Khi dạy thêm là ngành nghề kinh doanh có điều kiện: Học sinh sẽ không bị 'đì'?

04/06/2020 08:29 GMT+7

Nhiều người cho rằng việc đưa hoạt động dạy thêm vào nhóm ngành nghề kinh doanh có điều kiện sẽ giúp quản lý tốt hơn, hạn chế các trung tâm tự phát và tránh được những trường hợp ảnh hưởng xấu đến học sinh.

Bộ GD-ĐT có công văn gửi Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và Bộ Kế hoạch - Đầu tư về việc đề xuất đưa “dịch vụ dạy thêm, học thêm văn hóa theo chương trình giáo dục phổ thông” vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
Văn bản của bộ này đề cập đến kết quả thực hiện tăng cường quản lý việc dạy thêm, học thêm và cho rằng việc dạy thêm, học thêm là nhu cầu có thật, xuất phát từ nguyện vọng của học sinh, gia đình. Tuy nhiên, ở một số nơi, tình trạng dạy thêm, học thêm sai quy định vẫn chưa được khắc phục triệt để.

Minh bạch hóa hoạt động dạy thêm, học thêm

Tiến sĩ Trịnh Thanh Đèo, Giám đốc Trung tâm bồi dưỡng văn hóa (thuộc Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM), cho rằng việc đưa hoạt động dạy thêm vào nhóm ngành nghề kinh doanh có điều kiện là cần thiết và phù hợp vì hiện tại các trung tâm dạy thêm ngoài trường mọc lên rất nhiều và khó quản lý.

Giáo viên có bị ảnh hưởng ?

Nếu đưa dạy thêm vào nhóm ngành nghề kinh doanh có điều kiện thì việc dạy thêm tự do của giáo viên đương nhiên sẽ ảnh hưởng rất nhiều vì khi đó, giáo viên phải đáp ứng nhiều điều kiện, tiêu chí cụ thể do nhà nước quy định tương ứng mới được phép thực hiện hoạt động dạy thêm này. Việc đưa hoạt động dạy thêm, học thêm vào danh mục đầu tư, kinh doanh có điều kiện có thể giúp quản lý tốt hơn hoạt động dạy thêm. Tuy nhiên, vấn đề này sẽ có hai mặt: Đối với các chủ thể thực hiện hoạt động dạy thêm là các tổ chức, pháp nhân và có tổ chức quy mô mức độ lớn: cần thiết quản lý chặt chẽ thông qua các điều kiện kinh doanh quy định cụ thể hoặc đưa vào danh mục đầu tư, kinh doanh có điều kiện. Tuy nhiên, đối với các chủ thể thực hiện hoạt động dạy thêm là các cá nhân giáo viên, với mục đích kết hợp hỗ trợ kiến thức cho học sinh với mức học phí nhỏ thì việc đưa hoạt động dạy thêm vào danh mục đầu tư kinh doanh có điều kiện cũng sẽ chưa hoàn toàn quản lý được về mặt thực tiễn. Khi điều kiện kinh doanh khó khăn, khả năng dạy chui, học chui sẽ phát sinh. Do đó, quy định nên kết hợp với thực tiễn nhu cầu cuộc sống để hợp lý và dễ thực thi.
Luật sư Nguyễn Thị Minh Huyền (Công ty luật hợp danh Việt)
Theo ông Đèo, nhu cầu dạy thêm, học thêm là có thật. Tuy nhiên, hầu hết các hoạt động đều mang tính chất tự phát, dẫn đến phát sinh các tiêu cực ở một số nơi như hiện nay. Hơn nữa, do không có các quy định chung cho loại hình hoạt động này nên mỗi địa phương lại đưa ra một quy định riêng để quản lý, thậm chí có nơi còn xem giáo viên dạy thêm như “tội phạm”. Do đó, việc minh bạch hóa hoạt động này thông qua các quy định chung là cần thiết.
Việc đưa dạy thêm, học thêm vào nhóm ngành nghề kinh doanh có điều kiện sẽ buộc các trung tâm phải đảm bảo các tiêu chí đưa ra mới được hoạt động, từ việc đảm bảo an toàn cho học sinh đến số tiết, số giờ được dạy.
“Đặc biệt, không nên để các trung tâm dạy thêm vào ngày chủ nhật để các em có được một ngày nghỉ ngơi hoàn toàn sau tuần học tập vất vả. Hiện nay trên thực tế rất nhiều trung tâm dạy thêm cũng như phụ huynh tận dụng tối đa ngày chủ nhật để dạy thêm, điều này dễ gây áp lực, mệt mỏi cho các em”.

Còn nhiều thắc mắc

Một số giáo viên đang tham gia dạy thêm thắc mắc khi đã đưa dạy thêm vào nhóm ngành này, giáo viên có buộc phải đăng ký kinh doanh khi tổ chức dạy thêm bên ngoài trường?
Tôi có tổ chức dạy thêm tại nhà vào các tối trong tuần. Tôi không hiểu đưa dạy thêm vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện nghĩa là thế nào? Quy định này dành cho các trung tâm luyện thi, dạy thêm hay áp dụng cả với hoạt động dạy thêm của giáo viên? Nếu buộc phải đăng ký kinh doanh thì phải gồm những điều kiện gì?
H.T (Giáo viên Anh văn tại một trường THPT tại Q.Gò Vấp, TP.HCM)
“Nhu cầu dạy thêm, học thêm là có thật, chúng ta phải làm sao hợp thức hóa hoạt động này dựa trên những tiêu chí, điều kiện cụ thể để có chế tài xử lý với các trung tâm, giáo viên vi phạm. Quy định này nếu được thông qua sẽ giúp các trung tâm đủ điều kiện hoạt động tốt hơn. Đồng thời cũng tránh được hai trường hợp thường xảy ra trong hoạt động dạy thêm: thứ nhất là bắt học sinh học quá nhiều. Thứ hai là tránh được trường hợp giáo viên “đì” những học sinh trong lớp không tham gia lớp dạy thêm của mình”, tiến sĩ Trịnh Thanh Đèo chia sẻ.
Ông Nguyễn Hồng Đức, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du (Q.Gò Vấp, TP.HCM), cho rằng hoạt động dạy thêm trong trường và ngoài nhà trường là hai phạm trù hoàn toàn khác nhau. Dạy thêm bên ngoài là kinh doanh giáo dục, còn dạy thêm trong trường là để bổ túc kiến thức cho học sinh.
“Trung tâm dạy thêm ngoài giờ mọc lên như nấm. Do vậy, việc đưa hoạt động dạy thêm vào danh mục kinh doanh có điều kiện là cần thiết. Điều này sẽ giúp các cơ quan quản lý tốt hơn”, ông Đức nói.

