Vẫn cần đào tạo tiến sĩ ở các quốc gia phát triển

“Giáo sư Ngô Bảo Châu cho rằng nên tăng số lượng đào tạo tiến sĩ trong nước, giảm đào tạo ở nước ngoài. Tôi không đồng ý với ý kiến này”, tiến sĩ kinh tế Nguyễn Kiều Dung nêu ý kiến.

Mấy hôm nay, dự thảo dự án 12.000 tỉ để đào tạo 9.000 tiến sĩ của Bộ Giáo Dục - Đào tạo đang là đề tài tranh cãi sôi nổi. Liên quan đến câu chuyện này, giáo sư Ngô Bảo Châu cho rằng nên tăng số lượng đào tạo tiến sĩ trong nước, giảm đào tạo ở nước ngoài. Tôi không đồng ý với ý kiến này.
Ngành toán có lẽ đã phát triển trước ngành kinh tế hơn nửa thế kỷ, đã có nhiều nhà toán học tài năng về nước làm việc. Tuy nhiên, đến tận bây giờ tôi vẫn nghe một số nhà toán học dè bỉu đào tạo tiến sĩ toán ở một số cơ sở đào tạo trong nước, và tôi tin chắc rằng họ không hoàn toàn đồng ý với giáo sư Châu. Với ngành kinh tế nói riêng và với hầu hết những ngành khác ở trong nước (nhìn chung đều kém phát triển hơn ngành toán), chúng tôi lại càng có lý do để không đồng ý với giáo sư Châu.

tin liên quan

Nghịch lý 2000 USD và 150 USD/tháng
"Với câu hỏi là có nên tiếp tục sử dụng ngân sách để đào tạo tiến sĩ ở nước ngoài hay không, thì câu trả lời là không. Ít nhất không phải ở quy mô như chúng ta đang nghe nói", giáo sư Ngô Bảo Châu bày tỏ.
Thời tôi học tiến sĩ kinh tế ở Mỹ, các giáo sư của tôi chỉ khuyến khích xuất bản trên các tạp chí ít nhất chỉ dưới các tạp chí được sử dụng để tuyển giáo sư ở Mỹ một bậc (nghĩa là vẫn trong nhóm các tạp chí hàng đầu của bảng xếp hạng ISI). Các giáo sư của tôi giải thích, các nhà kinh tế tài năng rất hiếm khi đọc và bình duyệt các tạp chí ISI/SCOPUS hạng thấp, cho nên chất lượng những bài báo đó không ra sao cả.
Có lẽ đấy là lý do đa số tiến sĩ kinh tế Mỹ về nước không mặn mà lắm với việc xuất bản, mặc dù luận văn của họ chắc chắn ít ra sẽ xuất bản được trên các tạp chí ISI/SCOPUS hạng thấp nhất, bởi nếu không thì họ đã không được tốt nghiệp. Hoặc nếu xuất bản thì họ cũng không cảm thấy sung sướng, tự hào nếu không đạt được mức tối thiểu mà các giáo sư kỳ vọng.
Với quan điểm về chất lượng như vậy, tính ra ở Việt Nam, trong ngành kinh tế chỉ có khoảng 10 - 12 người đạt tiêu chuẩn để đào tạo nghiên cứu sinh trong nước. Nhưng chỉ dăm, bảy người trong số đó đang làm việc trong hệ thống đại học Việt Nam. Những người khác chỉ mới xuất bản được trên các tạp chí ISI/SCOPUS hạng thấp, theo tôi, mới chỉ đạt được mục đích chống đạo văn, chứ không có giá trị khoa học gì đáng kể, và không thể coi là đủ trình độ để đào tạo tiến sĩ kinh tế. Đấy là chưa kể đào tạo nghiên cứu sinh của khối ngành khoa học xã hội - nhân văn đòi hỏi kiến thức nền tảng vững và rất rộng, mà tôi dám chắc rằng các trường đại học hiện nay của Việt Nam không đáp ứng được.
Một vấn đề rất quan trọng nữa là các ngành ở Việt Nam hiện nay đều yếu về hoạch định chính sách, đường lối và chiến lược phát triển. Tôi không tin rằng, các tiến sĩ đào tạo trong nước hoặc các thạc sĩ có thể làm tốt những thứ đó. Ngoài ra, để tăng cường số lượng phát minh, sáng chế (trong các ngành khoa học tự nhiên và kỹ thuật), động lực quan trọng nhất để đảm bảo tăng trưởng kinh tế, nói chung cũng đòi hỏi phải có trình độ tiến sĩ, đặc biệt là tiến sĩ từ các quốc gia phát triển.
Chúng ta nên nghĩ rằng Việt Nam đang thời kỳ đi mua giống để ươm cây. Số lượng giống tốt phải đạt một mức đủ lớn nào đó thì mới có hy vọng một vườn ươm tốt (lượng đủ mới có thể dẫn đến thay đổi về chất). Đa phần những hạt giống mua về vẫn là loại thường thường bậc trung, xoàng xĩnh, thậm chí chỉ muốn sử dụng giống trong nước thì 40 - 50 năm nữa sẽ chỉ thu được một rừng gỗ xấu. Lợi ích trồng người là trăm năm, cho nên giai đoạn này nhà nước không nên tiếc tiền. Quan trọng chỉ là làm thể nào để mua được giống tốt và sử dụng đồng vốn hiệu quả.
Việc đầu tư để thu hút và giữ chân người giỏi làm việc lâu dài trong hệ thống trường đại học rất tốn kém và không dễ chút nào. Trong khi đó, những người từng nhận học bổng của nhà nước để du học tiến sĩ sẽ nhớ ơn nhà nước suốt đời, và nếu như chưa tăng được chất lượng nghiên cứu lên đáng kể, thì ít ra sẽ tăng chất lượng đào tạo kiến thức nền tảng bậc tiến sĩ, tăng chất lượng hoạch định chính sách, đường lối, chiến lược phát triển ở Việt Nam.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.