2 chàng trai mê trồng rừng

06/04/2011 17:17 GMT+7

Tại Quảng Trị có 2 huyện nằm “ngược xuôi” là Triệu Phong và Đakrông, ngẫu nhiên 2 địa phương ấy cũng có 2 chàng trai gặp nhau ở điểm chung là mê trồng rừng.

Gác việc học để lập nghiệp sớm

Về thôn Liên Phong, xã Triệu Ái hỏi tên Nguyễn Văn Hiếu thì hầu như ai cũng biết. Thi đỗ vào trường ĐH Văn hóa TP.HCM nhưng lại từ chối giảng đường để lên rừng lập nghiệp, Hiếu đã khiến những người dân ở xóm nhỏ heo hút phía tây huyện Triệu Phong này phải kinh ngạc. “Ngày nhận được giấy báo đậu đại học mình mừng lắm chứ. Nhưng niềm vui đó không tồn tại được lâu khi ngoảnh lại thấy cảnh nhà cơ hàn, tiền bạc mô để vào Sài Gòn học hành”, Hiếu kể.

 
Nguyễn Văn Hiếu - người từng từ chối giảng đường để làm giàu, lo cho gia đình trước - Ảnh: CTV 

Nhưng đó là quyết định chín chắn của chàng trai sống có trách nhiệm, bởi anh không vứt bỏ tất cả mà quyết tâm rẽ ngang, tập tành làm kinh tế. Một mình chạy đôn chạy đáo, trong khi đầu tư cho rừng không thể thu hồi vốn một sớm một chiều nên nhiều lúc xóm làng tưởng rằng Hiếu mắc kẹt trong nợ nần. Nhưng sau đợt thu hoạch rừng đầu tiên (2005), Hiếu một lần nữa quyết tâm phát triển loại hình sản xuất này. Từ cuối năm 2006 đến nay, Hiếu đã là ông chủ của gần 30 ha rừng (trong đó có trên 20 ha rừng lấy gỗ; 0,5 ha măng bát độ; gần 7 ha cao su tiểu điền đã 4 năm tuổi), mỗi năm thu lãi 100 triệu đồng.

Cũng trong năm này, thấy cuộc sống đã ổn định, Hiếu mới bắt đầu nối lại con đường học vấn vốn bị “đứt gánh nửa chừng”. “Làm việc chi cũng phải có trình độ, mình mới học hết cấp 3, không đi học thì sao bằng người ta được. Ý chí có lớn đến mấy mà không có kiến thức thì cũng không ăn thua”, Hiếu phân tích. Nói là làm, cứ đến những ngày cuối tuần Hiếu lại lặn lội ra TP Đông Hà để theo học ĐH Kinh tế (hệ tại chức) và nay chàng “nông dân” đã là cử nhân kinh tế.

Không những làm kinh tế giỏi, Hiếu còn là một thanh niên dễ gần gũi, phổ biến những kinh nghiệm và gieo vào lòng những bạn trẻ khác ước mơ làm giàu trên vùng đất quê hương.

“Người Vân Kiều thì phải trồng rừng chứ”

Tiếp chuyện chúng tôi trong ngôi nhà mới cất cạnh dòng sông Đakrông đang rì rầm, anh Hồ Văn Năm nói chắc nịch như thế. Cũng phải thôi, bởi bà con Vân Kiều xưa nay xem rừng là nhà, việc bảo vệ rừng, trồng rừng cũng chính là bảo vệ nguồn sống của họ.

 
Hồ Văn Năm quyết chí làm giàu - Ảnh: Nguyễn Phúc

Sinh ra ở huyện vùng cao, Năm không may mắn như Hiếu để có thể tự quyết việc học vấn của mình, nhưng so với trai bản đồng lứa, anh thuộc vào hàng tháo vát. Biết rằng ở rẻo đất heo hút này khó mấy cũng chỉ có thể làm nông nghiệp nên Năm đã chọn thuê một quả đồi để lấy “đất cắm dùi”. Quăng quật nhiều, nợ nần cũng không ít nhưng dường như đất không phụ lòng chàng trai có nghị lực. Từ 1 ha sắn đầu tiên, anh tiếp tục trồng mới 6.000 cây keo tai tượng, 300 cây trầm gió... cho thu nhập hằng năm đều đặn. Có tiền, Năm dựng nhà mới và không quên đầu tư tiếp để phát triển quy mô vườn rừng. Nhiều trai bản ngưỡng mộ Năm nên anh nói gì đều nghe răm rắp, một số còn đi theo Năm để anh “bày” cho cách làm giàu.

Gặp Hiếu, Năm, chắc ai cũng sẽ hiểu rằng nếu biết sắp xếp thời gian cộng với khát khao vươn lên, họ sẽ xây dựng được cuộc sống no đủ và làm gương cho bè bạn. Trồng rừng quả là một chọn lựa không xoàng của hai chàng trai này.

Nguyễn Phúc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.