Khi học sinh 'tự xử' bạn học

30/03/2017 14:01 GMT+7

Mới đây một phụ huynh ở TP.HCM đã bày tỏ bức xúc khi nghe con kể về sự việc một cán sự lớp ở trường trong quá trình nhắc nhở sai phạm của một bạn cùng lớp đã bị bạn đó vặn bong gân tay.

Vậy những sự việc học sinh “tự xử” nhau trên lớp xuất phát từ đâu và làm thế nào để hạn chế được những trường hợp này?
“Xử” bạn vì bị nhắc nhở
“Tối qua, con gái mình học ở Trường tiểu học M. (TP.HCM) về kể chuyện sáng hôm qua, trong buổi chào cờ sáng thứ hai, thầy hiệu trưởng đã đưa một bạn nam và một bạn nữ lên trước toàn trường. Bạn nữ bị thương ở tay, phải bó bột. Thầy hiệu trưởng nói rằng bạn nữ này đã bị bạn trai (học cùng lớp) làm bị thương ở tay chỉ vì đã ghi phạt khi bạn này làm việc riêng trong giờ học. Không biết mọi người nghĩ thế nào chứ mình thấy kinh khủng quá. Việc để các cháu tự quản kiểu này mình thấy chẳng có lợi ích gì cho các cháu vì chúng tới trường là để học tập chứ không phải chịu những trách nhiệm mà lẽ ra thuộc về các thầy cô", một phụ huynh chia sẻ.
Hai học sinh trong sự việc này là T.T và T.L cùng khối 5 Trường tiểu học M. Theo như lời kể của T. và L. thì T. làm lớp phó trật tự trong lớp, hôm đó trong giờ học khi thấy L. lấy từ điển ra tra bậy bạ nên T. đưa tay ra bảo là đưa đây tịch thu thì L.đã bẻ tay T. Kết quả là tay T.bị giãn dây chằng và bong gân.

tin liên quan

5 điều nên dạy con khi còn nhỏ
Những bài học từ thuở nhỏ thường có sức ảnh hưởng rất lớn, rất khó quên đối với mỗi người, ngay cả khi đã trưởng thành. 

Trong những trường hợp này, vai trò của giáo viên chủ nhiệm là rất quan trọng. Phải xác minh vấn đề rồi trao đổi và báo ngay với phụ huynh để giải quyết ổn thỏa. Cha mẹ nào cũng xót con vì thế nên tìm cách để giữ bình tĩnh và phân tích đúng sai cho cả hai bên phụ huynh để cùng giải quyết

 Cô T.L giáo viên một trường tiểu học tại TP.HCM, khuyên

Xác nhận sự việc trên, ông N.T.H (hiệu trưởng) cho rằng: “T. thì có nhiệm vụ nhắc nhở các bạn cùng lớp là không được làm việc riêng trong giờ học. Nhưng đã bị L. vặn tay làm tay T. bong gân. Sau khi sự việc xảy ra hai bên phụ huynh cũng đã nói chuyện với nhau. L. cũng đã xin lỗi T. và gia đình T. và cũng đã hối hận rất nhiều. Khi chào cờ đầu tuần chúng tôi cũng đã đưa hai em ra trước trường để nhắc nhở chung cho toàn trường là không được làm những điều như vậy. Phân tích những cái đúng cái sai cho các em thấy để rồi tránh”.
T. bị thương ở cánh tay phải nhưng cũng may là T. thuận tay trái nên không ảnh hưởng nhiều đến việc sinh hoạt hay chép bài vở. Tuy nhiên sự việc trên đã làm cho nhiều phụ huynh hoang mang, lo lắng và không biết làm thế nào để tránh được những sự việc không mong muốn như trên xảy ra.
Cần có sự thuyết phục
Thạc sĩ tâm lý Lê Minh Huân (Phòng tham vấn học đường Trường THCS Lý Phong, TP.HCM), nhìn nhận: “Khi thầy cô giao cho học trò thì phải nói rõ với trẻ được giao nhiệm vụ lẫn những học sinh còn lại trong lớp. Đối với trẻ nhận nhiệm vụ làm cán sự thì phải biết được những gì làm được và những gì không được phép. Hay lúc nào gặp phải vấn đề khó khăn trong việc xử lý thì phải gặp cô hoặc thầy để giải quyết. Việc đi quá giới hạn của một cán sự lớp nhiều khi sẽ gây ra những bất bình và xích mích qua lại với các bạn cùng lớp dẫn đến những sự việc không mong muốn xảy ra”.
Thạc sĩ Huân chia sẻ thêm: Đa phần hiện nay tôi thấy nhiều học sinh khi làm cán bộ lớp thường không biết việc này có nằm trong quyền hạn của mình hay không, hay không biết với việc này hay việc kia thì mình có thể tự thân giải quyết, rồi cứ thế 'tự xử'. Bởi vì các em không xác định được rõ ràng đâu là quyền hạn của học trò và đâu là quyền hạn của giáo viên.
Thạc sĩ Huân đưa ra lời khuyên, trong những trường hợp này đầu tiên phải phân loại xem học sinh có hành động phản kháng này thuộc trường hợp nào. Thông thường là các em này hiếu động do bản tính nhưng bên cạnh đó cũng có những trường hợp các em thích thể hiện, thích nổi trội trong lớp. Đối với trường hợp do bản tính thì cần phải giáo dục và rèn giũa lại. Còn nếu các em thích thể hiện thì nên khoanh vùng các em để tìm hiểu nguyên nhân tại sao lại thích thể hiện rồi tìm hướng giải quyết và định hướng trẻ theo những chiều hướng tích cực hơn. Thông thường là các em thiếu sự quan tâm, thiếu tình thương nên hay tìm đến sự nổi trội để được mọi người chú ý. Chính vì thế thầy cô giáo phải hết sức tâm lý để nắm được tình hình của học trò mình.
Đơn giản với những em nhỏ, rất ít em nào có thể chịu đựng được một bạn đồng trang lứa lại có thể lãnh đạo mình. Người lớn thì sẽ biết được vai trò và vị trí xã hội còn đối với những đứa trẻ thì những kiến thức này rất mông lung. Chính vì thế hãy làm sao cho trẻ đó được thuyết phục nhất với mỗi vị trí cán sự lớp. Để làm được điều này, đầu năm thầy cô phải có chiến lược nào đó để bầu cán bộ lớp. Hãy đề tên của những học sinh tự ứng cử hay thầy cô đề cử lên bảng để cùng nhau bầu cử. Bởi hiện nay có rất nhiều thầy cô ngay từ lúc đầu vào đã nói với cả lớp là bạn A hay bạn B sẽ làm lớp trưởng mà không hề thăm dò ý kiến của học trò. Cho nên sẽ có một vài trẻ bất phục, nhưng chỉ cần một vài em thôi cũng khó cho cán sự lớp làm tròn được nhiệm vụ. Chính vì thế mà việc chọn một cán sự lớp là nên để học sinh tự bầu.
Ngoài ra, nên giao một vài việc cho cán sự lớp làm để học sinh trong lớp thấy được là nhờ có cán sự lớp mà công việc này mới hoàn thành được, từ đó sẽ tạo nên sự thuyết phục đối với mỗi học trò. Còn trong trường hợp cán sự lớp có làm sai thì cũng cho trình bày, giải trình trước lớp để học sinh thấy được sự công bằng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.