Thi tốt nghiệp THPT: Nỗi lo mang tên địa phương và niềm tin 'mã số 2019'

25/05/2020 09:14 GMT+7

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay không có sự tham gia của các trường đại học , giao toàn bộ cho địa phương. Có thể yên tâm được không? Tôi hiểu nỗi lo bắt đầu từ đây nhưng tôi có niềm tin.

Bộ GD-ĐT mới công bố dự thảo Quy chế thi tốt nghiệp THPT gồm 45 trang. Với trách nhiệm của một “công dân giáo dục”, tôi đã đọc kỹ từng trang và yên tâm về mặt quy định trong văn bản. Vấn đề còn lại, quan trọng hơn, là việc từng con người, ở từng khâu thực hiện nghiêm túc quy chế này ra sao. 
Sẽ có 63 hội đồng thi của các tỉnh, thành phố.
Cán bộ lãnh đạo, cán bộ in sao đề thi, coi thi và chấm thi đều của địa phương. Ba hệ thống thanh tra giám sát độc lập gồm thanh tra của Bộ GD-ĐT, thanh tra của tỉnh, thanh tra của Sở GD-ĐT vào cuộc. Công nghệ số giúp cho khâu hậu kiểm dễ dàng phát hiện điểm dị thường kết quả thi...
Mục đích kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông đã được xác định, lấy kết quả thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT, các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp có thể sử dụng kết quả để tuyển sinh.
Ngoại trừ việc ra đề thi do Bộ GD-ĐT đảm nhiệm, tất cả các khâu quan trọng khác đều giao cho địa phương. Mỗi tỉnh thành lập một hội đồng thi, thành lập các điểm thi, chịu trách nhiệm in sao đề thi, coi thi và chấm thi...
Nếu chỉ xét tốt nghiệp THPT thì nỗi lo không nhiều. Hàng năm, tỷ lệ tốt nghiệp THPT của các tỉnh đạt 95% trở lên là phổ biến.
Các cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp có quyền tự chủ, nhưng có thể sử dụng kết quả kỳ thi này để tuyển sinh. Thực tế, năm nay, rất nhiều trường đại học, thậm chí những trường tốp đầu đều thông báo sẽ lấy kết quả thi tốt nghiệp THPT để tuyển sinh.
Việc này thuận tiện cho các trường đại học vì không phải tự tổ chức thêm một kỳ thi tuyển sinh, vừa vất vả lại tốn kém. Học sinh và gia đình học sinh rất mừng vì các trường đại học, cao đẳng lấy kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT để tuyển sinh.
Nhưng, nỗi lo bắt đầu từ đây - nỗi lo “mang tên địa phương”!
Các kỳ thi THPT quốc gia những năm trước đây, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các trường đại học với địa phương (với tỷ trọng 50 - 50) cả 3 khâu in sao đề thi, coi thi và chấm thi.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay không có sự tham gia của các trường đại học, giao toàn bộ cho địa phương. Có thể yên tâm được không?
"Kỳ thi tốt nghiệp THPT phải đảm bảo nghiêm túc, trung thực, khách quan, công bằng", những ngày qua chúng ta nghe nhiều câu nói này, từ lãnh đạo ngành GD-ĐT và cũng là mong muốn của mỗi người dân. 
Thực ra, mong sự công bằng, phải giữ được sự công bằng trong thi cử, đó là mong muốn tối thiểu ở bất cứ kỳ thi nào, hơn nữa đây lại là kỳ thi quốc gia, với không chỉ một mục tiêu. Muốn được như vậy thì phải nghiêm túc, trung thực và khách quan.
Những ngày này, các vụ án gian lận thi cử năm 2018  ở các địa phương đang được đưa ra xét xử. Qua cáo trạng và các lời khai của những người vốn "cầm cân nảy mực" trong kỳ thi này ở một số địa phương đã khiến dư luận một lần nữa bàng hoàng: Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, ở một số địa phương đã bị lũng đoạn kinh hoàng, làm khủng hoảng niềm tin của xã hội, dư âm đến bây giờ (sau 2 năm) vẫn còn nóng. Công lý, công bằng bị phá vỡ!
Những bản án nghiêm khắc đã được tuyên! Sự thật đau xót đó được cơ quan chức năng mổ xẻ đến tận gốc rễ. Nguyên nhân, hậu quả được xác định nghiêm túc. Trách nhiệm cá nhân, tập thể được xác định rõ ràng... Bài học kinh nghiệm phải trả cái giá quá đắt!
Nhờ đó, kỳ thi THPT quốc gia 2019 đã thành công. Sự nghiêm túc, trung thực, khách quan và công bằng được lập lại. Những điều đó đã giúp lấy lại niềm tin của xã hội.
Điều này chứng tỏ nếu quyết tâm, quyết liệt... dù khó đến mấy chúng ta vẫn làm được và làm tốt! Tôi gọi đó là niềm tin “mang mã số 2019” và tôi mong niềm tin ấy sẽ thay thế được nỗi lo mang tên "địa phương" trong kỳ thi năm 2020 và các năm sau nữa.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.