Khi chọn ngành không phù hợp

28/02/2012 03:49 GMT+7

Trong khi bạn bè đã ổn định việc học hành thì nhiều bạn trẻ vẫn long đong, lo thi hết trường này đến trường khác.

Trong khi bạn bè đã ổn định việc học hành thì nhiều bạn trẻ vẫn long đong, lo thi hết trường này đến trường khác.

Học ngành không thích là một cực hình

Ngay từ khi lên THPT, Việt Hưng (quê Nghệ An) đã định hướng mình sẽ theo khối ngành kinh tế. Hưng thi ngành kinh tế quốc tế (Học viện Ngoại giao) nhưng trượt. Hưng tâm sự: “Buồn và thất vọng khi nhìn thấy bạn bè đi học, cộng với thành công của 2 anh chị họ từng đậu ĐH với số điểm rất cao nên áp lực và khát khao được đi học ĐH đã thúc đẩy em nộp hồ sơ xét tuyển nguyện vọng vào Học viện Quản lý giáo dục. Mặc dù đậu vào nhưng kể từ đây khó khăn đè nặng lên em vì phải học ngành mà mình không thích. Một tập thể lớp khá trầm lắng và uể oải cộng với cú sốc khi em ra học ở thủ đô (khói bụi, chật vật, tắc đường...) đã làm em suy sụp tinh thần và em đã quyết định ôn thi lại...”.

Quang Bách hiện là sinh viên năm nhất ngành du lịch Trường ĐH Văn hóa Hà Nội, cũng muốn thi lại ngành truyền thông quốc tế của Học viện Ngoại giao. “Ngay từ khi bước vào cấp 3 em đã ước mơ được học ngành này tại trường này. Tuy nhiên khi thi em chỉ đạt 17 điểm trong khi điểm trúng tuyển là 20,5. Em nộp NV2 vào ngành văn hóa học Trường ĐH Văn hóa Hà Nội cũng bị trượt. Bố mẹ khuyên không nên ở nhà vì sẽ rất chán nản, bạn bè trong lớp hầu hết ai cũng đậu, vì thế em chọn đại ngành du lịch để được đi học. Ai dè trong quá trình học, em càng chán hơn vì đây không phải là ngành em thích”, Bách tâm sự.

 
Học sinh Ninh Thuận đặt câu hỏi trong chương trình Tư vấn mùa thi  2012 của Báo Thanh Niên - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Hiện nay, Bách khá căng thẳng với việc vừa học chương trình ở trường vừa ôn thi lại. Có môn Bách nghỉ thường xuyên nên ảnh hưởng nhiều tới kết quả học tập. “Trong lớp thời THPT của em, có những bạn đậu ngành mình thích nhưng khi học thấy mình không phù hợp cũng quyết định ôn thi ĐH lại như em” – Bách cho biết. Còn Việt Hưng bắt đầu ôn thi từ tháng 12.2011. “Sau khi quyết định bỏ học về nhà ôn thi, em phải đối đầu với những lời xì xào rằng em bị đuổi học, tinh thần em vô cùng hoang mang. Kiến thức ôn lại có nhiều chỗ bị hổng do quên gần hết”.

Nhiều con đường đi tới đích

Kỳ thi ĐH-CĐ 2012 đang tới gần, việc chọn ngành, chọn trường để thi là điều hết sức quan trọng. Thời gian qua, các chuyên gia tư vấn trong chương trình Tư vấn mùa thi của Báo Thanh Niên cũng đã cho thí sinh nhiều lời khuyên bổ ích.

Trong buổi khai mạc Tư vấn mùa thi của Báo Thanh Niên tại TP.HCM, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, PGS-TSKH Bùi Văn Ga nhắc nhở học sinh: “Các em chọn ngành đăng ký dự thi cần bản lĩnh và tự lập, chọn nghề nên căn cứ vào thực trạng về nhu cầu lao động hiện nay của xã hội và năng lực của mình…”. Thạc sĩ Tạ Quang Lâm - Phó phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cũng tư vấn: “Nên chọn ngành mình yêu thích nhưng phải phù hợp với khả năng và có cơ hội việc làm sau tốt nghiệp. Nếu như đã trót học ngành mình không thích hoặc ngành mình thích nhưng lại không phù hợp, nếu có điều kiện các em cứ ôn thi lại để đạt được nguyện vọng của mình. Cũng không nên cứng nhắc là phải học ngành này của trường này, vì vẫn có những trường khác lấy điểm thấp hơn. Các em nên nhớ có rất nhiều con đường để đi tới đích”.

Sau những trải nghiệm học tập, thi cử, Việt Hưng kết luận: “Giá như mình chọn trường cũng đào tạo nhóm ngành kinh tế nhưng có điểm chuẩn thấp hơn thì không tốn một năm với bao nhiêu mồ hôi, nước mắt, tiền bạc, tinh thần”.

Mỹ Quyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.