Sợ thi... giáo viên giỏi

08/10/2016 10:34 GMT+7

Để đạt được danh hiệu giáo viên giỏi, nhiều người phải diễn kịch nhằm đáp ứng những tiêu chí mà cuộc thi này đưa ra.

Mỗi năm các trường từ mầm non tới THPT đều tổ chức thi giáo viên (GV) giỏi. Giống như một quy định ngầm, các trường thường căn cứ vào thành tích này để giao lớp, phân công giờ dạy. Chính vì thế, dù cảm thấy danh hiệu giỏi không đánh giá thực chất và không muốn tham gia nhưng hầu hết vẫn phải đăng ký thi.
Theo đúng quy trình, để đạt được danh hiệu giỏi cấp trường, GV phải hoàn thành các phần thi như: báo cáo sáng kiến, kinh nghiệm hoặc kết quả nghiên cứu khoa học sư phạm; làm bài kiểm tra năng lực hiểu biết về kiến thức chuyên môn, kỹ năng sư phạm hoặc những hiểu biết về chủ trương, đường lối, định hướng đổi mới giáo dục... Một phần thi quan trọng khác là GV phải thực hành giảng dạy 2 tiết học.

tin liên quan

Dự giờ hay diễn kịch?
Đặt vấn đề như thế có vẻ hơi... khập khiễng, vì dự giờ là hoạt động 'hằng tuần chiếu lệ' của nhà trường; còn diễn kịch là hoạt động thuộc lĩnh vực sân khấu. 

Càng “dối” thì... càng giỏi
Một GV tiểu học nói: “Mỗi tiết trong chương trình tiểu học có 35 phút. Trong khi đó, tiết đánh giá yêu cầu không “cháy” giáo án, phải tương tác với học sinh (HS), hướng dẫn học với giáo cụ trực quan, tổ chức lớp một cách khoa học... Vì vậy, không muốn bị đánh trượt thì cần phải tập dượt với HS nhiều lần trước khi bắt đầu chính thức. Phần lớn GV đều áp lực nên suốt thời gian chuẩn bị luôn canh cánh lo sợ”.
Cô L.T.H.N (ở một trường tiểu học tại Q.1, TP.HCM) thừa nhận: “Chúng tôi rất ngán ngẩm với việc thi GV giỏi. Nhiều người không muốn thi nhưng vì ban giám hiệu thường căn cứ vào thành tích này để phân công lớp dạy, GV không đăng ký thì sẽ bị đánh giá yếu chuyên môn và sẽ bị xếp ở văn phòng phục vụ trà nước, lo các việc vặt và rất ít được phân công tiết dạy... nên bằng mọi giá đều phải đăng ký thi. Để đạt kết quả thì không cách nào khác phải “diễn” để đạt yêu cầu như một giờ dạy mẫu”.
Cô T.H.T (ngụ Q.3, TP.HCM) cũng chia sẻ: “Trước mỗi đợt thi, chúng tôi phải chỉ định HS, photo tài liệu, cùng HS tập dượt nhiều lần. Thậm chí phải đưa ra câu hỏi và câu trả lời trước để HS học thuộc. Đối với một số GV lớn tuổi, lương tâm nghề nghiệp và lòng tự trọng, họ không muốn phải làm dối và diễn kịch. Ngược lại, cũng có nhiều GV sẵn sàng diễn kịch, thậm chí làm dối hoàn toàn khiến tiết dự thi khác xa với những tiết học bình thường. Trường hợp này thường đạt danh hiệu cao dù thực chất chưa chắc đã giỏi”.
Còn cô N.T.T (ở Dĩ An, Bình Dương) cho rằng việc HS bị GV bắt diễn tới diễn lui ảnh hưởng tới việc học trên lớp mà cuối cùng không mang một hiệu quả thiết thực nào.

Quy định tréo ngoe
Nhiều người đạt danh hiệu dạy giỏi cho rằng quy định về việc thi GV giỏi chưa thật sự hợp lý.
Chẳng hạn, theo chu kỳ, dù đã là GV giỏi cấp thành phố nhưng vẫn tiếp tục quay vòng để thi giỏi cấp trường hằng năm. “Việc đánh giá, nâng cao trình độ cũng nên tổ chức một cách khoa học chứ không thể thực hiện như hiện nay. GV đã giỏi cấp thành phố lại quay về thi giỏi cấp trường. Nếu đã đạt giỏi ở cấp cao hơn thì nên tổ chức các cuộc thi khác với những tiêu chí khác. Có như vậy thì họ mới hào hứng để tham gia”, cô T.V.T (ở một trường tiểu học tại Q.1, TP.HCM) chia sẻ.
Bên cạnh đó, việc thành lập tổ đánh giá dạy giỏi cấp trường cũng có nhiều điểm bất hợp lý. “Thường thì đánh giá tiết dạy giỏi cấp trường do một thành viên trong ban giám hiệu và tổ trưởng bộ môn tham gia. Nhưng nhiều trường hợp tổ trưởng chuyên môn chưa là GV giỏi cấp quận thì việc những người này đứng ra đánh giá GV đã đạt danh hiệu cao hơn có thực sự khách quan? Điều này xét về mặt chuyên môn hay trình tự đều không hợp lý”, cô T.V.T nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.