Không để thí sinh 'đậu thành rớt'

30/10/2015 04:39 GMT+7

Việc hàng loạt thí sinh ở nhiều trường ĐH chuyển từ đậu thành rớt do khai không đúng ưu tiên đã đặt ra vấn đề làm thế nào tránh được sai sót này trong kỳ tuyển sinh năm sau.

Việc hàng loạt thí sinh ở nhiều trường ĐH chuyển từ đậu thành rớt do khai không đúng ưu tiên đã đặt ra vấn đề làm thế nào tránh được sai sót này trong kỳ tuyển sinh năm sau.

Do thay đổi quy trình khai và rà soát chế độ ưu tiên nên năm nay có nhiều thí sinh đậu thành rớt hoặc chuyển trường vì khai ưu tiên không chính xác - Ảnh: Đào Ngọc ThạchDo thay đổi quy trình khai và rà soát chế độ ưu tiên nên năm nay có nhiều thí sinh đậu thành rớt hoặc chuyển trường vì khai ưu tiên không chính xác - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Giáo viên, học sinh không nắm quy chế
Thạc sĩ Nguyễn Văn Đương, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, cho rằng nguyên nhân đến từ 2 phía gồm học sinh (HS) và người hướng dẫn. Thực tế, năm nay có nhiều trường hợp HS khai sai chính sách ưu tiên đến từ việc giáo viên không nắm vững quy chế. Trong khi đó, bản thân HS cũng không tìm hiểu để rà soát đúng diện ưu tiên mình khai vào hồ sơ.
Ông Hồ Quốc Dũng, Trưởng phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Sở GD-ĐT tỉnh Đồng Tháp, cho biết quy chế tuyển sinh đã quy định thí sinh (TS) phải có trách nhiệm với thông tin khai, nếu khai không đúng sẽ không được nhập học. Tuy nhiên, thực tế có những TS không đủ giấy tờ chứng minh bản thân thuộc diện ưu tiên nhưng vẫn cố khai “liều”.
Cũng theo ông Dũng, nguyên nhân còn xuất phát từ bộ phận quản lý dữ liệu các trường phổ thông không nắm vững quy chế hoặc có tâm lý xuề xòa vì thương HS.
Còn theo thạc sĩ Cổ Tấn Anh Vũ, Trưởng phòng Tuyển sinh Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, các trường ĐH đã quen với công tác tuyển sinh nhiều năm còn chuyên viên của Sở chưa quen nên khó kiểm tra chính xác chế độ ưu tiên của TS. Tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính, Trưởng ban Đào tạo ĐH của ĐH Quốc gia TP.HCM, cũng cho rằng có thể đây là năm đầu tiên thi theo hình thức mới nên việc huấn luyện người khai hồ sơ tại các sở GD-ĐT chưa thật nhuần nhuyễn nên xảy ra những vấn đề như vậy. Còn PGS-TS Đỗ Văn Xê, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ, nhìn nhận nhiều khu vực ưu tiên ông còn không biết rõ ràng, huống chi là chuyên viên các sở!
Phần mềm của Bộ không chính xác !
Bộ GD-ĐT từng có công văn yêu cầu các sở GD-ĐT rà soát và xác lập khu vực ưu tiên tại địa phương mình dựa trên các văn bản quy định của nhà nước. Trên cơ sở báo cáo của các sở, Bộ chuyển dữ liệu ưu tiên khu vực vào phần mềm tuyển sinh để áp dụng cho năm 2015.
Tuy nhiên, đến thời điểm này, một số trường ĐH đã rà soát và phát hiện sai sót ưu tiên khu vực từ chính phần mềm tuyển sinh so với quy định nhà nước. Theo đại diện một trường ĐH, điều này xảy ra do Bộ không kiểm tra lại mà lệ thuộc hoàn toàn thông tin các sở cung cấp. Trong đó, có những sở đã xác định không đúng khu vực ưu tiên của địa phương. Đại diện này cũng cho biết, có khả năng còn nhiều sai sót về khu vực ưu tiên xảy ra ở nhiều tỉnh ĐBSCL.
