếu để cho 110 giáo viên thi cạnh tranh với nhau thì sẽ không ai có ý kiến gì, nhưng đằng này phải cạnh tranh với gần 1.000 người thì tỷ lệ để giáo viên đậu là quá khó.

“Đa phần giáo viên ở đây sống nhờ vào những đồng lương dạy hợp đồng theo tiết, đã có nhiều năm đóng góp cho ngành giáo dục, nếu giờ nghỉ việc thì không biết làm việc gì để nuôi gia đình cả”, thầy Try nói.

Thầy Try nói thêm, hầu hết giáo viên ở đây dạy hợp đồng theo năm một, mỗi tiết dạy cũng chỉ được trả 55.000 đồng, một tuần có người cũng chỉ được 2 - 3 tiết, nghỉ hè thì không lương, khó khăn là vậy nhưng nhiều giáo viên vẫn cố gắng bám trụ với nghề nhưng đùng một cái hơn 100 giáo viên có nguy cơ phải mất việc.

Trao đổi về vấn đề trên, ông Hà Thanh Quốc, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Nam, cho biết việc hơn 100 giáo viên dù có cống hiến lâu năm trong ngành giáo dục nhưng vẫn có thể “mất việc”, là do số giáo viên này chỉ dạy hợp đồng.


Trong quá trình công tác họ không có bảo hiểm xã hội nên đối chiếu quy định thì không thể áp dụng hình thức xét tuyển đặc cách nên chỉ tổ chức xét tuyển cạnh tranh. Tất cả những giáo viên này đều thỏa thuận giảng dạy với hiệu trưởng các trường nên không có sự ràng buộc gì về pháp luật.

Kết quả xét tuyển dựa vào kết quả học tập, điểm tốt nghiêp và điểm sát hạch (phỏng vấn). Trong đó, phần phỏng vấn tập trung các nội dung kiến thức chuyên môn, phương pháp giảng dạy và tình huống sư phạm. Các nội dung này thì những giáo viên có thâm niên đều có lợi thế hơn những thí sinh khác.

Tuy nhiên, nhiều giáo viên có kết quả sát hạch tốt nhưng kết quả học tập và điểm tốt nghiệp thấp hơn nên nhiều khả năng không đạt trong đợt xét tuyển.

 “Tôi đã có cuộc gặp và giải thích những thắc mắc của giáo viên, đồng thời hứa sẽ đề xuất cấp trên tìm cách tạo điều kiện cho tất cả được dự thi hoặc xét tuyển bổ sung dựa vào dựa vào tình hình thưc tế”, ông Quốc cho cho biết thêm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.