Bánh mì tam giác đen như than đá ‘bắt trend’ ở TP.HCM

Thúy Hằng
Thúy Hằng
28/08/2020 19:11 GMT+7

Chiếc bánh mì hình tam giác, đen nhánh như than đá, kẹp bên trong các loại rau tươi mơn mởn và thịt nướng, nước sốt, rưới thêm chút tương ớt đỏ rồi đưa lên miệng cắn ‘ngập răng’, giòn rụm, thơm phức.

Một bạn tuổi teen tấp vào cửa hàng bánh mì trên đường Phan Văn Trị, Q.Bình Thạnh, TP.HCM gọi 2 ổ bánh mì tam giác đen như than đá, trước khi chờ người bán bánh gói vào giấy, bạn nhỏ giơ chiếc bánh lên trước ống kính “selfie” một tấm. “Bánh mì than đá” đang là xu hướng (trend) trong giới trẻ, và người khởi nghiệp giữa dịch bệnh Covid-19 ở TP.HCM bắt trend rất nhanh. Câu chuyện về anh Tô Quốc Tiến, 35 tuổi, chủ xe bánh mì quen mà lạ này là một ví dụ.

"Bánh mì bóng ma" gây tò mò

Tô Quốc Tiến đặt cho loại bánh mì tam giác đen như than đá là “bánh mì bóng ma”. Nghe tên có vẻ ghê ghê nhưng khi nướng bánh lên cho lớp vỏ thật giòn, ở lớp giữa bỏ thịt nướng, rau, nước sốt được pha chế đặc biệt vào thì lại thành một món ăn dễ ghiền.

Bánh mì tam giác làm từ bột mì, bột nở, tinh than tre

Ảnh Thúy Hằng

Nhà khởi nghiệp 35 tuổi cho biết bánh mì tam giác đen xuất hiện khoảng 5 ngày nay ở TP.HCM. Bánh được sản xuất tại lò ở Cần Thơ, sau đó phân phối về các địa điểm của xe bánh mì. Nguyên liệu chính của "bánh mì bóng ma" này vẫn là bột mì, bột nở, nhưng có thêm thành phần tinh than tre được nhập khẩu. Tinh than tre này pha chế với một tỷ lệ nhất định, giúp cho bánh mì có màu đen đặc biệt, nhưng không ảnh hưởng tới độ giòn, xốp của bánh.
Dùng tinh than tre trong thực phẩm có an toàn không, anh Tiến cho biết, tinh than tre được kiểm định về y tế, chứa nhiều khoáng chất tốt cho cơ thể như canxi, kali, sắt, có thể dùng trong chế biến thực phẩm, pha nước, làm bánh…

Bánh mì tam giác đen nhưu than đá được nướng giòn, rồi tách ra để cho thịt, rau và các loại nước sốt lên trên

Ảnh Thúy Hằng

Ý tưởng bánh mì tam giác đen như than đá được Tiến và nhóm khởi nghiệp bánh mì Torki “bắt trend” trong giới trẻ. Tuy nhiên, để pha chế tinh than tre ra sao, phối hợp để làm ra chiếc bánh tam giác vẫn đảm bảo thẩm mĩ và chất lượng, phối hợp cùng thịt, rau không bị dai hay vụn bở thì không phải là chuyện đơn giản.
“Nhiều bạn trẻ thích bánh mì tam giác đen như than đá, để có thể vừa mua ăn, vừa 'check in' trên mạng xã hội. Một số người lớn thì e ngại với món ăn có màu sắc này, nhưng nếu đã ăn quen, 'bánh mì than đá' này cho mùi thơm, vị mằn mặn rất đặc biệt”, Tô Quốc Tiến chia sẻ.

