Quy chế đào tạo thạc sĩ mới: Gây nhiều khó khăn cho người học

26/11/2008 23:22 GMT+7

Sau khi Thanh Niên đăng bài Quy chế đào tạo thạc sĩ mới: Tại sao tiếng Anh là ngoại ngữ duy nhất?, các nhà nghiên cứu, các cơ sở đào tạo đã bày tỏ nhiều ý kiến lo ngại...

Một quy định bất hợp lý

Ông Nguyễn Minh Thuyết, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục - Thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, bức xúc: “Tôi đã nghe nhiều học viên và cơ sở đào tạo phàn nàn về chủ trương này của Bộ GD-ĐT. Rõ ràng đó là một quy định bất hợp lý. Hệ thống giáo dục của chúng ta từ phổ thông đến ĐH dạy nhiều ngoại ngữ khác nhau, vậy tại sao khi thi đầu vào ở bậc cao học lại phải thi duy nhất một ngoại ngữ là tiếng Anh?”.

Theo ông Thuyết, điều này không những gây khó khăn cho người học mà còn tạo ra sự không công bằng trong khâu tuyển chọn. Không thể bắt người có nhu cầu học lên cao phải chờ thêm vài năm nữa để đi học thêm tiếng Anh trong khi họ đã có sẵn một vốn ngoại ngữ khác. Về nhu cầu thực tế, người học sử dụng ngoại ngữ nào phụ thuộc vào chuyên môn mà họ được đào tạo. Ví dụ, sẽ rất vô lý khi bắt người học một chuyên ngành nghiên cứu về văn học Trung Quốc hoặc văn hóa Hàn Quốc phải giỏi tiếng Anh. Trong trường hợp này, vốn ngoại ngữ mà họ buộc phải trang bị là tiếng Trung, tiếng Hàn để phục vụ cho nhu cầu học tập và nghiên cứu của mình. Nếu chỉ đề cao tiếng Anh như một ngoại ngữ duy nhất có giá trị, phải chăng các trường ĐH cũng sẽ bỏ hết các khoa ngoại ngữ khác?

 
“Quy định này không những chỉ gây khó khăn cho người học mà còn tạo ra sự không công bằng trong khâu tuyển chọn” - Ông Nguyễn Minh Thuyết
Xét về khía cạnh đối ngoại, ông Thuyết đặt vấn đề: Thứ nhất, nước ta là một trong những quốc gia tham gia vào khối Pháp ngữ. Vậy nếu nền giáo dục của chúng ta chỉ đề cao tiếng Anh và coi đó là ngoại ngữ bắt buộc thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến mối quan hệ của nước ta trong cộng đồng này. Thứ hai, chúng ta cũng có quan hệ hợp tác bền vững và lâu đời với các nước như Trung Quốc, Nga... Các nước này đã giúp chúng ta đào tạo rất nhiều nhà khoa học tên tuổi nói riêng và cán bộ các ngành nghề nói chung. “Vậy tại sao chương trình đào tạo của chúng ta lại không sử dụng ngôn ngữ của họ? Bộ GD-ĐT phải cân nhắc, tính toán hết sức cẩn trọng trước quyết định này. Cá nhân tôi cho rằng vẫn nên thực hiện quy định như trước kia: học viên có quyền lựa chọn một trong 5 ngoại ngữ để thi cao học”, ông Thuyết nói.

Sẽ khó tuyển sinh

Thực tế tuyển sinh bậc cao học những năm qua cho thấy trình độ ngoại ngữ của học viên còn rất yếu. Có lẽ với quy định mới, chỉ có 10 - 15% thí sinh qua được kỳ thi tuyển đầu vào. Như vậy chỉ tiêu tuyển sinh của các trường và học viện sẽ không thực hiện được, chí ít là trong 10 năm tới.

“Tôi đã từng làm chủ tịch hội đồng tuyển sinh cao học nhiều năm nay nên biết trình độ ngoại ngữ của học viên hiện nay rất thấp. Với quy định cũ chỉ cần trình độ B với số điểm 50/100 mà đã có nhiều học viên không đạt được”, ông Lê Hữu Lập, Phó giám đốc Học viện Bưu chính Viễn thông - nói.  Ông Lập cho biết thêm, ngoại ngữ là môn điều kiện, nếu không đạt được thì học viên có đỗ các môn chuyên ngành cũng không được xem xét. Những năm vừa qua, học viện luôn tuyển không đủ chỉ tiêu hệ đào tạo sau đại học, cũng liên quan tới trình độ ngoại ngữ của thí sinh. Với yêu cầu về trình độ ngoại ngữ cao hơn, không biết học viên có đáp ứng nổi hay không? Còn theo ông Lê Trọng Thắng, Trưởng phòng ĐH và sau ĐH - trường ĐH Mỏ - Địa chất Hà Nội, mặt bằng chung về trình độ tiếng Anh của người thi cao học ở nước ta hiện nay chưa thật tốt: “Nếu áp dụng quy định này ngay thì tôi nghĩ rằng trong vòng 3-5 năm tới, số người thi cao học sẽ giảm hẳn”.

