Toàn cảnh điểm thi đại học - cao đẳng 2007

05/08/2007 23:12 GMT+7

Ngày 8.8.2007, Hội đồng xác định điểm sàn sẽ họp để thông qua điểm sàn xét tuyển cho các khối thi trong kỳ tuyển sinh ĐH - CĐ 2007. Với các dữ liệu điểm thi và dự kiến điểm trúng tuyển của các trường ĐH-CĐ đã chuyển về Bộ Giáo dục - Đào tạo, bức tranh toàn cảnh về điểm thi đã hình thành khá rõ nét.

Phân hóa giữa các vùng miền, các tốp trường 

Qua thống kê sơ bộ dữ liệu điểm thi của các trường ĐH, có thể nhận định rằng các quy luật của những kỳ thi "ba chung" trước đây tiếp tục lặp lại: các trường phía Bắc có điểm trúng tuyển dự kiến cao hơn các trường phía Nam; các trường công lập có điểm chuẩn cao hơn các trường ngoài công lập. Hiệu quả của các buổi tư vấn mùa thi thể hiện qua sự phân luồng của thí sinh - những trường có dự kiến điểm chuẩn cao đều có điểm bình quân 3 môn thi của thí sinh cao. 

TS Nguyễn Đức Nghĩa - Phó giám đốc ĐHQG TP.HCM

Theo đó,  trường ĐH Ngoại thương cơ sở 2 (20,1 cho khối A), trường ĐH Bách khoa Hà  Nội (19,35 - khối A), trường ĐH Bách khoa (ĐHQG) TP.HCM (17,45), trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG) TP.HCM (14,92 - khối A), trường ĐH Công nghệ thông tin (ĐHQG) TP.HCM (14,73), trường ĐH Ngân hàng TP.HCM (14,71 - khối A), khoa Kinh tế (ĐHQG) TP.HCM (14,53 - khối A), trường ĐH Kinh tế TP.HCM (13,93). 

Trong khi đó, các trường ngoài công lập lại có điểm bình quân 3 môn thi thấp:  trường ĐH Lạc Hồng (9,44 - khối A), trường ĐH Kỹ thuật công nghệ (8,95 - khối A), trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học (8,66 - khối A). Các trường ĐH vùng và nhất là các trường ĐH mới thành lập ở các địa phương có kết quả không được khả quan lắm, như: trường ĐH Quy Nhơn (10,63 - khối A), trường ĐH Quảng Bình (9,71 -khối A), trường ĐH Trà Vinh (8,24 - khối A), trường ĐH An Giang (9,56 - khối A), trường ĐH Tây Nguyên (9,46 - khối A)...

Sự phân hóa này đưa đến nhiều hệ quả: ngành Bác sĩ đa khoa của trường ĐH Y Hà Nội có điểm chuẩn dự kiến 27, 5 (nghĩa là thí sinh có 3 môn thi 9 điểm vẫn rớt!); trong khi nhiều trường ĐH đã sớm xác định điểm chuẩn trúng tuyển dự kiến chắc chắn chỉ bằng điểm sàn của Bộ GD - ĐT và đang tích cực chuẩn bị cho việc xét tuyển nguyện vọng 2 (NV2), nguyện vọng 3 (NV3). Rõ ràng, số thí sinh điểm cao nhưng chưa trúng tuyển của các trường tốp trên sẽ là nguồn tuyển NV2, NV3 "dồi dào" cho các trường tốp dưới. Chỉ tính riêng cho khối A trường ĐH Kinh tế TP.HCM, số thí sinh trên 15 điểm nhưng chưa trúng tuyển cũng đã lên đến khoảng 13.000. Số lượng tương ứng ở các trường ĐH Bách khoa (ĐHQG)-TP.HCM là 1.800, trường ĐH Ngân hàng là 2.000 và trường ĐH Công nghiệp TP.HCM là 2.000.

