Phạm Huy từng 'ăn rô bốt, ngủ rô bốt'

27/05/2017 19:04 GMT+7

Mẹ của chủ nhân giải ba Intel ISEF 2017 cho biết con mình "ăn rô bốt, ngủ rô bốt" từ nhỏ. Còn thầy giáo của em cho biết mình phát hiện tiềm năng của cậu học trò này sau một thất bại của chính em.

Đoạt thành tích cao nhất đoàn VN tham dự hội thi Intel ISEF sau hai lần bị từ chối visa đi Mỹ dự thi, nên việc Phạm Huy đoạt thành tích cao nhất đoàn VN tạo nên niềm vui vỡ òa cho tất cả những ai quan tâm việc này.
Thức thâu đêm xem học trò dự thi
Trong những ngày báo chí đưa thông việc em Phạm Huy hai lần bị từ chối visa sang Mỹ để dự hội thi khoa học kỹ thuật quốc tế Intel ISEF 2017 tại Los Angeles, tên của thầy giáo Lê Công Long cũng liên tục được nhắc đến bởi chính thầy cũng cùng chung số phận hẩm hiu với trò (cũng bị phía Mỹ từ chối cấp visa). Lần thứ 3, Huy được cấp visa sau một cuộc phỏng vấn đặc cách, còn thầy Long, giáo viên hướng dẫn của Huy ở lại Việt Nam theo dõi cuộc thi qua live stream trên facebook.
Thầy Long kể: “Tôi bắt đầu theo dõi hội thi lúc 10 giờ đêm 19.5. Nói thật là ngay từ khi cử em Huy đi thi ở hội thi cấp tỉnh, nhà trường đã xác định là cho các em đi giao lưu học hỏi là chính. Vì thế việc Huy được sang Mỹ dự thi đối với chúng tôi là rất tuyệt vời rồi chứ không quá kỳ vọng. Vì thế mà tôi rất đỗi vui mừng khi nghe ban tổ chức xướng tên Huy trong danh sách những em đoạt giải ba lĩnh vực rô bốt và máy thông minh. Tôi còn nhớ, thời khắc Huy bước lên bục nhận giải là 1 giờ 07 phút rạng sáng ngày 20.5. Ngay lúc đó tôi đã gọi điện cho cho mấy thầy cô trong trường. Dĩ nhiên là chưa ai ngủ cả. Họ cũng như tôi, gần như thức trắng đêm đó”.
Tuy không phải là giáo viên chính thức dạy Huy trên lớp, nhưng sự gắn bó giữa hai thầy trò mà theo như Huy mô tả là gần như “ăn ở cùng nhau”. Huy chia sẻ: “Trong suốt quá trình hoàn thiện dự án, hai thầy trò gắn bó với nhau như hình với bóng. Thầy giúp em tìm cách khắc phục các điểm yếu của đề tài, giúp em liên lạc với những người khuyết tật, cùng em đến gặp họ để nhờ họ sử dụng và góp ý cho sản phẩm…”.
Còn thầy Long thì nhớ lại buổi đầu “quen” Huy: “Năm ngoái, khi đó Huy đang học lớp 10, có một lần tôi bắt gặp em đang ngồi một mình buồn thiu trong một góc hành lang lớp học. Tôi lân la hỏi chuyện thì Huy cho biết em đang rất buồn vì vừa dự cuộc thi Sáng tạo trẻ do Đoàn TNCS HCM thị xã Quảng Trị tổ chức mà lại chẳng được giải nào. Tôi nói Huy mang sản phẩm dự thi đến cho tôi xem. Sau khi xem thì tôi nhận thấy Huy là một cậu học trò rất có tiềm năng. Từ đó chúng tôi bắt đầu hợp tác với nhau để cho ra đời một dự án khác, đó chính là sản phẩm mà Huy đoạt giải ba trong hội thi Intel ISEF quốc tế năm nay”.
Nam-sinh-hai-lan-bi-tu-choi-visa-duoc-giai-cao
Phạm Huy và bố mẹ trong ngày Bộ GD-ĐT tổ chức đón và vinh danh đoàn học sinh dự hội thi Intel ISEF 2017 Ảnh Quý Hiên

