Thầy cô thời nay đã khác

18/11/2015 08:07 GMT+7

'Thầy hát hay lắm, từng đi thi Thần tượng âm nhạc VN đấy', 'thầy mỗi năm đi phượt Tây Bắc mấy lần', 'cô múa bụng cực đẹp', 'thầy nhảy hip hop cực đỉnh'...

'Thầy hát hay lắm, từng đi thi Thần tượng âm nhạc VN đấy', 'thầy mỗi năm đi phượt Tây Bắc mấy lần', 'cô múa bụng cực đẹp', 'thầy nhảy hip hop cực đỉnh'...

Giảng viên Nguyễn Cao Cường (giữa) trong chuyến đi phượt - Ảnh: nhân vật cung cấpGiảng viên Nguyễn Cao Cường (giữa) trong chuyến đi phượt - Ảnh: nhân vật cung cấp
Những lời xuýt xoa đó của học trò dành cho thầy cô của mình không còn là điều xa lạ trong học đường thời nay.
Giảng viên “hot boy”
Khoảng chục năm về trước, dấu ấn in đậm trong tâm trí các thế hệ học trò về thầy cô giáo chính là sự giản dị với áo sơ mi, quần tây “đóng thùng”, mái tóc không kiểu cách, đạo mạo trên bục giảng... Thế nhưng ngày nay, hình ảnh đó đã có nhiều thay đổi. Không chỉ khác biệt về hình thức bên ngoài, các thầy cô giáo thời nay còn có những hoạt động “ngoài bục giảng” vô cùng “chất” khiến học sinh (HS), sinh viên (SV) thích thú.
Hàng ngàn SV Trường ĐH Sư phạm TP.HCM thích thú với giảng viên “hot boy” Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu trẻ trung, năng động, ăn mặc thời trang. Giảng viên Khắc Hiếu còn là một chuyên gia tâm lý, sản xuất hàng loạt bộ ảnh ý nghĩa và đoạn phim hay nhằm trang bị kỹ năng sống cho giới trẻ. SV Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội cũng phát sốt với giảng viên môn toán Lại Tiến Minh đẹp trai hát hay, từng tham gia một số chương trình truyền hình về âm nhạc và yêu thích kinh doanh thời trang. Rồi cô giáo 9X Phan Hồng Anh, Vũ Hồng Nhung của Trường THPT chuyên Hà Nội Amsterdam xinh đẹp, giỏi giang khiến HS mê tít. Cô giáo Phan Thị Minh Nga (Trường ĐH Kinh tế Huế) từng là hoa khôi thời SV, ngoài làm giảng viên, cô còn làm MC cho nhiều chương trình lớn khiến hàng ngàn SV hâm mộ...
Dường như thầy cô ngày nay cũng có cơ hội thể hiện cá tính và tạo được dấu ấn riêng nhiều hơn. Giảng viên Nguyễn Cao Cường, Giám đốc Trung tâm báo chí truyền thông, Trường ĐH Khoa học xã hội nhân văn Hà Nội gây ấn tượng với SV bằng một vẻ ngoài vô cùng cá tính: bộ râu rậm và dài hơn mức bình thường được tỉa tót cẩn thận, mái tóc cũng được thiết kế độc đáo theo kiểu cạo gọn phía dưới gáy và tai nhưng để dài hơn một chút phía gần đỉnh đầu... Vẻ ngoài năng động, bụi bặm này lại được SV vô cùng thích thú vì thầy “không lẫn vào đâu được”. Mỗi năm, “thầy Cường” có vài ba chuyến “phượt” hết Đông Bắc qua Tây Bắc, hết Nam bộ lại ra miền Trung. Ngoài ra, những lúc căng thẳng, mệt mỏi, cuối tuần thầy vẫn rủ bạn bè đi nghe nhạc, đi bar, hoặc khi chén rượu lúc cuộc trà...
Chân dung người thầy hiện đại
Nói về vai trò của người thầy thời nay, giảng viên Nguyễn Cao Cường cho biết: “Ở trường, trên lớp học, mọi SV đều gọi tôi bằng thầy. Trong quan niệm, tôi chỉ là một người huấn luyện viên, người hỗ trợ cho SV hoàn thiện các kỹ năng về truyền thông. Tôi cũng nhận thấy rằng, cuộc sống cá nhân của tôi không giống với cuộc sống của một người thầy giáo truyền thống”. Theo ông Cường, một người thầy thời hiện đại phải giỏi chuyên môn, giỏi công nghệ, giỏi dẫn dắt và giỏi tạo cảm hứng sáng tạo cho người học. Những cái bên ngoài bục giảng như đi phượt, tham gia các hoạt động xã hội, thể hiện cá tính, tài lẻ... thuộc về cuộc sống riêng của mỗi người thầy, tuy nhiên nếu có thì cũng có những tác động tích cực tới hoạt động giảng dạy cũng như tới mối quan hệ thầy trò. Theo đó, càng hoạt động nhiều, người thầy càng có nhiều trải nghiệm để giúp cho bài giảng sinh động hơn, tạo sự gần gũi, hòa đồng với học trò.
Giảng viên Ngô Thị Phương, Khoa Vật lý Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, lấy bằng tiến sĩ ở Pháp và từng giảng dạy tại Trường ĐH Paris 6, cũng nhìn nhận người thầy hiện đại nên là người bạn đồng hành với học trò, bằng gần gũi, trao đổi, lắng nghe và thấu hiểu tâm lý, tính cách người học. “Được mang danh xưng thầy, nhưng tôi nghĩ mình chỉ là người sinh ra trước, có kinh nghiệm hơn, đứng đây để chia sẻ những kiến thức mình đã học được cho các em. Là thầy không có nghĩa cái gì cũng biết vì kiến thức vô cùng rộng lớn. Nếu tôi sai, tôi sẵn sàng nhận lỗi với SV. Các em nếu có những phản biện hay thì tôi khuyến khích. Không bao giờ tôi áp đặt một điều gì mà luôn thoải mái để các em thể hiện suy nghĩ của mình”.
Mạng xã hội phát triển cũng là một công cụ tốt để thầy cô giao tiếp với người học. Cũng giống nhiều thầy cô khác, Ngô Thị Phương lập một trang cá nhân để đưa các thông tin về nội dung các bài giảng, lịch học... SV có thể trao đổi bài vở với cô giáo và bạn bè trên đó.
Theo thạc sĩ tâm lý Đào Lê Hòa An, những năm trước dạy học theo phương pháp truyền thống là thầy đọc trò chép, không có sự trao đổi, phản biện, trong khi ngày nay học trò có nhiều công cụ để khám phá kiến thức, nên người thầy bắt buộc phải luôn cập nhật thông tin mới, trau dồi kiến thức để có thể trao đổi, thảo luận với trò.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.