Sử phải là môn khoa học trước khi bắt buộc hay tự chọn

22/11/2015 07:35 GMT+7

Trong khi một số nhà sử học lớn tuổi phản ứng mạnh mẽ trước việc môn sử được tích hợp trong dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể thì lớp trẻ có cách nhìn điềm tĩnh hơn.

Trong khi một số nhà sử học lớn tuổi phản ứng mạnh mẽ trước việc môn sử được tích hợp trong dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể thì lớp trẻ có cách nhìn điềm tĩnh hơn.

Học sinh Trường tiểu học Lê Ngọc Hân (Q.1, TP.HCM) tham gia chương trình sử ca học đường - Ảnh: Đào Ngọc ThạchHọc sinh Trường tiểu học Lê Ngọc Hân (Q.1, TP.HCM) tham gia chương trình sử ca học đường - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Về cuộc tranh luận giữa các nhà sử học với Bộ GD-ĐT xung quanh vai trò môn lịch sử trong chương trình phổ thông, anh Nguyễn Quốc Vương, nghiên cứu sinh ngành giáo dục lịch sử ở ĐH Kanazawa (Nhật Bản), một nhà nghiên cứu giáo dục lịch sử thế hệ 8X, bày tỏ: “Có cảm giác càng tranh luận nó càng đi xa khỏi thứ công chúng mong đợi. Cuộc tranh luận hầu như chỉ xoay quanh vấn đề bắt buộc hay tự chọn môn sử ở THPT, rồi tích hợp môn sử vào môn công dân với Tổ quốc có hợp lý hay không… mà ít có các ý kiến tranh luận các vấn đề về dạy học tích hợp, dạy sử trong tích hợp khác khi đứng độc lập như thế nào và cần những tiêu chí gì?
Hiện trên thế giới có 2 kiểu giáo dục lịch sử: giáo dục kiểu nghiên cứu xã hội và giáo dục trong môn lịch sử. Với kiểu thứ hai, sử tồn tại như một môn học độc lập, còn kiểu thứ nhất thì không cần”.
Không chuyển đổi về chất thì không nên bắt buộc
Nguyễn Quốc Vương
Một số nhà sử học cho rằng Bộ GD-ĐT đã hô biến môn sử, điều đó có chính xác không?
Vừa chính xác vừa không. Chính xác vì môn sử không còn tồn tại như một môn học độc lập ở tiểu học và THCS nữa, ở THPT tuy có nhưng lại là môn tự chọn. Như vậy nếu nhìn từ quan điểm coi môn lịch sử là một môn học độc lập thì quả thật nó đã “biến mất” ở tiểu học, THCS và biến hình một nửa ở THPT.
Không chính xác hoàn toàn vì như trên tôi đã nói, giáo dục lịch sử tồn tại ở 2 kiểu. Nhìn dưới góc độ này thì ở tiểu học và THCS giáo dục lịch sử kiểu tích hợp sẽ được thực hiện qua các môn học mới như cuộc sống quanh ta, tìm hiểu xã hội, khoa học xã hội, công dân với Tổ quốc… Do đó, dù môn sử có thể “biến mất” ở tiểu học, THCS nhưng giáo dục lịch sử vẫn tồn tại. Ở THPT thì rõ ràng môn lịch sử vẫn còn, có điều vị trí của nó được xác định trong dự thảo là tự chọn mà thôi.
Nhưng cái dở của Bộ GD-ĐT là khi bị phản đối thì chỉ lấy môn công dân với Tổ quốc ra để “đỡ đòn”, cách giải thích nội dung môn học này lại thiếu thuyết phục. Lẽ ra nên giải thích theo hướng giáo dục lịch sử vẫn tồn tại ở dạng thức nghiên cứu xã hội, và Bộ cũng nên đặt tên môn học là “nghiên cứu xã hội” thì thể hiện rõ bản chất cũng như sẽ dễ hiểu hơn.
Việc các nhà sử học trong nước khăng khăng phải có giáo dục lịch sử độc lập, bắt buộc cũng có lý do chính đáng đấy chứ?
Về vấn đề tự chọn hay bắt buộc thì quan điểm của tôi là nếu như môn lịch sử không có sự thay đổi thật sự về chất thì chuyển sang tự chọn sẽ đỡ gánh nặng cho HS. Nếu việc học chỉ là sự khổ ải đối phó với thi cử hay vì điểm số thì sự học đó vô nghĩa. Môn sử ở THPT nếu không chứng minh được nó cần thiết cho sự trưởng thành về phẩm chất và năng lực của người công dân đúng nghĩa thì chuyển sang tự chọn dành cho HS thi ĐH khối có môn sử là logic có thể hiểu được. Nếu không cải cách thật sự mà cố chuyển thành bắt buộc để ép HS học và thi, phản ứng của HS sẽ mạnh hơn - không chỉ dừng lại ở những gì đã thấy như chán học hay xé đề cương.
Về lâu dài, môn sử với tư cách là khoa học độc lập có vai trò riêng của nó. Tư duy và phương pháp sử học là thứ sẽ giúp HS có tinh thần phê phán lý tính để nhận thức hiện thực xã hội, từ đó sẽ biết được mình có trách nhiệm như thế nào với quá khứ, hiện tại và tương lai.
Cuộc tranh luận hầu như chỉ xoay quanh vấn đề bắt buộc hay tự chọn môn sử ở THPT, rồi tích hợp môn sử vào môn công dân với Tổ quốc có hợp lý hay không... mà ít có các ý kiến tranh luận các vấn đề về dạy học tích hợp, dạy sử trong tích hợp khác khi đứng độc lập như thế nào và cần những tiêu chí gì?
 
