Trường CĐ Sư phạm Ninh Thuận: Giảng viên nhiều hơn sinh viên

03/08/2012 03:05 GMT+7

Nhiều năm qua, hầu hết giảng viên biên chế Trường CĐ Sư phạm Ninh Thuận được bố trí đứng lớp không đủ chuẩn, thậm chí có giảng viên chỉ đứng lớp 15 tiết/năm.

Năm 2000, Trường Sư phạm Ninh Thuận được nâng lên thành Trường CĐ Sư phạm Ninh Thuận, với 84 cán bộ, giảng viên (trong đó có 1 tiến sĩ, 2 nghiên cứu sinh, 24 thạc sĩ, 2 người đang học thạc sĩ). Nhà trường được đầu tư cơ sở hạ tầng khá chuẩn, đáp ứng đào tạo cho hơn 1.000 sinh viên (SV) trong tỉnh. Phó hiệu trưởng, thạc sĩ Quang Văn Thọ, cho biết: “Căn cứ vào nhu cầu thực tế ở địa phương, hằng năm UBND tỉnh ra chỉ tiêu tuyển sinh. Hiện đội ngũ giáo viên bậc mầm non, tiểu học, THCS ở địa phương đã đạt đến mức bão hòa, nên chỉ tiêu tuyển dụng hằng năm bị giới hạn”.

 Trường CĐ Sư phạm Ninh Thuận: Giảng viên nhiều hơn sinh viên 1
Trường CĐ Sư phạm Ninh Thuận vắng sinh viên - Ảnh: Thiện Nhân

Theo thạc sĩ Thọ, trong vòng 3 năm trở lại đây, mỗi năm chỉ tuyển khoảng 150 SV ngành sư phạm. Cụ thể, khóa 34 chỉ có 127 SV, khóa 35 có 172 SV, khóa 36 có 165 SV. Vì vậy, dẫn đến tình trạng thừa thầy, thiếu SV. Nhiều giảng viên ở các bộ môn như: sử, địa, hóa, lý… chỉ được bố trí đứng lớp khoảng 15 tiết/năm, trong khi đó quy định của ngành, một giảng viên đứng lớp từ 280 đến 320 tiết/năm và được dạy vượt 200 tiết. Do không có SV nên các phòng thí nghiệm, thực hành phải đóng cửa; đồ dùng học tập để lâu ngày đã gỉ sét, hư hỏng. Một giảng viên khoa tự nhiên cho biết, vì không có SV theo học chuyên ngành hóa, cho nên dụng cụ, hóa chất do nhà trường mua sắm cũng như của dự án Việt - Bỉ tài trợ cho SV thực hành phải cất vào kho, lãng phí vô cùng.

Ðiều đáng nói, kinh phí tỉnh cấp cho nhà trường hoạt động hằng năm thì lại dựa trên chỉ tiêu tuyển sinh, nên không đủ để trả lương cho cán bộ, giảng viên và trang trải các khoản khác. Một giảng viên có bằng thạc sĩ, tâm sự: “Là người thầy, ai cũng muốn đứng lớp truyền lại kiến thức cho học sinh, nhưng trong vài năm nay, tôi chỉ được bố trí đứng lớp 15 tiết/năm, nên buồn lắm!”.

Theo lãnh đạo Sở GD-ĐT Ninh Thuận, nhu cầu thực tế tuyển dụng giáo viên tại địa phương đã bão hòa, nên nhà trường đã tạm ngừng đào tạo giáo viên các cấp tiểu học, THCS ở các bộ môn khoa học cơ bản. Hiện tại, chỉ đào tạo giáo viên mầm non, THCS theo học các môn như: âm nhạc, mỹ thuật, giáo dục thể chất và công nghệ. Mặc dù thừa giáo viên, nhưng sắp đến trường tiếp tục tuyển dụng thêm biên chế, vì theo kế hoạch đến năm 2015, Trường sẽ được nâng cấp lên đại học.

Thiện Nhân

>> Ít thí sinh dự thi ngành sư phạm ĐH An Giang
>> Ngành sư phạm giảm sức hút
>> Ngành sư phạm: Lo khủng hoảng đầu vào
>> Lợi thế của ngành sư phạm
>> Đầu vào ngành sư phạm thấp: Nỗi lo chất lượng người thầy

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.