Khó đạt điểm tối đa

04/06/2012 03:06 GMT+7

Môn địa lý: Một số câu phải tư duy

Đề thi nằm trọn vẹn trong nội dung chương trình sách giáo khoa (SGK) địa lý 12 theo chương trình chuẩn, chương trình nâng cao và chương trình giảm tải.


Thí sinh hệ giáo dục thường xuyên trao đổi sau giờ thi môn địa tại hội đồng thi Trường THPT Gia Định, TP.HCM - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Nội dung đề thi có sự kết hợp cân đối giữa lý thuyết và thực hành. Đề thi vừa sức học sinh, nhưng rất khó để đạt điểm tối đa. Dự kiến năm nay tỷ lệ học sinh đạt điểm trung bình sẽ cao.

Một số câu hỏi đòi hỏi tư duy, sáng tạo, phải biết chọn lựa nội dung thích hợp với câu hỏi của đề.

Nội dung các câu hỏi đã được hệ thống trong cấu trúc đề thi mà cục khảo thí đã ban hành. Đặc biệt câu I.1 và câu II.2 đòi hỏi học sinh phải có tư duy tốt và biết vận dụng kiến thức đã học để trả lời đúng yêu cầu.

Câu I.1: Trình bày đặc điểm khí hậu và đất của đai nhiệt đới gió mùa nước ta. Tại sao độ cao của đai nhiệt đới gió mùa ở miền Bắc thấp hơn ở miền Nam? là một câu kết hợp giữa giáo khoa và suy luận.

Câu I.2: Sự phân bố dân cư chưa hợp lý ở nước ta biểu hiện như thế nào? Sự phân bố dân cư như vậy gây ra khó khăn gì? là một câu hỏi giáo khoa, đơn giản, học sinh chỉ cần học thuộc bài là có thể làm được.

Câu II.1: Trình bày tình hình phát triển du lịch và nêu các trung tâm du lịch chủ yếu của nước ta vừa kết hợp giữa giáo khoa và phải sử dụng Atlat.

Câu III.1: Phân tích khả năng và hiện trạng phát triển chăn nuôi gia súc của Trung du và miền núi Bắc bộ đơn thuần giáo khoa.

Câu III.2: Về vẽ biểu đồ cột thể hiện giá trị sản xuất công nghiệp của Đông Nam bộ, đồng bằng sông Cửu Long qua các năm và nhận xét cũng là một câu đơn giản.

Ở phần tự chọn, câu Phân tích ý nghĩa của hệ thống cảng biển ở duyên hải Nam Trung bộ đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng tương đối khó, học sinh cần phải suy luận.

Đề thi có mang tính chất thời sự, trong một đề có 3 câu hỏi liên quan đến biển Đông.

Tóm lại, đề thi năm nay hay, phát huy được khả năng suy luận của học sinh, vừa sức, khả năng đạt điểm trên trung bình sẽ nhiều.

Đặng Thị Chiếu Huyền
Giáo viên Trường TH Thực hành (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM)

Môn lịch sử: Quá đơn giản

Đề thi năm nay ngắn gọn, tương đối dễ đối với những học sinh chăm học và nội dung nằm trọn vẹn trong chương trình SGK sử lớp 12 phổ thông.

Câu 1: Nguyên nhân thắng lợi và ý nghĩa lịch sử của Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở Việt Nam. Đây là một câu hỏi quen thuộc, đã được cho ra đề thi trong những năm trước đây. Với câu hỏi này, thí sinh chỉ cần học thuộc trong SGK thì có thể làm được.

Câu 2: Nội dung cơ bản của Hiệp định Paris năm 1973. Đây cũng là một câu hỏi quen thuộc, thí sinh cũng chỉ cần học thuộc trong SGK thì làm được, không đòi hỏi phải phân tích, tổng hợp gì cả.

Câu 3a: Về tình hình kinh tế, khoa học - kỹ thuật của nước Mỹ trong giai đoạn 1945 - 1973 và ý nghĩa của việc áp dụng những thành tựu khoa học - kỹ thuật hiện đại của nền kinh tế Mỹ. Câu này học sinh chỉ cần có kiến thức cơ bản và một chút suy luận là có thể giải quyết tốt.

Câu 3b: Trình bày nội dung các chiến lược phát triển kinh tế của nhóm năm nước sáng lập ASEAN và nguyên nhân chuyển hướng trong chiến lược phát triển kinh tế. Với câu này, học sinh cũng chỉ cần có kiến thức cơ bản và học thuộc bài. Tuy nhiên, cũng cần phải biết suy luận để nêu ra các nội dung cho phù hợp với yêu cầu, nếu không sẽ dẫn đến bài làm dài dòng.

Tóm lại, nội dung đề thi đơn giản, ngắn gọn, không đánh đố học sinh. Với cơ cấu điểm hợp lý, học sinh chỉ cần học theo SGK là có thể đạt được điểm 6, 7 trở lên.

ThS Nguyễn Văn Tiến
(Trường ĐH Thủ Dầu Một)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.