Nếu môn sử thực sự đổi mới, trở thành môn khoa học hữu dụng thì bắt buộc là đương nhiên. Nó cần cho tất cả những ai muốn trở thành người công dân có khát vọng cải tạo hiện thực. Vì thế, nếu muốn môn sử là bắt buộc, các nhà sử học phải làm sao để môn sử thực sự là khoa học và có nhiều cấp độ để HS lựa chọn phù hợp với thiên hướng, xu hướng nghề nghiệp.
Nhiều người dự đoán khi sử chỉ là phần tự chọn ở cấp THPT thì sẽ có rất ít HS lựa chọn?
Giả sử ngay cả trong trường hợp “xấu” đó thì tôi nghĩ đó vừa là thử thách vừa là cơ hội cho các nhà sử học và giáo dục lịch sử. Điều gì sẽ xảy ra khi môn lịch sử chỉ là tự chọn nhưng HS háo hức đăng ký để học? Và ngược lại điều gì sẽ xảy ra khi môn sử là bắt buộc nhưng HS học miễn cưỡng?
Nếu các nhà chuyên môn làm được điều trên thì đương nhiên chính HS sẽ là những người yêu cầu đưa môn sử trở lại vị trí bắt buộc. Vấn đề có nhà sử học nào dám dõng dạc đứng ra nhận trách nhiệm trước toàn dân và Bộ GD-ĐT rằng, “hãy cho môn sử là môn bắt buộc và chúng tôi cam kết làm cho nó trở thành một môn học thật sự, hấp dẫn và hữu ích”?
Tôi đã từng nói ở nhiều diễn đàn chuyên môn trong nước rằng “môn lịch sử phải trở thành khoa học trước khi trở thành môn bắt buộc” là muốn diễn tả ý đó. Nghĩa là môn sử phải là môn bắt buộc cho mọi HS để trở thành người công dân tốt nhưng nó phải đảm bảo được những tiêu chí đề ra. Muốn vậy nó thật sự phải được đổi mới để hồi sinh. Đấy là thử thách lớn nhất dành cho giới làm nghề sử hiện tại.
Bất ổn ở chương trình tổng thể và cách diễn giải
Có vẻ như thiết kế chương trình phổ thông tổng thể hiện nay đã thỏa mãn về mặt hình thức, điều mà anh vừa nói. Vấn đề còn lại là xác định đúng nội hàm của từng kiểu giáo dục lịch sử, có phải không?
Từ “hình thức” trong câu hỏi của chị rất… đắt. Nhìn qua thì đúng là ở VN tồn tại 2 dạng thức giáo dục lịch sử bằng việc đưa vào giáo dục lịch sử kiểu nghiên cứu xã hội. Tuy nhiên, khi đọc chương trình tổng thể và quan sát diễn giải của những người có liên quan thì tôi thấy bất ổn.
Ví dụ bản thân trong chương trình không có một thuật ngữ, khái niệm nào thể hiện sự ý thức rõ ràng về 2 kiểu giáo dục lịch sử này. Những diễn giải của những người có liên quan khi bị dư luận công kích cũng không thể hiện ý thức chủ động về sự hiện diện của “giáo dục lịch sử kiểu nghiên cứu xã hội”.