Chàng trai xứ nho đi bán bánh mì

Tô Quốc Tiến, quê ở phường Đài Sơn, xã Thành Hải, TP.Phan Rang - Tháp Chàm, Ninh Thuận, vùng đất đầy nắng và gió với những giàn nho trĩu quả xa hút tầm mắt. Là anh cả trong gia đình 4 anh em, cha mất sớm từ khi Tiến mới 9 tuổi, một mình mẹ anh gồng gánh nuôi cả đàn con với nghề thu mua nho ở các nhà nông, bán cho các thương lái.
Từ nhỏ, Tiến đã quen với việc phụ mẹ cắt nho, phân loại, xếp vào cần xé (vật dụng chứa nông sản - PV). Con đường nhỏ trơn trượt ở quê, một mình mẹ với chiếc xe máy và cần xé chở nho nặng trĩu, những hình ảnh đó thôi thúc trong Tiến những khao khát tự lập, khởi nghiệp từ sớm.

Chàng trai xứ nho sau nhiều năm làm ngành thời trang, bất động sản đi khởi nghiệp với bánh mì

Ảnh Thúy Hằng

Tiến lên TP.HCM học ĐH, anh học một lúc cả Trường ĐH Công nghệ Sài Gòn và Trường ĐH Mở. Không nề hà công việc gì, miễn kiếm được tiền chân chính, Tiến đi phụ bán cà phê, trông xe cho cửa hàng thời trang tại Q.1.
Chịu khó, nhanh nhẹn, Tiến may mắn được đạo diễn Nguyễn Hữu Dũng - khi đó là giám đốc điều hành công ty thời trang cao cấp nhận vào làm nhân viên bán hàng. Dần dần, anh nỗ lực vươn lên vị trí quản lý, quản lý vùng. 
10 năm gắn bó với thời trang, Tiến chuyển hướng sang một công ty bất động sản. Tháng 7.2019, anh bén duyên với bánh mì, bắt đầu hành trình khởi nghiệp - những ao ước bấy lâu nay của anh mà chưa có cơ hội được thực hiện.

Các bạn trẻ thích bánh mì tam giác đen hơn, người lớn tuổi thích bánh mì tam giác truyền thống màu vàng

Ảnh Thúy Hằng

“Tôi từng nghĩ tới những món ăn đặc sản quê mình nhưng để kinh doanh những sản phẩm đó cần mặt bằng, vốn đầu tư lớn, rủi ro cao. Bánh mì kẹp là món ăn của Việt Nam, giá bình dân, ai cũng có thể ăn nó hằng ngày”, Tiến nói về cơ duyên.
Anh cũng tiết lộ, mình từng ăn rất nhiều loại bánh mì kẹp khắp Sài Gòn để tìm ra một thương hiệu có thể nhượng quyền. “Khi đã chọn được món bánh mì khiến mình ăn một lần rồi mê ngay, câu chuyện tìm được mặt bằng để phù hợp với vốn của mình cũng như nhu cầu của khách hàng cũng không đơn giản. Tôi nhớ thời gian đó, ban ngày đi làm về, tối tối cứ chạy xe khắp các con đường ở thành phố để tìm nơi có thể để xe bánh mì”, Tiến kể. Tự bắt tay vào ướp thịt, nướng thịt, kẹp bánh, Tiến từ bỡ ngỡ trở thành ông chủ rất lành nghề. Lúc cao điểm, mỗi ngày Tiến có thể bán hơn 300 ổ bánh.

Lúc cao điểm, Tiến có thể bán hơn 300 ổ một ngày

Ảnh Thúy Hằng

Từ người quản lý xe bánh mì nhượng quyền của mình, sau đó Tiến làm việc với các đối tác, quản lý các xe/kiot bánh mì khu vực TP.HCM. Thời gian dịch Covid-19 ảnh hưởng tới doanh thu của các lĩnh vực, anh cùng với những người trẻ khởi nghiệp với bánh mì trong hệ thống của mình có nhiều ý tưởng mới để đa dạng hóa thêm các sản phẩm có thể bán cùng bánh mì kẹp, như xôi chiên, gà rán… từ đó tăng thêm giá trị cho người kinh doanh.
Bánh mì tam giác đen như than đá cũng là một trong những sáng tạo của đội ngũ người trẻ như Tiến. “Gần đây chúng tôi có bánh mì thanh long đỏ. Sắp tới sẽ có bánh mì tam giác màu cam, nâu, xanh… với nguyên liệu từ thiên nhiên”, nhà khởi nghiệp trẻ hào hứng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.