Tuyển sinh lớp 10: Đề toán và tiếng Anh đều dễ

03/06/2019 08:07 GMT+7

Chiều qua, thí sinh Hà Nội thi môn toán, còn thí sinh ở TP.HCM làm bài môn ngoại ngữ trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10.

Phổ điểm môn toán 7 - 8

Về cơ bản, đề toán năm nay của kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 ở Hà Nội được đánh giá là dễ hơn năm trước, ít bài khó hơn nhưng lại có 1 câu phân hóa quá khó khiến nhiều thí sinh phải... bó tay.

Bài mà nhiều thí sinh (TS) không làm được là câu 5 (0,5 điểm), yêu cầu tìm giá trị lớn nhất, giá trị nhỏ nhất của biểu thức. Đây là câu dành cho những TS thực sự giỏi để đạt điểm tuyệt đối. Ngoài ra, câu 4 (3 điểm) về hình học cũng nhiều TS “mắc”, không làm hết câu. Một TS ở Hội đồng thi THPT Phan Đình Phùng cho biết: “Phòng em có một số bạn có lẽ do quá kỳ vọng đạt điểm tuyệt đối hoặc gần như thế nên đã khóc khi không làm được câu này”.
Theo đánh giá chung của các giáo viên, đề thi năm nay có cấu trúc tương tự đề thi năm 2018 với 5 câu hỏi được phân bố ở các kiến thức trong chương trình lớp 9. Phổ điểm phổ biến ở khoảng 7 - 8 điểm, mức điểm cao nhiều hơn năm trước nhưng điểm tuyệt đối sẽ hiếm hoi.
Thầy Nguyễn Mạnh Cường, giáo viên toán Trường THPT Chu Văn An, nhận định: Đề có sự điều chỉnh về hình thức so với năm 2018, xuất hiện câu hỏi hình không gian - một phần vốn không xuất hiện trong các năm về trước. “Đề thi có khoảng 85% câu hỏi thuộc phần kiến thức cơ bản, 15% câu hỏi ở mức vận dụng có tính phân loại cao như câu I.3, câu IV.3, bài 5”, thầy Cường nói.

Sót lỗi trong đề thi tiếng Anh

Kết thúc 60 phút làm bài thi tiếng Anh, các TS tại TP.HCM cho biết đề thi vừa tầm. Thanh Cần, HS Trường THCS Ba Đình (Q.5), cho biết đề khá dễ, làm được khoảng 9 điểm. Minh Khang, Trường trung học thực hành Sài Gòn, nói dù không chuyên tiếng Anh cũng làm được khoảng trên 8 điểm đề này. Phần lớn TS cho rằng đề thi năm nay khá chú trọng đến phần từ vựng.

Trần Bảo Ngọc, TS tại điểm thi Trường THCS Chánh Hưng (Q.8), cho hay đề thi có nhiều từ vựng lạ, nên khi làm bài em phải dùng phép loại trừ để tìm ra đáp án. Còn lại cấu trúc đề không có gì đặc biệt, tương tự như năm trước.
Giáo viên Trần Hữu Thắng, Trường THCS Lê Quý Đôn (Q.3), nhận xét câu hỏi của đề thi mang tính thời sự và giáo dục học trò. Đó là những vấn đề được đề cập hằng ngày như tiết kiệm điện, không lái xe sau khi uống rượu bia và ý thức về một xã hội cộng đồng.
Tuy nhiên, theo phản ánh của TS, ở câu 33 trong đề thi tiếng Anh, phần câu hỏi, đề in là "Some years back young..." nhưng ở chỗ cho TS viết câu hoàn chỉnh, đề in là "Some years back your...".
Chiều 2.6, PV Thanh Niên đã trao đổi với lãnh đạo trực ban chỉ đạo thi của Sở GD-ĐT. Ông Lê Hoài Nam, Phó giám đốc Sở GD- ĐT TP.HCM, xác nhận đúng như phản ảnh của TS, đề thi đã có sai sót do lỗi đánh máy. Sở sẽ làm việc với bộ phận phụ trách chuyên môn để sao cho không ảnh hưởng đến quyền lợi của TS.
Thầy Trần Hữu Thắng nhận xét, đây là lỗi chính tả chứ đề không sai về nội dung. “Sắp tới Sở cần họp với bộ phận ra đề và chấm thi để đưa ra hướng giải quyết tốt nhất cho HS”, ông Thắng cho biết.
Học sinh chỉ có nguyện vọng vào chuyên được quyền bỏ thi lịch sử
Ngày 3.6, HS Hà Nội sẽ thi hai môn còn lại là ngoại ngữ và lịch sử. Từ buổi chiều đến hết ngày 4.6, HS đã đăng ký sẽ dự thi các môn chuyên.
Về môn thi lịch sử, ông Phạm Quốc Toản, Trưởng phòng Quản lý thi và kiểm định chất lượng giáo dục (Sở GD-ĐT Hà Nội), khẳng định những HS chỉ có nguyện vọng đăng ký dự thi vào các trường THPT chuyên trực thuộc Sở GD-ĐT Hà Nội sẽ không phải thi môn lịch sử, kể cả trên phiếu báo dự thi của TS có môn thi này.
Sáng nay, các TS tại TP.HCM sẽ tiếp tục dự thi môn toán với thời gian 120 phút. Buổi chiều cùng ngày, TS đăng ký thi vào các trường chuyên sẽ thi các môn chuyên. Dự kiến ngày 13.6, Sở sẽ công bố kết quả thi và nhận đơn phúc khảo bài thi. Ngày 14.6, công bố điểm chuẩn trường, lớp chuyên và diện tuyển thẳng. Ngày 10.7, công bố điểm chuẩn lớp 10 thường và danh sách học sinh trúng tuyển vào từng trường THPT.
Tuệ Nguyễn - Bích Thanh

 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.