Ăn rô bốt, ngủ rô bốt
Chia sẻ với Thanh Niên về thành tích mà con mình vừa mang về từ nước Mỹ, chị Nguyễn Thị Niềm, mẹ của Huy nói: “Huy được thế này là nhờ thầy, nhờ bạn. Con rất có ý thức học hỏi, còn các thầy cô tạo cho con cơ hội thể hiện bản thân”.
Chị Niềm là chủ của một sạp vải nhỏ ở chợ huyện Triệu Phong, còn chồng chị là thợ sửa xe máy, xe đạp ngay tại nhà. Kinh tế gia đình cũng chỉ thuộc diện vừa đủ ăn đủ tiêu, nhưng cái may mắn mà trời cho gia đình chị là cả hai đứa con đều ngoan, học giỏi (chị gái Huy đang là sinh viên năm 2 Trường ĐH Lâm nghiệp).
Chị Niềm kể về con: “Hắn mê rô bốt từ nhỏ, khi đang học mẫu giáo. Khi đó tôi chỉ nghĩ con thích chơi rô bốt giống như các đứa trẻ cùng tuổi thích chơi đồ chơi. Nhưng đến năm con học cấp 2 thì đam mê đó thể hiện rõ rệt, ăn rô bốt, ngủ rô bốt. Nhà không có điều kiện, và cũng không định “đầu tư”, nên con cứ phải nhặt nhạnh đồ chơi thải ra của các bạn để tự hoàn thiện rô bốt cho mình. Ban đầu gia đình cũng cản, vì sợ con mê chơi quá ảnh hưởng tới học hành. Về sau thấy con cũng có vẻ có “năng khiếu”, bắt đầu tự tạo ra sản phẩm, thì mới không cản nữa, mà còn cho con chút chút tiền để con sắm sanh thêm”.
Chị Niềm cũng cho biết, khi thấy con hai lần bị từ chối visa đi Mỹ, suốt mấy ngày cả nhà không ai nuốt nổi hạt cơm. “Không phải lo là con hết cơ hội, vì con còn ít tuổi mà. Chẳng qua là vì thấy con đam mê rứa mà giờ lại buồn rứa thì cả nhà buồn theo”, chị Niềm giải thích.
Chị Niềm cũng nói: “Giờ thì gia đình rất tin tưởng con. Chẳng hạn như giờ con thích làm nghề gì sau này thì gia đình cho con tự định đoạt, miễn sao con tìm thấy hạnh phúc trong con đường mình lựa chọn, chứ cũng không cần con phải kiếm ra nhiều tiền hay giàu có nọ kia”.
Còn Huy cho biết ước mơ của em từ trươc đến nay là trở thành một lập trình viên. Giải ba Intel ISEF 2017 càng củng cố ước mơ đó. Còn một năm cuối phổ thông nữa em sẽ không tiếp tục tham gia các cuộc thi mà sẽ tập trung vào các hoạt động cộng đồng, chẳng hạn như giúp đỡ các em học sinh khóa sau trong trường tìm kiếm ý tưởng và hoàn thiện các sản phẩm sáng tạo.
Theo thầy Lê Công Long, Phó bí thư Đoàn Trường THPT thị xã Quảng Trị và cũng là giáo viên hướng dẫn Huy trong dự án Cánh tay rô bốt cho người khuyết tật (dự án được giải ba Intel ISEF 2017), Ban giám hiệu trường THPT thị xã Quảng Trị thực sự rất quan tâm xây dựng phong trào học sinh tham gia sáng tạo khoa học kỹ thuật.
Nhà trường thành lập một ban khoa học kỹ thuật. Những thầy cô trong ban này sẽ là những người khơi gợi ý tưởng cho các em và giúp các em hiện thực hóa các ý tưởng đó. Với những đề tài đòi hỏi kinh phí lớn, ban này kêu gọi các thầy cô trong trường, kêu gọi mạng lưới cựu học sinh hỗ trợ các em. Chẳng hạn như đề tài mà Huy được giải là có sự hỗ trợ kinh phí của nhiều thầy cô trong trường, rồi có một anh cựu học sinh của trường hiện đang giảng dạy ở Úc cũng tài trợ phần nào.
Thầy Long nói: “Thành công của Huy thật sự có ý nghĩa khích lệ đối với học sinh toàn trường từ nay về sau. Nó sẽ tạo một luồng gió thổi bùng lên ngọn lửa đam mê khoa học trong nhiều học sinh của trường”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.