Xét bằng tổ hợp môn không phù hợp, sinh viên dễ bỏ học?

Hà Ánh
Hà Ánh
27/12/2018 07:52 GMT+7

Hiện các trường ĐH đã thiết kế được trên 400 tổ hợp xét tuyển khác nhau, trong đó có những tổ hợp môn mới và rất lạ. Trước sự đa dạng này, câu hỏi đặt ra là tổ hợp xét tuyển đầu vào có phải gắn với ngành nghề đào tạo?

Vấn đề này càng được quan tâm hơn sau khi nhiều tổ hợp “lạ” được tạo ra để xét tuyển vào các ngành nghề khác với truyền thống. Chẳng hạn sử dụng tổ hợp khối C00 (văn - sử - địa) để xét tuyển vào ngành công nghệ thông tin, môn giáo dục công dân trong tổ hợp xét tuyển các ngành công nghệ, tuyển thí sinh vào ngành kiến trúc không cần qua kỳ thi vẽ...

“Rơi rụng” vì thiếu kiến thức nền tảng

Nhiều chuyên gia đào tạo của các trường ĐH đều khẳng định sự cần thiết của việc xây dựng các tổ hợp môn phù hợp với ngành nghề đào tạo. Điều này không chỉ là yếu tố tiên quyết giúp học tốt ĐH mà còn góp phần vào sự thành công trong nghề nghiệp sau này.
Tiến sĩ Trần Thiện Lưu, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, cho rằng cần thiết có sự phù hợp giữa tổ hợp môn xét tuyển đầu vào với ngành đào tạo. Theo ông Lưu, trong chương trình đào tạo hiện nay sẽ có khoảng 2 năm đào tạo về kiến thức cơ sở ngành, 2 năm kiến thức chuyên ngành. Trong đó, riêng kiến thức cơ sở ngành chiếm không dưới 50% thời lượng mà để theo học các học phần này sinh viên (SV) đã phải cần có kiến thức nền tảng phù hợp.
“Chương trình đào tạo gắn với đầu vào thể hiện rõ nhất qua tiến độ học tập của SV. Những SV yếu kiến thức nền tảng thường bị “rơi rụng” vào thời điểm cơ sở ngành. Thực tế cho thấy phần lớn người học bỏ cuộc giữa chừng do kiến thức nền bị hạn chế, nản vì sở trường không được phát huy. Khi đã vượt qua được giai đoạn này, SV mới phát huy tốt hơn ở giai đoạn chuyên ngành”, ông Lưu phân tích.

Chương trình đào tạo gắn với đầu vào thể hiện rõ nhất qua tiến độ học tập của SV. Những SV yếu kiến thức nền tảng thường bị “rơi rụng” vào thời điểm cơ sở ngành

Tiến sĩ Trần Thiện Lưu, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM

Tiến sĩ Trần Thiện Lưu kết luận: “SV có kiến thức nền tốt sẽ tiếp cận kiến thức cơ sở ngành và chuyên ngành dễ dàng hơn, phát huy việc học tốt hơn. Ngược lại, dù trúng tuyển cũng sẽ dẫn đến những hệ quả trong học tập. Ví dụ tuyển thí sinh vào ngành kỹ thuật, công nghệ cần có kiến thức nền tảng về toán, lý nhưng xét tuyển bằng tổ hợp văn, sử, địa thì sẽ không theo được”.
PGS-TS Vũ Đức Lung, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ thông tin, TP.HCM, cũng có cùng quan điểm này. PGS-TS Lung dẫn chứng bằng việc sử dụng 3 tổ hợp truyền thống để tuyển thí sinh vào các ngành thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin của trường mình.
Ba tổ hợp gồm các môn: toán, lý, hóa, tiếng Anh và văn. Trong đó, tiếng Anh là môn điều kiện cần thiết giúp SV tiếp cận tài liệu, công nghệ mới nhất. Toán là môn bắt buộc vì chương trình học sẽ có nhiều giải thuật liên quan đến kiến thức này. Vật lý cũng có nhiều liên quan, trong khi văn cần thiết với mọi ngành giúp diễn đạt tốt hơn.
Tiến sĩ Trần Thiện Lưu đề xuất có thể tạo ra các tổ hợp xét tuyển theo hướng rộng hơn nhưng phải đảm bảo giữ lại môn có chứa kiến thức nền phù hợp từng ngành học.

