Nữ tiến sĩ Việt đoạt giải nhất Giải thưởng Khoa học ASEAN - Mỹ

20/10/2017 15:24 GMT+7

Tiến sĩ Nguyễn Thị Hiệp, giảng viên Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM) đã trở thành người giành chiến thắng trong cuộc thi Giải thưởng Khoa học ASEAN - Mỹ lần thứ ba.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Hiệp đã được trao 20.000 USD (tương đương 454 triệu đồng) cho nghiên cứu xuất sắc của bà về đề tài sử dụng các giải pháp chăm sóc tại nhà nhằm giảm áp lực đè nặng lên các hệ thống chăm sóc sức khỏe đô thị, theo công bố vào ngày 20.10 của Phái đoàn Ngoại giao Mỹ tại Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Đây là giải thưởng do ASEAN, Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) và công ty UL tài trợ, được tổ chức thường niên, và là một trong nhiều sáng kiến của Mỹ nhằm hỗ trợ ASEAN và 10 nước thành viên.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Hiệp được vinh danh tại lễ trao giải diễn ra tối qua tại thành phố Nay Pyi Taw, Myanmar với sự có mặt của các bộ trưởng và các quan chức cấp cao ASEAN về khoa học và công nghệ.

Clip tiến sĩ Nguyễn Thị Hiệp tham gia giảng dạy và nghiên cứu tại trường

“Di cư từ nông thôn ra thành thị gây nhiều áp lực cho các dịch vụ chăm sóc y tế tại các thành phố lớn. Các vật liệu sinh học và thiết bị y tế 'thông minh' có thể giúp chăm sóc mọi người tại nhà” tiến sĩ Nguyễn Thị Hiệp, giảng viên và nhà nghiên cứu chính tại bộ môn kỹ thuật y sinh, Trường ĐH Quốc tế, ĐH Quốc gia TP.HCM, cho biết.

“Nghiên cứu của tôi tập trung vào các vật liệu sinh học như keo sinh học và các bộ dụng cụ khâu vết thương không dùng kim có thể sử dụng dễ dàng để thực hiện sơ cứu hiệu quả hơn”, theo nữ tiến sĩ trên.

Giải thưởng Khoa học ASEAN - Mỹ năm 2017 hỗ trợ các nhà nữ khoa học trẻ nhiều tiềm năng trong khu vực ASEAN, khuyến khích sự hợp tác giữa các nước thành viên ASEAN và Mỹ về các giải pháp bền vững cho các trung tâm đô thị trong toàn khu vực Đông Nam Á.

“Sau quá trình đô thị hóa nhanh chóng, các thành phố của ASEAN đang phải đối mặt với áp lực gia tăng lên cơ sở hạ tầng và các hệ thống y tế và dịch vụ công, tình trạng nghèo đói và nhà ổ chuột ở đô thị và những cú sốc do thiên tai gây ra”,  Phó đại diện thường trú Phái đoàn Mỹ tại ASEAN, bà Jane Bocklage cho biết.

“Mỹ tự hào hỗ trợ phụ nữ các nước ASEAN, những người đang khai thác sức mạnh của khoa học, sáng tạo và công nghệ để giải quyết các thách thức đô thị như vậy trong khu vực”, theo bà Bocklage. 

tin liên quan

Giáo sư gốc Việt đưa robot Mỹ vào không gian
Được nhiều tổ chức quốc tế vinh danh, GS-TS Charles Cường Nguyễn không chỉ có các đóng góp quan trọng cho lĩnh vực robot ở Mỹ mà còn là nhà quản lý giáo dục khi giữ vị trí Hiệu trưởng Trường Kỹ sư - Đại học Công giáo Mỹ.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Hiệp (36 tuổi), tốt nghiệp cử nhân hóa học tại Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, nhận bằng thạc sĩ và tiến sĩ tại Trường ĐH Soonchunhyang (Hàn Quốc). Năm 2012, tiến sĩ Hiệp trở về nước làm giảng viên bộ môn kỹ thuật y sinh tại Trường ĐH Quốc tế.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Hiệp có hơn 10 năm nghiên cứu về các vật liệu ứng dụng trong y học và tương tác của chúng lên tế bào và mô. Đến hết năm 2016, tiến sĩ Hiệp có 26 công bố khoa học thuộc ISI, 6 công bố khoa học thuộc các tạp chí quốc tế, 6 bài báo trong nước và hơn 40 bài báo khoa học trong các hội nghị quốc tế.
Năm 2016, với đề tài nghiên cứu những phát hiện mới của loại vật liệu Titanium trong ngành nha khoa phục hồi, nữ tiến sĩ trẻ được Hội đồng Giải thưởng Khoa học L'Oreal - UNESCO đánh giá có năng lực cao, khả năng nghiên cứu tốt, có tâm huyết với nghiên cứu khoa học và có nhiều kinh nghiệm trong thiết kế vật liệu sinh học.
PGS-TS Hồ Thanh Phong, Hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế, cho biết tiến sĩ Nguyễn Thị Hiệp là một giảng viên trẻ nhưng có nhiều đóng góp về nghiên cứu trong lĩnh vực kỹ thuật y sinh. Tiến sĩ này đã khắc phục những khó khăn riêng về gia đình để hoàn thành tốt nhiệm vụ của người giảng viên. Đặc biệt, với những thành tựu đã đạt được, tiến sĩ Hiệp đã có nhiều đóng góp trực tiếp cho việc nghiên cứu và giảng dạy tại trường.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.