Phần Lan sẽ bỏ tất cả môn học khỏi chương trình giảng dạy

15/05/2017 14:01 GMT+7

Mặc dù có một trong những hệ thống giáo dục tốt nhất thế giới nhưng Phần Lan vẫn không ngừng cải tiến giáo dục. Sắp tới, các nhà quản lý nước này sẽ bỏ tất cả môn học khỏi chương trình giảng dạy.

Các em học sinh biểu diễn rap trong lớp học tại một trường tiểu học ở vùng Siltamaki, Phần Lan - Ảnh chụp màn hình The Independent

Học sinh sẽ không còn học những môn như vật lý, toán học, văn học, lịch sử hay địa lý. Thay vào đó, các em sẽ nghiên cứu theo chủ đề hay một hiện tượng nào đó và kết hợp kiến thức liên ngành để học, theo Global Research.
Vì dụ, khi học về Chiến tranh Thế giới thứ 2, các em sẽ nghiên cứu cuộc chiến dưới góc độ lịch sử, địa lý và cả toán học. Những cải cách mới cũng nhắm đến trang bị đầy đủ cho học sinh kiến thức về kinh tế, tiếng Anh và kỹ năng giao tiếp.
“Nhiều trường đang dạy học sinh theo cách cổ điển, cách đó phù hợp với những năm 1900. Nhưng thứ chúng ta cần không phải như vậy, chúng ta cần một cái gì đó phù hợp với thế kỷ 21”, bà Marjo Kyllonen, giám đốc Sở Giáo dục thủ đô Helsinki, nói với Global Research.

Những thay đổi mới dự tính sẽ bắt đầu áp dụng từ năm 2020. Nếu như vậy, Phần Lan sẽ là quốc gia đầu tiên trên thế giới bỏ tất cả môn học ở trường cho học sinh.
Ban đầu, cách học mới sẽ được áp dụng cho học sinh bậc trung học phổ thông, bắt đầu từ năm các em 16 tuổi. Mục đích của cách dạy này là muốn học sinh tự chủ động chọn chủ đề, hiện tượng để tìm hiểu.
Đây sẽ là những thứ các em yêu thích, hợp với sở trường và liên quan đến lĩnh vực mà các em muốn phát triển ở tương lai. Bằng cách này, học sinh sẽ không phải trải qua cảm giác chán nản khi phải học những môn như vật lý, hóa học và tự hỏi học những môn này để làm gì, theo Global Research .
Khi đó, mối quan hệ giữa học sinh và giáo viên cũng sẽ thay đổi. Học sinh sẽ không còn ngồi im nơi bàn học và lo lắng bị thầy cô gọi. Thay vào đó, học sinh và giáo viên sẽ hợp tác hơn, cùng thảo luận những vấn đề người học quan tâm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.