Tham khảo từ bài thi đánh giá năng lực

Thí sinh vẫn chủ yếu sử dụng tổ hợp truyền thống
Theo thống kê của Bộ GD-ĐT trong năm 2018, dù có nhiều tổ hợp xét tuyển mới được các trường bổ sung nhưng thí sinh vẫn có xu hướng đăng ký dự thi bằng tổ hợp truyền thống. Trong đó, có gần 90% thí sinh sử dụng 5 tổ hợp cũ gồm A00 (toán, lý, hóa); A01 (toán, lý, tiếng Anh); D01 (toán, ngữ văn, tiếng Anh); C00 (văn, sử, địa); B00 (toán, hóa, sinh). Trong khi đó, có hơn 100 tổ hợp chỉ có dưới 10 thí sinh chọn và có hàng trăm tổ hợp không có trường hoặc thí sinh nào chọn. Tình trạng này cũng diễn ra tương tự với năm 2017.
Không chỉ trong nước, kinh nghiệm tuyển sinh một số ĐH nước ngoài cũng theo xu hướng đảm bảo đánh giá kiến thức nền tảng liên quan đến ngành học. Tiến sĩ Hà Thúc Viên, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Việt - Đức, lấy ví dụ bằng bài thi TestAS dùng cho thí sinh nước ngoài muốn đăng ký vào học tại các trường ĐH của CHLB Đức. Bài thi này gồm 3 thành phần: bài thi ngoại ngữ trực tuyến, trắc nghiệm kiến thức cơ bản và trắc nghiệm kiến thức chuyên ngành.
Trong đó, theo tiến sĩ Viên, bài thi kiến thức chuyên ngành được thiết kế theo các nhóm ngành khác nhau, nhằm đánh giá các kỹ năng cần thiết để hoàn thành chương trình học bậc ĐH của từng nhóm lĩnh vực chuyên ngành tương ứng. Bài thi này kiểm tra kiến thức nền tảng theo 4 nhóm lĩnh vực: nhân văn, văn hóa và khoa học xã hội (kiến thức nền tảng là văn); khoa học kỹ thuật (kiến thức nền tảng là toán, lý); toán học, khoa học máy tính và khoa học tự nhiên (kiến thức nền tảng là toán, lý); kinh tế học (kiến thức nền tảng là toán, kiến thức kinh tế).
“Bài thi này sẽ kiểm tra năng lực người học ĐH trong lĩnh vực cụ thể. Bởi lẽ SV bước vào học ĐH phải có nền tảng để theo học các môn cơ sở trước khi học các môn chuyên ngành”, ông Viên nói.
PGS-TS Trần Tiến Khoa, Hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế, cũng chia sẻ nhiều trường ĐH của Mỹ đang sử dụng bài thi SAT (Scholastic Aptitude Test được thực hiện bởi Tổ chức giáo dục phi lợi nhuận College Board) để tuyển sinh.
Theo PGS-TS Khoa, Trường ĐH Quốc tế đang sử dụng bài kiểm tra đánh giá năng lực theo hướng tham khảo định dạng bài thi SAT 2, yêu cầu thí sinh dự thi 2 môn để xét tuyển, trong đó môn toán bắt buộc và một môn tự chọn gồm: toán, lý, hóa, sinh, tiếng Anh. “Việc kiểm tra kiến thức từng lĩnh vực sẽ đảm bảo được tính chất sâu hơn trong đánh giá năng lực người học. Còn kiến thức tổng quan, cơ bản của thí sinh đã được đánh giá thông qua kỳ thi THPT quốc gia”, PGS-TS Khoa lý giải.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.