Điều kiện điểm TOEFL 400 là quá cao!

“Bộ GD-ĐT cần xác định rõ hơn mục tiêu sử dụng ngoại ngữ của cán bộ nghiên cứu khoa học để có yêu cầu phù hợp với thí sinh thi vào các chương trình đào tạo. Đối với những người có ngoại ngữ nghiên cứu chính không phải là tiếng Anh, khi muốn dự thi chương trình đào tạo thạc sĩ mà yêu cầu trình độ tối thiểu tiếng Anh phải có điểm TOEFL 400 là quá cao. Đến khóa tháng 8.2009 mới áp dụng, nhưng từ nay đến lúc đó liệu những người không chọn tiếng Anh làm ngoại ngữ chính có đủ thời gian để đạt được trình độ ấy không? Theo tôi, về điều kiện ngoại ngữ khi tổ chức thi tuyển đào tạo thạc sĩ, không nên chỉ chọn duy nhất ngoại ngữ là tiếng Anh, mà nên chọn thêm một số ngoại ngữ tương đối phổ biến khác ở những quốc gia có nền khoa học mạnh như: tiếng Pháp, tiếng Nga...” - GS-TSKH Lê Ngọc Trà (nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục – trường ĐH Sư phạm TP.HCM).

Tôi rất hoang mang

“Tôi đang rất lo lắng bởi ngành tôi chọn đăng ký thi cao học là Hán Nôm. Niềm đam mê ngoại ngữ và mong muốn được nghiên cứu sâu hơn bây giờ bỗng bị quy chế mới về tuyển sinh cao học làm hoang mang, rối bời. Học cao học chủ yếu là quá trình tự nghiên cứu, vì vậy thiết nghĩ với trình độ ngoại ngữ tiếng Anh như quy chế yêu cầu liệu có đủ để giao lưu với thời hội nhập? Hay cứ ai chuyên sâu ngoại ngữ mà mình yêu thích và học tốt hơn thì sẽ có kết quả tốt hơn không?Mà sao một sự thay đổi lớn như thế có thể sẽ thực hiện ngay mà không có sự thông báo rộng rãi từ trước?” - Thanh Sơn (Phòng Nội vụ huyện Trảng Bom, tỉnh Ðồng Nai)

Một quy định quá vội vàng

“Tôi cho rằng Bộ GD-ÐT ra quy chế tuyển sinh và đào tạo thạc sĩ như thế chắc chắn không nhận được sự đồng tình của nhiều người. Điều mà xã hội quan tâm là: Có bao nhiêu thí sinh có đủ điểm TOEFL 400 từ đây đến tháng 8.2009 (và cả đến năm 2010), trong khi học ngoại ngữ là cả một quá trình? Giáo dục là dành cho mọi người, vậy thí sinh tốt nghiệp từ các trường ĐH không thuộc các thành phố lớn sẽ ra sao khi không phải nơi nào cũng có thể học và thi TOEFL? Các thí sinh đã học ngoại ngữ Nga, Trung, Pháp… có được bình đẳng về cơ hội dự thi như những thí sinh đã học tiếng Anh? Những ngoại ngữ khác tiếng Anh đang được dạy và học chỉ để “cưỡi ngựa xem hoa”? Nếu lấy lý do hòa nhập và giao lưu quốc tế để chỉ sử dụng tiếng Anh trong tuyển sinh cao học, thì Bộ GD-ÐT phải xét lại tính đơn phương hay đa phương của việc hội nhập này. Ðành rằng thế giới sử dụng tiếng Anh ngày một phổ biến và tiếng Anh có vị trí gần như độc tôn, nhưng đâu phải chúng ta chỉ có quan hệ với các nước sử dụng tiếng Anh. Hơn nữa, Liên Hiệp Quốc vẫn đang sử dụng 5 ngoại ngữ chính thức khác chứ đâu chỉ tiếng Anh. Một chuyên gia hay một nhà ngoại giao không sử dụng tiếng Anh đến Việt Nam để hợp tác mà tình cờ họ gặp quy định về ngoại ngữ như thế này thì họ nghĩ thế nào?

Rõ ràng, chưa ai khẳng định được một thạc sĩ Hóa học sử dụng tiếng Nga đóng góp cho nước nhà ít hơn một thạc sĩ Hóa học sử dụng tiếng Anh. Bên cạnh đó chúng ta không thể áp đặt là phải thi tiếng Anh hay một ngoại ngữ nào khác. Không quá khi nói rằng điều này sẽ làm mất dần những tài năng hay những người yêu thích ngôn ngữ nói chung và cũng không phù hợp với việc phát huy thế mạnh, tính sáng tạo vì mỗi người có một năng khiếu ngoại ngữ khác nhau. Tất cả những điều nghi vấn đó cho thấy việc áp dụng quy chế tuyển sinh và đào tạo thạc sĩ mới này là chưa hợp lý và hơi vội” - Thien Tanh (e-mail: tanh2726@yahoo.fr)

Nhựt Quang - Vũ Thơ (ghi)

Vũ Thơ - Tuệ Nguyễn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.