Vừa làm vừa học ở nước ngoài

20/12/2011 00:48 GMT+7

Nhiều sinh viên (SV) chọn cách trải nghiệm cuộc sống thông qua đợt thực tập ở các nước trên thế giới. Đây cũng là dịp để SV trao đổi và chia sẻ văn hóa, truyền thống với người bản xứ và bạn bè quốc tế khác.

Nhiều sinh viên (SV) chọn cách trải nghiệm cuộc sống thông qua đợt thực tập ở các nước trên thế giới. Đây cũng là dịp để SV trao đổi và chia sẻ văn hóa, truyền thống với người bản xứ và bạn bè quốc tế khác.

Hai loại thực tập

Hiện nay, tại Việt Nam chương trình thực tập có lương ở nước ngoài phổ biến với hai dạng: thực tập hè có lương (Work and Travel) và thực tập có lương (Internship).

Đối tượng tham gia chương trình thực tập hè là SV chính quy học năm cuối ở các trường ĐH, CĐ từ 18 - 28 tuổi, quốc tịch Việt Nam, có trình độ tiếng Anh giao tiếp. SV trúng tuyển sẽ được bố trí làm việc với mức lương từ 7,65 - 12 USD/giờ, tùy theo công việc và khả năng của mỗi người. SV cũng được đăng ký thẻ an sinh xã hội để hưởng phúc lợi xã hội và quyền lợi như người lao động chính thức ở nước sở tại. Sau thời gian thực tập 4 tháng, SV được du lịch 1 tháng tại các tiểu bang, thành phố khác ở Mỹ và quay về Việt Nam tiếp tục việc học hoặc thi tốt nghiệp. Chương trình này phù hợp cho những SV có ý định học cao học tại Mỹ vì đây là cơ hội để SV tìm hiểu văn hóa, điều kiện sống, luật pháp, môi trường học tập… trước khi quyết định có theo học tại đây hay không.

 
Sinh viên Việt Nam tham gia chương trình thực tập hè có lương tại Mỹ làm việc ở một nhà hàng trong công viên Grand Canyon  - Ảnh: C.T.V

Một số trường ĐH ở Việt Nam chấp nhận chương trình và xem như một kỳ thực tập tốt nghiệp. Chẳng hạn Trường ĐH Hoa Sen thay thế cho chương trình thực tập tốt nghiệp, còn Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM thay chương trình kiến tập.

Trong khi đó, ở chương trình thực tập có lương, đối tượng tuyển sinh sẽ rộng hơn. SV học tại trường ĐH, CĐ, trung cấp không phân biệt loại hình đào tạo hoặc SV ra trường một năm vẫn được tham gia. Tuy nhiên, chương trình lại có những yêu cầu khác như: SV cao từ 1,55m trở lên, giao tiếp tốt tiếng Anh, cam kết làm việc 6 - 12 tháng, làm việc 6 ngày/tuần, 44 - 48 giờ/tuần và có thể làm thêm giờ. Hoàn thành chương trình, SV được cấp chứng chỉ và có thể xin việc làm chính thức tại các nước đang thực tập.

Những trải nghiệm thú vị

Lê Thị Minh Thư, SV khoa Đông phương học Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, từng làm việc tại khu vui chơi giải trí Fun Forest, Seattle, Washington, Mỹ chia sẻ: “Mình cảm nhận được sự trưởng thành của bản thân về nhiều mặt: cách giao tiếp, sinh hoạt với bạn bè thế giới, làm việc tại một đất nước công nghiệp, thể hiện suy nghĩ của cá nhân, vượt qua những khó khăn, rào cản ban đầu…”. Vì vậy, SV muốn tham gia chương trình phải chủ động trong mọi việc: để đồng hồ đúng giờ, tự dậy sớm và tập thể dục vì đây là quy định bắt buộc, tự chuẩn bị bữa sáng, bữa trưa, tự đi đón xe buýt đến chỗ làm… “Mình đã làm nhân viên của khu trò chơi, không chỉ đơn thuần là kiểm vé, canh thời gian để khởi động và tắt điện mà còn phải quan sát khách hàng, chơi cùng họ, chăm sóc xem tinh thần họ như thế nào để kịp thời xử lý”, Thư chia sẻ.

Lê Hoàng Nhật, SV khoa Công nghệ thông tin Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, đã làm việc tại khách sạn Hill Hospitality, South Dakota, Mỹ, chia sẻ: “Mình thật sự ấn tượng với người quản lý khách sạn, một người thân thiện và biết lắng nghe. Mình đã có những buổi tối sinh hoạt tập thể để tìm hiểu văn hóa của các SV đến từ các nước, được thưởng thức các món ăn lạ và cùng chơi thể thao với nhau”.

 

Mỹ kiểm tra chương trình thị thực việc làm mùa hè

Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton vừa ra lệnh kiểm tra toàn diện chương trình cấp thị thực làm việc mùa hè (J-1) cho SV nước ngoài, sau khi có cáo buộc chương trình này bị lạm dụng, theo AP. Khi được cấp thị thực theo chương trình J-1, SV nước ngoài được phép ở Mỹ làm việc tới 4 tháng, phần lớn làm việc ở nhà hàng, khách sạn và khu nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, một số tội phạm đã lợi dụng chương trình J-1 để nhập cảnh phụ nữ cho các đường dây mại dâm. Một khi đã bị ép vào con đường này, những SV nữ bị ép sống chẳng khác nào nô lệ. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp Mỹ đã dùng chương trình J-1 làm nguồn tuyển lao động giá rẻ, đẩy công nhân sống ở những nơi tồi tệ, làm việc trong hoảng sợ và nhận lương rất thấp. Hồi tháng 8.2011, hàng chục công nhân đã biểu tình tại một nhà máy đóng gói kẹo sô cô la ở khu Hershey, bang Pennsylvania nhằm phản đối việc bị ép lao động cực khổ và trả lương thấp.

Chương trình đưa ra từ năm 1963, với số người tham gia tăng nhanh từ 20.000 trong năm 1996 đến đỉnh 150.000 vào năm 2008.

Minh Trung

 

 Tuyết Vân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.