Để dạy thêm, học thêm không còn là vấn nạn

Ông Nguyễn Viết Xuân, giáo viên một trường THCS tại Q.1, TP.HCM, cho rằng dạy thêm cũng là một nhu cầu chính đáng của giáo viên. Đây là việc làm thêm bình thường như bao ngành nghề khác song phải được các cơ quan thẩm quyền giáo dục quản lý chặt chẽ, khoa học. Vì vậy, các trung tâm dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường phải đảm bảo đủ yêu cầu về nội dung giảng dạy, chất lượng đội ngũ giáo viên đạt chuẩn sư phạm, đủ điều kiện cơ sở vật chất mới được cấp phép hoạt động.

Đừng để xảy ra xung đột lợi ích

Đề xuất đưa dạy thêm, học thêm văn hóa theo chương trình giáo dục phổ thông vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện là hợp lý bởi xã hội có nhu cầu và giáo viên cũng như dược sĩ, bác sĩ…, có quyền hành nghề như nhau. Quan trọng là tiêu chí cấp phép xây dựng thế nào để không xảy ra mâu thuẫn lợi ích, chưa làm hết trách nhiệm trong nhà trường mà lo đến việc “chân ngoài”. Vì vậy, khi nhìn nhận dạy thêm là một ngành nghề kinh doanh dịch vụ đạt mục đích thì cần xây dựng tiêu chí, điều kiện cụ thể, rõ ràng, cấp phép minh bạch, công khai.
N.T.H (Giáo viên tiếng Anh tại một trường THPT Q.Phú Nhuận, TP.HCM)

Theo ông Xuân, cần tạo môi trường giáo dục cạnh tranh bình đẳng ngay trong mỗi nhà trường. Phụ huynh và học sinh có quyền chọn trường, lớp, thầy cô. Nghiêm cấm những người không có trình độ chuyên môn, không đủ văn bằng chứng chỉ dạy thêm dưới bất kỳ hình thức nào.
Đồng quan điểm, ông Hoàng Sơn Hải, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Chí Thanh (Q.Tân Bình, TP.HCM), nhận định: “Dạy học cũng là một nghề như bao nghề khác. Người làm nghề thì có quyền tăng ca, làm ngoài giờ... Bác sĩ, nha sĩ được mở phòng khám ngoài giờ thì nhà giáo cũng được quyền dạy thêm chính đáng, không thể cấm đoán giáo viên dạy thêm được”. Học thêm cũng là nhu cầu có thật của học sinh. Hiện nay chương trình sách giáo khoa của chúng ta vẫn còn nặng, đang mang tính hàn lâm. Việc thi cử vẫn đang áp lực nặng nề thì nhu cầu học thêm trong học sinh và cha mẹ học sinh vẫn còn rất lớn. Vì thế, để không trở thành vấn nạn tiêu cực như dạy thêm tràn lan hay chèo kéo học sinh học thêm, các cơ quan chức năng cần làm tốt công tác quản lý, kiểm tra giám sát, chế tài xử phạt nếu vi phạm.

Giải quyết 2 vấn đề để giảm
dạy thêm, học thêm

Học thêm là một nhu cầu chính đáng của học sinh, xuất phát từ sự hiếu học và từ hiện trạng chất lượng giáo dục trong nhà trường chưa đáp ứng được thực tế. Để không còn dạy thêm, học thêm, cần giải quyết bằng được 2 vấn đề: nội dung và phương pháp giáo dục. Hiện nay, có một bộ phận giáo viên bằng mọi cách lôi kéo học sinh về dạy thêm, gây bức xúc cho phụ huynh và xã hội. Vì vậy, cần đổi mới nội dung học, nội dung đánh giá học sinh thông qua việc đổi mới nội dung các cuộc thi, kiểm tra, kiểm định chất lượng giáo dục.
Nguyễn Viết Xuân (Giáo viên một trường THCS  tại Q.1, TP.HCM)
Bà Nguyễn Thị Thanh Trúc, Hiệu trưởng Trường THPT Dương Văn Thì (Q.Thủ Đức), cũng cho rằng dạy thêm, học thêm là một nhu cầu chính đáng, có thật của phụ huynh, học sinh nên quan trọng là cách quản lý, giám sát để loại hình kinh doanh này không phát triển sai mục đích, biến tướng. “Cấp quản lý xây dựng tiêu chí, điều kiện, nếu giáo viên đáp ứng những yêu cầu đó thì được cấp phép hành nghề, thực hiện nghĩa vụ thuế với nhà nước… Khi phát hiện có khiếu kiện, phản ánh việc chèn ép, ép buộc học sinh học thêm mà các em không có nhu cầu thì thu hồi giấy phép và xử lý theo quy định”, bà Trúc đề nghị.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.