Ưu tiên tuyển sinh thế nào để công bằng ? - Kỳ 7: Sẽ rà soát, điều chỉnh chính sách

22/07/2013 03:20 GMT+7

Qua loạt bài Ưu tiên tuyển sinh thế nào cho công bằng?, ông Bùi Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT), cho rằng sẽ rà soát, điều chỉnh chính sách ưu tiên tuyển sinh trên cơ sở những vấn đề mà Báo Thanh Niên nêu.

Ưu tiên tuyển sinh thế nào để công bằng ?: Sẽ rà soát, điều chỉnh chính sách

Các sinh viên thuộc đối tượng các huyện nghèo được tuyển thẳng vào các trường ĐH, CĐ tại TP.HCM học tập tại Trường dự bị ĐH TP.HCM. Năm 2012 là năm đầu tiên Bộ GD-ĐT thêm thí sinh huyện nghèo vào đối tượng tuyển thẳng - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Theo ông Tuấn, do có sự chênh lệch về phát triển kinh tế - xã hội của các vùng miền trên cả nước, về khả năng tiếp cận giáo dục của người dân giữa các khu vực có khác nhau; mặt khác, các chính sách về dân tộc thiểu số, về người có công với nước cũng cần phải được ưu tiên trong giáo dục đào tạo, nên lâu nay chúng ta thực hiện chính sách tuyển sinh theo khu vực và theo đối tượng. Các chính sách, chế độ ưu tiên trong tuyển sinh, diện thí sinh được hưởng ưu tiên thay đổi theo thời gian phụ thuộc chính sách của nhà nước và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của các vùng miền.

Thống kê năm 2012 cho thấy, số thí sinh ĐH được cộng điểm ưu tiên khu vực là 82%, ưu tiên theo đối tượng cao nhất 3%, chỉ có 13% không ưu tiên, số còn lại là diện tuyển thẳng hoặc cộng điểm do học lực. Ông có thấy đây là điều bất thường không khi mà số được ưu tiên lại áp đảo so với số thí sinh không được ưu tiên?

Thực tế, một cháu ở nông thôn, chắc chắn không có được cơ hội thuận lợi học tập như cháu ở thành phố; một cháu ở miền núi, biên giới, hải đảo khó có điều kiện học tập tốt như ở đồng bằng. Vì vậy trong tuyển sinh chúng ta đã có quy định ưu tiên điểm cho các vùng có điều kiện khó khăn hơn so với điều kiện trong thành phố. Nước ta có khoảng 20% dân số sống ở thành phố, nơi có điều kiện học tập tốt nhất. Mặt khác, đất nước ta đã trải qua 2 cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc lâu dài. Biết bao người đã hy sinh vì độc lập tự do của dân tộc. Ưu tiên trong tuyển sinh cho những người và con của người có công với cách mạng là điều hợp với đạo lý. Chính vì thế mà trong những năm qua, có nhiều thí sinh được hưởng chính sách ưu tiên theo đối tượng, khu vực.

Trước đây không có cử tuyển, không có tuyển thẳng học sinh huyện nghèo nhưng giờ đã có chính sách cho cả những đối tượng này. Ông có ý kiến gì về vấn đề này?

 

Với tinh thần hết sức cầu thị, Bộ GD-ĐT xin tiếp thu ý kiến để rà soát, điều chỉnh những chính sách ưu tiên trong phạm vi, quyền hạn của mình; đồng thời Bộ cũng sẽ kiến nghị lên Chính phủ xem xét điều chỉnh hợp lý các chính sách thuộc đối tượng ưu tiên nhằm đảm bảo công bằng trong tuyển sinh

Đặc thù của chính sách cử tuyển là gắn việc đào tạo với sử dụng ở những địa phương có vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc ít người. Trách nhiệm của những người được đi đào tạo phải trở về phục vụ quê hương nơi cử đi học và trả chi phí. Số lượng cử tuyển hằng năm rất hạn chế.

Để đẩy nhanh tiến trình phát triển kinh tế xã hội ở những huyện nghèo, huyện đặc biệt khó khăn về kinh tế, Chính phủ ban hành Nghị quyết 30/A/2008. Các bộ ngành có nhiệm vụ triển khai thực hiện các chỉ tiêu đã đề ra. Đào tạo nhân lực là một trong những chỉ tiêu quan trọng. Mặt khác một số huyện vùng biên giới, hải đảo do các Ban chỉ đạo Tây Bắc, Tây nguyên, Tây Nam bộ đề nghị cũng cần được ưu tiên xét tuyển thẳng vào CĐ, ĐH. Các thí sinh này phải học một năm để bồi dưỡng kiến thức, để đạt đến mặt bằng đủ để theo học trường, ngành học mà các cháu đăng ký. Thực tế cho thấy ở các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, nếu không có chính sách tuyển sinh đặc thù trong những năm trước mắt thì rất khó đạt được các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội ở các vùng này.

