Thi THPT quốc gia: Hướng dẫn ôn thi môn hóa, sinh

24/03/2016 18:39 GMT+7

Tiếp theo loạt bài ôn thi các môn trắc nghiệm, Thanh Niên Online giới thiệu đến bạn đọc hướng dẫn ôn thi môn hóa và sinh của các giáo viên giàu kinh nghiệm.

Tiếp theo loạt bài ôn thi các môn trắc nghiệm, Thanh Niên Online giới thiệu đến bạn đọc hướng dẫn ôn thi môn hóa và sinh của các giáo viên giàu kinh nghiệm.

Học sinh Trường THPT Võ Thị Sáu trong giờ ôn tập - Ảnh: Đào Ngọc ThạchHọc sinh Trường THPT Võ Thị Sáu trong giờ ôn tập - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Môn hóa học: Vận dụng thực tế
Giáo viên Trần Trung Trực, Trường THPT Nguyễn Chí Thanh (TP.HCM) lưu ý học sinh, theo cấu trúc đề thi, phần lý thuyết chiếm khoảng 6 điểm và phần tính toán khoảng 4 điểm. Trong đó có những câu hỏi nâng cao dành để xét tuyển vào ĐH-CĐ. Phần nâng cao này tuy ít điểm hơn nhưng lại là những điểm số phân hóa xếp loại kết quả của thí sinh. Đa phần là các câu hỏi sử dụng khả năng tư duy cao hơn, kỹ năng tính toán vận dụng linh hoạt giải quyết vấn đề.
Vì vậy các em cần ôn luyện thường xuyên các kiến thức đã học nhằm tránh sự quên sót, bối rối, không chắc chắn khi xử lý tình huống. Có thể ôn tập lý thuyết theo phân nhóm kiến thức để sự tư duy thuận lợi, ví dụ giải quyết theo hóa đại cương, vô cơ, hữu cơ, kim loại, nhóm chức…
Để giải quyết được phần bài tập nhanh các em cần nắm chắc kiến thức và sử dụng tốt các định luật bảo toàn: Khối lượng, nguyên tố, electron trao đổi, điện tích, chuyển đổi hỗn hợp các chất tương đương.
Do là môn thi trắc nghiệm, thí sinh cần chọn kết quả đúng nên chỉ xét nhanh các lượng chất tương quan chứ không cần xét đủ phương trình phản ứng, tự bỏ các bước theo trình tự như bài giải tự luận dễ làm tốn thêm thời gian. Việc này đòi hỏi ở học sinh phải biết tự trang bị kiến thức cho mình.
Trong quá trình ôn tập, học sinh lưu ý, những năm gần đây đề thi thường có một câu liên quan đến hình vẽ thực nghiệm. Vì vậy, các em đừng bỏ qua việc tham khảo các thí nghiệm mô tả trên SGK. Đồng thời, các câu hỏi trắc nghiệm lý thuyết có xu hướng đề cập đến tính ứng dụng trong cuộc sống như có kiến thức liên quan đến ô nhiễm môi trường, chất gây nghiện… Từ đó đòi hỏi học sinh vừa trang bị kiến thức vừa trang bị kỹ năng sống trong khi giải quyết tìm đáp án cho câu hỏi.
Môn sinh học: Nên hệ thống hóa kiến thức
Giáo viên Phạm Thu Hằng, Trường THPT Tân Bình (TP.HCM) hướng dẫn học sinh phải nắm vững kiến thức cốt lõi toàn bộ chương trình trong SGK một cách ngắn gọn thông qua hình thức lập sơ đồ hệ thống hóa kiến thức.
Nên xây dựng sơ đồ hệ thống hóa kiến thức cho từng chương, sơ đồ liên hệ giữa các chương sẽ giúp các thí sinh trả lời được những câu hỏi khó dạng tổng hợp.
Ở nội dung cơ chế di truyền và biến dị ở cấp phân tử cần nắm vững kiến thức cơ sở vật chất của hiện tượng di truyền ở cấp độ phân tử là gien… Ở kiến thức về tiến hóa, trọng tâm là nguyên nhân và cơ chế tiến hóa với các kiến thức bằng chứng tiến hóa, các thuyết tiến hóa... Ở phần sinh thái học, học sinh nên xây dựng lần lượt theo tiến trình sinh thái học cá thể và môi trường sống, quần thể, quần xã, hệ sinh thái-sinh quyển...
Riêng phần bài tập, học sinh cần chuẩn bị cho mình những kiến thức và kỹ năng cơ bản như: Hiểu thật kỹ cấu trúc vật chất di truyền; phân biệt cơ chế di truyền và biến dị ở mọi cấp độ; Nhớ một số công thức toán học dành cho sinh học; Chẻ nhỏ bài toán lớn, dùng đúng công thức, biết tích hợp các công thức...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.