Trong “giáo dục lịch sử kiểu nghiên cứu xã hội” sẽ có 3 hình thái: Thông sử, lịch sử theo chuyên đề và lịch sử lội ngược dòng (lấy các vấn đề của hiện tại là điểm xuất phát để lần ngược về quá khứ, làm rõ căn nguyên, nguồn gốc, quá trình hình thành và cách giải quyết). Môn lịch sử với tư cách độc lập sẽ chủ yếu sử dụng thông sử và lịch sử theo chuyên đề.
Điều đáng tiếc là ở VN bản thân các khái niệm trên còn xa lạ ngay cả với giới giáo viên dạy lịch sử. Vì thế chúng mới chỉ xuất hiện thấp thoáng trong bản chương trình tổng thể mà thôi. Thiếu nghiên cứu cơ bản và điều tra thực tế là điểm yếu của chương trình tổng thể.
Trong cuộc tranh cãi hiện nay về môn sử và dạy học tích hợp, chúng ta đã có những cuốn sách, công trình nghiên cứu nào có ảnh hưởng lớn trình ra trước công chúng để luận bàn? Để khắc phục, tôi nghĩ những người làm nghề phải đưa ra câu trả lời bằng các nghiên cứu nghiêm túc, hữu ích và công bố rộng rãi. Nhiều lý do, giáo dục lịch sử ở VN đã bị tách ra khỏi dòng chảy của thế giới khá lâu. Công việc khẩn thiết bây giờ là nối lại dòng chảy ấy.
Kinh nghiệm Nhật Bản
Theo anh Nguyễn Quốc Vương, lựa chọn giáo dục lịch sử như là một môn học độc lập hay tích hợp là có lý do lịch sử ở từng nước. Có những nước sẽ sử dụng song song cả 2 hình thức này, Nhật Bản là một ví dụ. Cụ thể, ở tiểu học có môn đời sống và xã hội (nghiên cứu xã hội) như một môn học tổng hợp. Trong môn xã hội lại có phân chia cụ thể. Ví dụ lớp 3 - 4 HS học về xã hội địa phương, lớp 5 học về lãnh thổ - địa lý Nhật Bản, lớp 6 học về lịch sử Nhật Bản. Đến THCS thì môn xã hội phân nhánh thành các môn lịch sử, địa lý, công dân. Lên THPT thì phân hóa rất nhỏ thành các môn lịch sử - địa lý (lịch sử Nhật Bản A, lịch sử Nhật Bản B, địa lý A, địa lý B), công dân (luân lý, kinh tế chính trị, xã hội hiện đại). Cho dù phân nhánh như vậy nhưng người Nhật vẫn quan niệm các môn này nằm trong môn xã hội với triết lý xuyên suốt chi phối toàn bộ là giáo dục nên phẩm chất và năng lực của người công dân dân chủ. Trong các phân môn sẽ có cấp độ A, B với cách tiếp cận, sử dụng nội dung khác nhau cho HS lựa chọn cho dù lịch sử là bắt buộc.
“Tôi cho rằng VN cần đến cả 2 dạng thức giáo dục lịch sử, bởi mỗi dạng thức có vai trò riêng và chúng hỗ trợ lẫn nhau”, anh Vương nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.