Vậy ông có cho rằng cần rà soát lại việc tuyển sinh theo khu vực, đối tượng? Ví dụ, đã tuyển theo đối tượng thì không theo khu vực nữa và ngược lại? Hoặc có chính sách cử tuyển, tuyển thẳng thí sinh huyện nghèo thì nên chăng bỏ đối tượng ưu tiên dân tộc?

Hai vấn đề đó khác nhau. Đối tượng là về nhân thân con người, liên quan tới chính sách về con người, về dân tộc. Khu vực là địa giới hành chính gắn với điều kiện phát triển kinh tế xã hội đặc thù.

Những chính sách ưu tiên về đối tượng đã được quy định rõ trong các pháp lệnh, nghị định mà Bộ phải thực hiện và cập nhật thường xuyên mỗi khi các quy định này có sự thay đổi. Những chính sách ưu tiên khu vực được Bộ cân nhắc thay đổi hằng năm tùy thuộc yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của các vùng miền.

Với sự quan tâm đầu tư của Đảng và Nhà nước, trong những năm qua sự phát triển kinh tế của các vùng miền cũng đã có thay đổi, xóa dần khoảng cách chênh lệch giữa thành thị và nông thôn. Vì vậy chính sách ưu tiên tuyển sinh theo khu vực cũng thay đổi chứ không phải “bất di, bất dịch”. Trước đây chúng ta đã cho phép giãn cách giữa 2 khu vực liền kề là 1 điểm, có thời kỳ cho phép 1,5 điểm, hiện nay giãn cách khu vực được điều chỉnh chỉ còn 0,5 điểm. Số địa phương được hưởng ưu tiên tuyển sinh cũng thay đổi theo thời gian tùy thuộc nhu cầu đào tạo nhân lực và chính sách phát triển kinh tế của Chính phủ. Nói cách khác, sự điều chỉnh ưu tiên khu vực có thể được thực hiện mềm dẻo.

Tuy nhiên, việc điều chỉnh ưu tiên tuyển sinh theo đối tượng cần được thực hiện đồng bộ với các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước về dân tộc, về người có công với nước thể hiện trong các pháp lệnh của Quốc hội, nghị định của Chính phủ. Quy chế tuyển sinh của Bộ phải nhất quán với các văn bản này.

Bộ sẽ có động thái gì sau diễn đàn về chính sách ưu tiên trong tuyển sinh ĐH, CĐ mà Báo Thanh Niên vừa thực hiện?

Thời gian qua Báo Thanh Niên đã đưa ra nhiều diễn đàn liên quan tới giáo dục ĐH, và lần này là diễn đàn về chính sách tuyển sinh ĐH, CĐ. Với tinh thần hết sức cầu thị, Bộ GD-ĐT xin tiếp thu ý kiến để rà soát, điều chỉnh những chính sách ưu tiên trong phạm vi, quyền hạn của mình; đồng thời Bộ cũng sẽ kiến nghị lên Chính phủ xem xét điều chỉnh hợp lý các chính sách thuộc đối tượng ưu tiên nhằm đảm bảo công bằng trong tuyển sinh.

Tuệ Nguyễn - Lê Đăng Ngọc (thực hiện)

>> Ưu tiên tuyển sinh thế nào để công bằng?
>> Ưu tiên tuyển sinh thế nào để công bằng? - Kỳ 2: Ở đâu cũng thấy ưu tiên!
>> Ưu tiên tuyển sinh thế nào để công bằng? - Kỳ 3: Lãng phí hệ cử tuyển
>> Ưu tiên tuyển sinh thế nào để công bằng? - Kỳ 4: Có đến 82% thí sinh hưởng ưu tiên!
>> Ưu tiên tuyển sinh thế nào để công bằng? - Kỳ 5: “Ưu tiên” phải là một lượng nhỏ
>> Ưu tiên tuyển sinh thế nào để công bằng? -  Kỳ 6: Đã đến lúc thay đổi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.