Thầy giáo từng khóc vì nhớ nhà khi dạy học ở Trường Sa

11/11/2016 15:52 GMT+7

Những ngày đầu ra dạy học trên quần đảo Trường Sa , thầy Lê Xuân Quyết từng khóc thầm khi nhớ gia đình, người thân nơi đất liền, nhưng vẫn quyết tâm bám trụ để gieo con chữ cho trẻ em trên đảo.

Thầy giáo Lê Xuân Quyết, giáo viên trường tiểu học Song Tử Tây (quần đảo Trường Sa) là một trong số 42 cá nhân được T.Ư Đoàn, Bộ Giáo dục - Đào tạo, Tập đoàn Thiên Long lựa chọn tuyên dương trong chương trình Chia sẻ cùng thầy cô năm 2016, vinh danh những giáo viên có thành tích đặc biệt xuất sắc đang giảng dạy tại các đảo, xã đảo ven biển trên toàn quốc.
Sáng nay 11.11, tại Văn phòng Chủ tịch nước (Hà Nội), Phó chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đã có buổi gặp gỡ thân mật với 42 giáo viên, lắng nghe chia sẻ về quá trình công tác, cống hiến cho sự nghiệp giáo dục nơi tiền tiêu của Tổ quốc. Trong đó, câu chuyện tình nguyện dạy học ở đảo xa của thầy giáo Lê Xuân Quyết, trở về từ quần đảo Trường Sa, khiến người nghe đặc biệt ấn tượng.
Sau khi tốt nghiệp đại học, thầy Quyết gửi đơn tình nguyện xin ra quần đảo Trường Sa dạy học. Sau vài tháng chờ đợi, tháng 6.2013 thầy Quyết xách ba lô xuống tàu ra đảo Song Tử Tây nhận công tác. Khi đó, đảo không có trường riêng, lớp học chỉ là nhà tạm đơn sơ mượn của bộ đội. Không có quạt điện, học sinh ngồi học mồ hôi nhễ nhại, vừa học vừa lau mồ hôi lăn trên trán, nhưng ánh mắt vẫn rạng ngời niềm say mê với con chữ.
Không ngần ngại chia sẻ về bản thân, thầy Quyết kể những ngày đầu sống ở đảo, chưa thích nghi với sự khó khăn và thiếu thốn về vật chất, thiếu thốn tinh thần. Nhiều đêm, thầy Quyết nằm khóc thầm vì nỗi nhớ da diết người thân, gia đình nơi đất liền. “Nhưng khi nhìn học trò say mê học tập, tôi tự động viên mình ở đảo khó khăn là điều chung, ai sống ở đảo cũng phải làm quen, chấp nhận hoàn cảnh này để toàn tâm toàn ý vào công việc”, thầy Quyết chia sẻ.
dang-thi-ngoc-thinh
Phó chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh tặng quà cho giáo viên được tuyên dương trong chương trình Chia sẻ cùng thầy cô năm 2016 Ảnh Hoàng Phan
Chưa bao giờ hối hận về quyết định tình nguyện ra đảo dạy học, giờ đây thầy Quyết càng thêm niềm tự hào khi ra đảo công tác. Học sinh ở đảo Song Tử Tây giờ đã có trường lớp với phòng học khang trang. Đường điện kéo đến trường, quạt máy được lắp đặt tới từng phòng, học sinh không còn lo bị nóng. Ngoài giờ học, thầy Quyết và trò quây quần cùng bộ đội tập hát những bài hát về biển đảo, về tình yêu Tổ quốc, rồi lần lượt hát lại cho nhau nghe. “Các em không chỉ học tốt mà còn hát hay, mỗi khi có đoàn đến thăm, các em đều hát về biển đảo với niềm tự hào nhất và để lại ấn tượng khó quyên cho các đoàn khách ghé thăm đảo”, thầy Quyết nói.
Chia sẻ tại chương trình gặp gỡ, Phó chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cho rằng, nhiều thầy cô giáo có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn và đang công tác ở nơi xa nhất, khó khăn thiếu thốn nhất của đất nước. Nhưng điều đáng ghi nhận và trân trọng nhất, mỗi giáo viên luôn yêu nghề bằng tình cảm chân thành, tâm huyết để gieo chữ, mang tri thức đến nơi đảo xa.
“Mỗi thầy cô giáo ngồi đây đều là những tấm gương sáng về ý chí và nghị lực vượt khó, mong các thầy cô lan toả tinh thần này đến cho học sinh và nỗ lực, sáng tạo trong công tác giảng dạy. Chỉ có giáo dục về tri thức, làm cho trình độ con người được nâng cao, sẽ giúp các vùng biển đảo, xã đảo phát triển về kinh tế, xã hội góp phần bảo vệ những mảnh đất, hòn đào nơi tiền tiêu của Tổ quốc”, Phó chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh nhấn mạnh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.