Chẳng hạn vừa rồi có 14 trường hợp ở ĐH Huế sai khu vực ưu tiên. Lẽ ra những TS này không thuộc khu vực 1 nếu tính theo nơi học phổ thông nhưng phần mềm của Bộ ghép TS theo hộ khẩu thường trú nên xếp TS vào khu vực này. Mới đây, một TS phải chuyển từ Trường ĐH Luật TP.HCM sang Trường ĐH Cần Thơ vì sai điểm ưu tiên cũng do phần mềm của Bộ xác lập sai. Thay vì TS chỉ được 0,5 điểm (khu vực 2), phần mềm xác định TS này được ưu tiên 1 điểm (khu vực 2 - nông thôn).
Cần thống nhất, quy định rõ ràng hơn
Tại hội nghị tổng kết năm học khối ĐH, CĐ vừa qua, tiến sĩ Đinh Xuân Khoa, Hiệu trưởng Trường ĐH Vinh, cho rằng để không còn sai sót này diễn ra trong năm sau cần phải có sự phối hợp giữa trường ĐH với các sở GD-ĐT về dữ liệu của TS để đảm bảo chính xác.
Ông Hồ Quốc Dũng cũng đề nghị Bộ cần hướng dẫn rõ hơn nữa một số diện ưu tiên mà TS còn băn khoăn. Chẳng hạn, đối tượng ưu tiên với cha tham gia nghĩa vụ quốc tế mới chỉ có quy định với người không tiếp tục công tác trong ngành. Vậy với người trở về tiếp tục làm việc trong quân đội cần có giấy tờ gì để được hưởng ưu tiên?
Còn thạc sĩ Nguyễn Văn Đương cho rằng, chỉ cần đơn vị tiếp nhận hồ sơ nắm vững quy chế để hướng dẫn cho TS thì sẽ không gây ra sai sót. Cũng theo thạc sĩ Đương, từ năm 2014 trở về trước, khi TS đăng ký dự thi có nộp minh chứng ưu tiên kèm hồ sơ.
Trên cơ sở đó, trường ĐH rà soát, thậm chỉ liên lạc trực tiếp với TS kiểm tra thông tin chính xác nhất trước khi công bố trúng tuyển. Vì vậy, theo thạc sĩ Đương, năm tới có thể giữ nguyên quy trình đăng ký dự thi như năm nay nhưng yêu cầu TS nộp luôn hồ sơ minh chứng ưu tiên tại trường phổ thông để kiểm tra, hạn chế sai sót.
Sẽ điều chỉnh chế độ ưu tiên và quy trình khai nhận
Trao đổi với PV Thanh Niên ngày 29.10, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết năm 2016 Bộ sẽ điều chỉnh nội dung chế độ ưu tiên cho phù hợp với các quy định hiện hành và thực tiễn. Bộ sẽ cùng với các bộ ngành và địa phương xem xét điều chỉnh chế độ ưu tiên trên cơ sở rà soát các văn bản quy định, thực tế thay đổi kinh tế xã hội các vùng miền.
Bộ cũng sẽ lưu ý các đề xuất cho rằng nên giảm bớt điểm ưu tiên tuyển sinh, đồng thời tổ chức hội nghị lấy ý kiến hoàn thiện các bước kỹ thuật trong khai nhận chính sách ưu tiên tuyển sinh để tránh xảy ra sai sót đáng tiếc như năm nay.
Ông Ga nhấn mạnh, các trường hợp sai sót mà lỗi do trường phổ thông hoặc sở, cán bộ hướng dẫn sai đã bị xử lý.
Xem lại sự cần thiết của cụm thi địa phương
Nhiều ý kiến đề nghị nên bỏ cụm thi địa phương nếu năm sau vẫn tiếp tục kỳ thi “2 trong 1”.
PGS-TS Huỳnh Thanh Hùng, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, cho rằng đã muốn nâng cao chất lượng đào tạo thì phải chấp nhận có những địa phương tỷ lệ tốt nghiệp không cao những năm đầu để các địa phương thấy và nâng cao chất lượng giáo dục. “Tôi biết một số tỉnh họ cũng đề nghị chỉ nên có một cụm thi thôi. Vì vậy, không nhất thiết phải duy trì 2 cụm thi làm gì. Cụm thi này do ai chủ trì thì tùy Bộ xem xét, tuy nhiên theo tôi nên giao cho các trường ĐH chủ trì”, ông Hùng nói.
Thạc sĩ Cổ Tấn Anh Vũ cho rằng nhiều tỉnh, thành có điều kiện thuận lợi, có nhiều trường ĐH thì không nhất thiết có cụm thi địa phương. Một số tỉnh thành ở Tây Bắc, Tây nguyên... quá ít trường ĐH, điều kiện đi lại rất khó khăn nên nếu bỏ cụm thi địa phương thì HS các nơi này sẽ vất vả hơn trong việc tham gia kỳ thi nếu chỉ có nhu cầu để xét tốt nghiệp. Vì vậy, nên tham khảo ý kiến của các địa phương rồi quyết định.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.