Chênh lệch điểm giữa các khối thi

Thống kê số liệu đến ngày 3.8 cho thấy, tình hình điểm thi 2007 khả quan nhất được ghi nhận ở khối B với 43,4% thí sinh đạt từ 15 điểm trở lên. Ở khối A, tỷ lệ này là 33% và khối D là 16,5%. Riêng khối C, tỷ lệ thí sinh đạt từ 15 điểm trở lên thấp nhất, chỉ 14,5%. Cũng cần nhắc lại là trong kỳ tuyển sinh 2006, điểm sàn ĐH khối A và D là 13 điểm, khối B và C là 14 điểm. Trong khi khối A và B có điểm thi tương đối "đẹp" thì điểm thi của khối C, D làm các nhà quản lý giáo dục phải suy nghĩ. Nhiều câu hỏi được đặt ra và cần sớm trả lời, giải quyết cho những kỳ thi tiếp theo (ít nhất là cho kỳ thi 2008!). Chẳng hạn như: Độ khó đề thi của các môn thi có tương đương nhau không? Đề thi Sử khó quá hay việc học và dạy môn Sử ở bậc phổ thông có "vấn đề"? Hình thức thi trắc nghiệm (khối A, B có 2/3, khối D có 1/3, khối C có 0/3 môn thi trắc nghiệm) có ảnh hưởng đến kết quả thi hay không?... Với phổ điểm 2007 này, có thể dự đoán điểm sàn cho khối A, B ở mức khoảng 14-15; cho khối C, D sẽ thấp hơn. 

Một nhận xét đáng lưu ý là trong kỳ thi Cao đẳng với 2/3 môn thi dùng đề chung (khối A, B), kết quả điểm bình quân 3 môn thi của các trường cao đẳng khá đồng đều, dao động trong khoảng 13-15 điểm. Như vậy có thể tính đến việc cho phép "liên thông" trong xét tuyển giữa các trường cao đẳng với nhau, giúp cho một số trường cao đẳng có thể tuyển đủ chỉ tiêu với các thí sinh có "chất lượng" hơn.

Nếu trên điểm sàn mà chưa trúng tuyển...

Cơ hội nào cho thí sinh có điểm thi trên điểm sàn mà chưa trúng tuyển? Trước hết, đó là khoảng 60.000 chỉ tiêu của các trường ĐH-CĐ không tổ chức thi mà chỉ xét tuyển. Thông tin chi tiết của các trường này đã được công bố trước khi thi. Bên cạnh đó, nhiều trường ĐH tuy có điểm chuẩn dự kiến khá cao nhưng vẫn dành khá nhiều chỉ tiêu để xét tuyển NV2, NV3 và cũng đã công bố chính thức việc xét tuyển NV2.  Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG) TP.HCM đã dành đến gần 800 chỉ tiêu để xét tuyển NV2; trường ĐH Nông Lâm TP.HCM cũng có khoảng 700 chỉ tiêu dành cho NV2, NV3.  Một hy vọng khác cho các thí sinh thuộc diện này là các trường ĐH vùng, các trường ĐH ngoài công lập. Tất nhiên, mọi việc sẽ rõ ràng hơn sau khi điểm sàn được công bố chính thức vào chiều ngày 8.8. Điều cần thiết đối với thí sinh, nhất là những thí sinh có điểm thi cao hơn điểm sàn mà chưa trúng tuyển là phải liên tục theo dõi thông tin về xét tuyển NV2, NV3 (ngành nào, trường nào có xét tuyển NV2, NV3; xét tuyển từ bao nhiêu điểm; chỉ tiêu xét tuyển...) trên các phương tiện thông tin đại chúng để có cơ hội trúng tuyển vào NV2 cao nhất, tránh tình trạng thí sinh lại "dồn cục" NV2 vào một số ngành, một số trường.

Cũng có một số ý kiến cho rằng kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay đã đánh giá thực chất hơn kết quả học tập của học sinh, do vậy những học sinh đã đạt trong kỳ thi tốt nghiệp THPT hoàn toàn có khả năng theo học ở bậc ĐH- CĐ, và như thế không cần ấn định mức điểm sàn. Tuy nhiên, theo chúng tôi, nên nhìn thấy yếu tố tích cực của điểm sàn trong thời kỳ quá độ của tiến trình cải cách thi cử ở khía cạnh: điểm sàn giúp cho một số khá lớn thí sinh có điểm thi cao nhưng chưa trúng tuyển có cơ hội vào học ĐH - CĐ. Như vậy chất lượng đầu vào sẽ tốt hơn. 

TS Nguyễn Đức Nghĩa (Ủy viên Hội đồng quốc gia xác định điểm sàn kỳ tuyển sinh ĐH-CĐ 2007)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.